40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới: 4 ý tưởng để Việt Nam có hòa bình bền vững

Ông Nguyễn Anh Tuấn - CEO Diễn đàn Toàn cầu Boston, Giám đốc Viện Michael Dukakis về Lãnh đạo và Sáng tạo (Hoa Kỳ) nêu 4 ý tưởng xác lập tâm thế và vị thế của dân tộc, xây dựng nền hòa bình bền vững cho Việt Nam.

Nhân kỉ niệm 40 năm chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược, bảo vệ biên giới phía Bắc, từ Boston, ông Nguyễn Anh Tuấn – Nguyên TBT Vietnamnet, CEO Diễn đàn Toàn cầu Boston, Giám đốc Viện Michael Dukakis về Lãnh đạo và Sáng tạo (Hoa Kỳ), đồng tác giả sáng kiến Xã hội Trí tuệ Nhân tạo (AIWS) nêu ra 4 ý tưởng với những tư duy chiến lược và giải pháp mới xác lập tâm thế và vị thế của dân tộc, xây dựng nền hòa bình bền vững cho Việt Nam.

1. Việt Nam trở thành nước trung gian hòa giải các xung đột, các bất đồng trên thế giới

Nhân ái, bao dung, cao thượng, nghĩa hiệp, yêu chuộng hòa bình thẫm đẫm áng văn bất hủ Bình Ngô đại cáo từ thế kỉ XV, “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”.

Phát huy truyền thống đó, chúng ta đã có thái độ đúng mức với những nước đã gây đau thương cho dân tộc mình. Vượt lên thù hận, Việt Nam đã xây dựng các mối quan hệ hợp tác, hữu nghị với tất cả các nước lớn đã từng là kẻ thù gây đau thương cho dân tộc ta như Nhật, Pháp, Mỹ, Trung Quốc.

Trước cộng đồng quốc tế, Việt Nam có đủ tư cách, vị thế trở thành nước trung gian hòa giải các cuộc xung đột, các bất đồng trên thế giới, điều này đang dần trở thành hiện thực.

Vị thế này, tư cách này, không phải là người Việt Nam tự nói với nhau, mà đây chính là những ý tưởng đã được các nhà lãnh đạo, các học giả ở Diễn đàn Toàn cầu Boston nêu lên tại Hội nghị ở Nha Trang 11/7/2015 và Hội nghị Ngày Hòa Giải Thế Giới ở Đại học Harvard ngày 9/9/2017 và tại Tokyo ngày 3/9/2017.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un ở Hà Nội ngày 27 và 28/2/2019 xác lập tâm thế này, vị thế này của Việt Nam.

Đây cũng là cơ sở để nhân dân Việt Nam xây dựng mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, láng giềng thân thiện với nhân dân Trung Quốc, cùng nhau xây dựng xã hội văn minh, giàu mạnh, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng phẩm giá dân tộc của nhau và những chuẩn mực quốc tế.

XEM TOÀN BỘ BÀI VIẾT VỀ CUỘC CHIẾN BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC TỔ QUỐC NĂM 1979 TẠI ĐÂY

2. Việt Nam có thể trở thành diễn đàn cảnh báo các nguy cơ xảy ra xung đột, các mối đe dọa và nguy cơ chiến tranh mới cho nhân loại.

Sáng 17/2/2019, trên Cà Phê Sáng với VTV3, đạo diễn Đặng Nhật Minh nêu lại thông điệp: "Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác". Để có nền hòa bình và an ninh vững chắc cho khu vực và thế giới, cần ngăn ngừa những cuộc chiến mới, những mối đe dọa, nguy cơ xảy ra chiến tranh trong thế giới thực và trên không gian mạng, Việt Nam có thể trở thành diễn đàn, là nơi để lãnh đạo các quốc gia, các học giả tiến bộ, các nhà hoạt động xã hội xuất sắc toàn cầu gặp gỡ, thảo luận tìm giải pháp cho các bất đồng, đề xuất các sáng kiến tháo ngòi nổ chiến tranh mới cho nhân loại.

Video: Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra thế nào?

3. Xây dựng phẩm tính tốt đẹp của người Việt Nam, đặc trưng cho phẩm giá dân tộc trong thế kỷ 21: trung thực, tử tế, thân thiện, giàu tình cảm, giàu lòng nhân ái, bao dung, nghĩa hiệp, sáng tạo và có ý chí cao, khát vọng lớn.

Để xứng đáng với tâm thế, vị thế cao quý này, và kỷ niệm cuộc chiến tranh này một cách ý nghĩa, bản thân mỗi người Việt Nam ngoài việc giữ gìn phát huy truyền thống kiên cường bất khuất trước kẻ thù xâm lược, trong thời bình cần thương yêu, đùm bọc nhau như trong những ngày chiến tranh giặc dã, đối xử với nhau như người thân yêu ruột thịt... trung thực, nhân ái, bao dung, đùm bọc nhau, nhìn đến những cái tốt của nhau để cùng giúp nhau vượt qua khó khăn, thách thức... cùng nhau xây dựng phẩm tính tốt đẹp, đặc trưng cho phẩm giá dân tộc trong thế kỷ 21: trung thực, tử tế, thân thiện, giàu tình cảm, giàu lòng nhân ái, bao dung, nghĩa hiệp, sáng tạo và có ý chí cao...

Đó là cách kỷ niệm có ý nghĩa sâu sắc tất cả các cuộc chiến tranh.

Mỗi người Việt Nam cần thấy rõ những hoài nghi, đố kị, những ích kỉ tầm thường, những khôn vặt, láu cá, những gian manh thủ đoạn chính là rào cản trên con đường hội nhập và phát triển.

Vị thế của quốc gia chỉ được nâng lên, nếu mỗi người dân có ý thức giữ gìn vị thế và hình ảnh của mình theo chuẩn mực của con người văn minh, hiện đại. Khi vị thế đất nước được nâng cao, cơ hội sẽ đến gõ cửa mỗi mỗi người, mỗi nhà.

4. Nắm bắt cơ hội mới của thời đại Trí tuệ nhân tạo

Kỷ niệm cuộc chiến, nhớ đến những người con Việt Nam đã hy sinh trong cuộc chiến này, người Việt Nam hôm nay cùng nhau nắm bắt cơ hội mới do thời đại Trí tuệ nhân tạo đang đem đến, hãy tin tưởng vào sức mạnh và trí tuệ của người Việt, xây dựng một hệ thống quản trị và vận hành xã hội phát huy cao nhất năng lực của mỗi người Việt Nam, cùng nhau đoàn kết, hợp tác với ý chí, khát vọng mãnh liệt xây dựng một nền kinh tế mạnh, có vị thế xứng đáng về kinh tế trên thế giới để các nước nể trọng Việt Nam về kinh tế như đã nể trọng Việt Nam anh hùng, bất khuất trong chiến tranh.

Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn VTC: https://vtc.vn/40-nam-cuoc-chien-dau-bao-ve-bien-gioi-4-y-tuong-de-viet-nam-co-hoa-binh-ben-vung-d458268.html