40 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc: Nỗi đau giữa thời bình

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã qua 40 năm. Ngay cả nơi cuộc chiến đấu kết thúc muộn nhất cũng đã gần 1/3 thế kỷ nhưng với người dân nơi 'lò vôi thế kỷ' mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) khi xưa vẫn chưa thoát khỏi tử thần chiến tranh bởi những bom, mìn sót lại có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

Chiến tranh qua đi, đau thương ở lại

Đi qua con đường nhỏ ngoằn nghèo ven sườn đồi, đi sâu vào cuối thôn Na Sát, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, mới tới được nhà ông Nùng Seo Hờ (SN 1967). Căn nhà xiêu vẹo được lợp bằng phi prô xi măng đã cũ, phía trong trống hoác, không có của nả gì đáng giá.

Gia đình ông Hờ bao năm qua vẫn thuộc hộ nghèo trong xã. Năm 1993, tai ương bất ngờ ập xuống gia đình ông khi lao động chính của gia đình bị dính mìn ngay giữa thời bình.

Ông Hờ kể lại: Buổi sáng hôm ấy ông đi làm nương như bao ngày bình thường. Bên sườn đồi, ông phát cỏ dọn bụi cây rồi đốt để chuẩn bị cho vụ mùa mới. Khi ông lui cui vun cho đống lửa cháy to thì quả đạn pháo còn sót lại từ thời chiến tranh biên giới phát nổ. Ông nằm ngất lịm ngay trên nương. Đến khi tỉnh dậy thì phần lớn bàn tay đã bị mất. Cằm và trán bị 2 mảnh đạn găm vào.

May mắn sống sót nhưng sức lao động của ông giảm hẳn, đến cầm cái cuốc để làm nương còn cầm không vững. Mỗi khi trái gió trở trời, toàn thân ông lại đau nhức. Cũng vì lao động chính giảm khả năng lao động mà gia đình vẫn mãi trong cảnh nghèo túng.

Ông Nùng Seo Hờ, ở thôn Na Sát, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, bị mất bàn tay và sức khỏe giảm sút do vướng phải đạn pháo còn sót lại sau cuộc chiến. Ảnh H. Hòa

Ông Nùng Seo Hờ, ở thôn Na Sát, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, bị mất bàn tay và sức khỏe giảm sút do vướng phải đạn pháo còn sót lại sau cuộc chiến. Ảnh H. Hòa

Trường hợp ông Hờ vẫn còn được coi là may mắn hơn ông Bồn Văn Hòn, ở thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy. Thôn này có các điểm cao 685, 772, 1509 từng diễn ra những trận đánh rất ác liệt vào năm 1984. Chính vì sự khốc liệt đó mà những trận địa nơi đây được gắn với những cái tên đi vào huyền thoại: “Đồi thịt băm”, “Thung lũng gọi hồn”, “Lò vôi thế kỉ”, “Ngã ba cửa tử”... Nơi đây cũng được xác định còn sót lại nhiều bom đạn chưa phát nổ bị chôn vùi dưới đất, đe dọa tới sự an toàn của người dân nơi đây giữa thời bình.

Năm 1996, ông Bồn Văn Hòn đi làm nương, không may cuốc phải mìn mà bị đứt mất cả 2 chân. Ông là lao động chính trong gia đình 5 người. Vốn có hoàn cảnh khó khăn, chỉ biết trông vào ruộng nương, lấy sức lao động chân tay để kiếm kế sinh nhai, từ ngày bị nạn, gia đình ông Hòn càng thêm khó khăn chồng chất.

Ông Lý Xuân Lìn, Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy, cho biết: Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới tại Hà Giang kéo dài suốt 10 năm ròng rã, nhưng thật may mắn là rất ít người dân thường trên địa bàn xã bị chết bởi chiến tranh do họ được bố trí di tản kịp thời. Nhưng đau xót thay, khi chiến tranh đã lùi dần vào quá khứ thì số người chết, mang thương tật vì bom mìn còn sót lại vẫn tăng lên. Theo thống kê, đến nay trên địa bàn xã Thanh Thủy có tổng số 41 người dân bị chết và bị thương do vướng phải bom mìn. Với những người bị ảnh hưởng bom mìn ở mức nặng và đặc biệt nặng, địa phương đã xếp họ vào diện người khuyết tật và họ được hưởng mức trợ cấp từ 480 ngàn đồng/tháng đến 640 ngàn đồng/tháng.

Theo ông Lý Xuân Lìn, từ năm 2004 đến 2015 trên địa bàn xã, các cơ quan chức năng đã rà phá bom mìn được 702 ha, tập trung ở các thôn Giang Nam, Nặm Ngặt, Nà Toong, Cốc Nghè.

Ngoài diện tích đã được rà phá nhưng hiện nay một số diện tích chưa được rà phá như ở thôn Nặm Ngặt, Giang Nam còn nhiều vật cản chưa được khắc phục. Theo ông Lý Xuân Lìn, một số diện tích tuy đã rà phá nhưng còn sót trong thời gian qua còn gây hậu quả cho người dân cũng như gia súc gây ảnh hưởng lớn và trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe và đời sống của bà con sinh sống, canh tác. Đặc biệt, với lực lượng thực hiện công tác tuần tra đường biên, mốc giới cũng như đi tìm, quy tụ hài cốt liệt sỹ thì đây là một hiểm họa thường trực.

Theo ông Lý Xuân Lìn, diện tích cần tiếp tục rà phá bom mìn lên tới hàng ngàn hecta, có thể mất thêm 10 năm nữa mới rà phá được số bom mìn còn sót lại trên địa bàn xã.

Rà phá, thu gom bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Ảnh tư liệu

Hà Giang có hơn 85 ngàn hecta ô nhiễm bom mìn, vật nổ

Tính trên toàn tỉnh Hà Giang, sau dự án điều tra, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ, đã xác định được diện tích ô nhiễm của tỉnh này là hơn 85 ngàn ha. Từ năm 2012 đến năm 2018, lực lượng công binh chuyên trách mới tiến hành giải phóng được hơn 1,4 ngàn ha

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang, toàn tỉnh hiện có gần 400 nạn nhân bị ảnh hưởng do bom mìn, 230 nạn nhân bị chết do bom mìn, trong đó có 72 hộ gia đình nạn nhân thuộc diện nghèo, 15 hộ thuộc diện cận nghèo.

Theo ghi nhận thì phần lớn các vụ tai nạn bom mìn, vật liệu nổ trên địa bàn đều có liên quan đến trẻ em và thanh thiếu niên, trong đó gần 75% ở độ tuổi dưới 30 hoặc trẻ hơn. Tai nạn bom mìn, vật liệu nổ chủ yếu xảy ra khi người dân đang làm ruộng nương, rà tìm sắt phế liệu hoặc do giẫm đạp, chơi nghịch các vật liệu nổ, nhất là với các em nhỏ thì đa phần là do không hiểu biết nên đã gây hậu quả đáng tiếc.

(Còn nữa)

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/40-nam-cuoc-chien-bao-ve-bien-gioi-phia-bac-noi-dau-giua-thoi-binh-post55472.html