40 năm chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc: Chuyện về Đồn 5 anh hùng

Những bài học lịch sử từ Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa… vẫn rành rành đó, vậy mà hôm nay vẫn còn lắm kẻ ngoan cố 'ôm mộng bá vương'!

Đồn 5 anh hùng

“Chúng ta ghé qua Đồn 5 đã anh nhé. Nếu ai đó lên đây mà không ghé qua Đồn 5 thì tiếc quá”, vừa bẻ lái chiếc xe bán tải qua một khúc cua tay áo trên đường vành đai biên giới, thiếu úy Trần Mạnh Hùng, lái xe của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên vừa quay sang nói với tôi. “Đồn 5 là đồn nào thế?”, tôi tò mò hỏi lại. “Đồn 5 Công an Nhân dân vũ trang là tên gọi trước kia, bây giờ đổi tên thành Đồn biên phòng Leng Su Sìn rồi. Anh cứ vào đó đi, chuyện của các chú, các anh ấy nhiều lắm”, thiếu úy Hùng nói chắc nịch.

Sau khi thành lập, Đồn 5 Công an Nhân dân Vũ trang (CANDVT) khi đó được giao phụ trách địa bàn 2 xã là Sính Phình (nay là Sín Thầu) và Chung Chải với tổng dân số 156 hộ ở rải rác thành 23 điểm dân cư gồm 2 dân tộc Hà Nhì, Hán (Hà Nhì chiếm 60%).

Để bảo vệ mỗi tấc đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc, các anh đã anh dũng ngã xuống ở tuổi mười tám, đôi mươi – cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời mỗi người. Các anh đã ngã xuống giữa mùa xuân biên cương…

Để bảo vệ mỗi tấc đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc, các anh đã anh dũng ngã xuống ở tuổi mười tám, đôi mươi – cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời mỗi người. Các anh đã ngã xuống giữa mùa xuân biên cương…

Đây là những nơi bị địch thống trị lâu năm, nhân dân hầu hết bị đầu độc “thổ phỉ hóa”, đời sống cơ cực, du canh du cư trên các triển núi, mỗi chỏm đồi có 2 – 3 gia đình. Theo số liệu thống kê, có tới 95% dân số từ 13 tuổi trở lên là nghiện hút, trong xã có 207 bàn đèn, bình quân cứ 10 người có 2 bàn đèn, 100% dân số là mù chữ, mê tín dị đoan, bệnh tật phát sinh nghiêm trọng.

Do bà con sống rải rác nên bọn phản động ở địa phương thường xuyên tuyên truyền xuyên tạc với các luận điệu như: “Hà Nhì xuống thấp con ma nó làm ốm chết”, “nếu xuống thấp thì mỗi gia đình phải mổ một con lợn để cúng xem con ma nó có cho đi không”,…

Vượt qua mọi khó khăn gian khổ, cán bộ chiến sĩ Đồn 5 đã lăn lộn dưới địa bàn thực hiện 3 cùng với dân, ăn củ nâu, củ bấu, củ mài, nhường cơm sẻ áo của mình cho dân, có nhiều đồng chí đã dành tiền phụ cấp của mình mua từng viên thuốc, gói thuốc lào cho đến bộ quần áo mặc cho nhân dân.

Đường vành đai biên giới Việt - Trung.

Điển hình như đồng chí Trần Văn Thọ đã mua được 15 chiếc lưỡi cày để tặng dân sản xuất, đồng chí Hoàng Văn Nín, đồng chí Hoàng Văn Thắm, đồng chí Lường Văn Em, đồng chí Lê Văn Tới, đồng chí Nguyễn Văn Thân đã lăn lộn ở cơ sở hàng chục năm liền để vận động đồng bào xuống núi… Những việc làm đó đã có tác động trực tiếp đến tâm tư, tình cảm, tạo được niềm tin đối với đồng bào dân tộc Hà Nhì…

So với các đồn biên phòng khác trên cùng tuyến biên giới Việt – Trung, Việt – Lào của tỉnh Điện Biên, vị trí của Đồn biên phòng Leng Su Sìn có phần thuận lợi hơn khi nằm sát ngay đường nhựa và ô tô vào được tận nơi. “Đồn mới xây dựng được hai năm nay, trước đồn cũ ở bên kia đường, làm bằng gỗ nên mùa đông rét lắm”, Trung tá Phạm Bá Trìu – Trưởng đồn biên phòng Leng Su Sìn cười nói với khách như để giải thích. Rồi anh chỉ tay ra phía ngoài: “Còn anh em ở ngoài kia nữa, ra chào anh em đi, có khách đến đồn chắc anh em cũng vui lắm”. “Anh em” mà Trung tá Phạm Bá Trìu nhắc đến chính là những cán bộ, chiến sĩ của Đồn 5 (đồn Leng Su Sìn bây giờ) và các điểm đồn trước kia thuộc Đồn 5 quản lý đã hy sinh trong chiến đấu.

Xuân 1979

Tại khuôn viên của Đồn Leng Su Sìn, một đài tưởng niệm và một bức phù điêu lớn đã được dựng lên để ghi nhận những chiến công và sự hi sinh anh dũng của các anh. Kinh phí để xây dựng công trình một phần từ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên, phần còn lại do chính cán bộ chiến sĩ trong đồn tự đóng góp. Thắp nén hương tưởng nhớ các anh, chúng tôi cùng đứng lặng. Để bảo vệ mỗi tấc đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc, các anh đã anh dũng ngã xuống ở tuổi mười tám, đôi mươi – cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời mỗi người. Các anh đã ngã xuống giữa mùa xuân biên cương…

Mùa xuân 1979. Trên mặt trận Lai Châu (khi đó chưa tách tỉnh Điện Biên), quân Trung Quốc chia thành hai mũi tiến công. Mũi chủ công đảm nhiệm tiến công Ma Ly Pho, Pa Nậm Cúm vào ngã ba Phong Thổ. Mũi thứ hai tiến công từ Huổi Luông, Pa Tần (Sìn Hồ). Ngoài ra địch còn sử dụng một lực lượng đánh chiếm khu vực bắc Dào San và Mù San (Phong Thổ).

Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc đã lùi xa 40 năm, nhưng những người lính biên phòng và nhân dân vùng biên giới vẫn không quên bài học về nêu cao tinh thần cảnh giác.

Từ ngày 17/21979, quân Trung Quốc bắt đầu tấn công vào các điểm cao 1562 Mù San, 1112 Ma Ly Pho, Hoàng Thểm, Khao Chải, điểm cao 262… cùng một số vị trí khác do Trung đoàn 741 và 193, Tiểu đoàn 2 Sìn Hồ, đồn biên phòng Ma Lù Thàng, Si Lờ Lầu, A Pa Chải… bảo vệ. Đến ngày 19/2, nhờ lực lượng áp đảo, quân Trung Quốc đã chiếm các vị trí này và tiến xuống ngã ba Nậm Cáy, Mô Sy Câu, ngã ba Pa So và bắc Pa Tần. Lực lượng của ta đã chặn đánh quyết liệt nhưng do quân địch đông, đến 24/2 địch đã chiếm được các mục tiêu trên và tiếp tục tăng cường lực lượng để đột phá tiếp.

Trước tình hình này, Bộ tư lệnh Quân khu 2 điều động lực lượng của Trung đoàn 98 Sư đoàn 316 và Trung đoàn 46 Sư đoàn 326 tăng cường cho khu vực phòng thủ Pa Tần và tổ chức phản công đánh chiếm lại một số vị trí. Tại đây chiến sự diễn ra ác liệt, hai bên giành giật từng điểm chốt như ở cao điểm 805, 551 hay 553 bắc Pa Tần. Sau nhiều đợt tiến công liên tục, ngày 3/3/1979, quân Trung Quốc chiếm được thị trấn Phong Thổ, Pa Tần và đến ngày 5/3/1979 thì chiếm được Dào San.

Nhưng trước sự phản công mạnh của bộ đội ta, đến ngày 10/3 trên mặt trận Lai Châu, địch đã phải rút về bên kia biên giới. Kết thúc đợt chiến đấu này đã có 11 cá nhân và 6 đơn vị chiến đấu trên hướng Lai Châu được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Đã 40 năm trôi qua, mảnh đất biên cương xa xôi Tây Bắc đã thấm biết bao máu, mồ hôi và cả nước mắt của chiến sĩ biên phòng và đồng bào nơi đây. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dư âm của nó còn vọng mãi, nhắc nhở những người còn sống hôm nay không được phép lãng quên những người đã ngã xuống vì độc lập tự do cho Tổ quốc và cũng không được quên bài học cảnh giác trước âm mưu thâm độc của kẻ thù ngàn đời.

Chiếc xe tuần tra của Bộ Tư lệnh biên phòng tỉnh Điện Biên đưa chúng tôi chạy giữa đường vành đai biên giới Việt – Trung. Mùa xuân, hai bên đường trắng rợp cỏ bông lau, những dải đồi biên cương cứ lớp lớp nối nhau bập bềnh trong sương núi. Bất chợt, lại nhớ đến ca khúc của nhạc sĩ Trần Chung được ông sáng tác trong những lần đi cùng anh em lính biên phòng tuần tra biên giới:

“Chiều dài biên giới, dài theo bước chân chúng tôi…

Hành quân đi ven rừng xưa còn in bóng cờ

Vó ngựa ngàn năm những anh hùng đi giữ nước

Đây Chi Lăng, đây Đống Đa còn vang tiếng thét

Vẫn còn kia...

Tiếng sóng xô Bạch Đằng đã cuốn đi cuồng vọng

Qua rồi thời vương bá!...”

Những bài học lịch sử từ Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa… vẫn còn rành rành đó, vậy mà hôm nay vẫn còn có những kẻ ngoan cố ôm lấy cái "mộng bành trướng bá vương"!

Hoàng Vĩnh Sưởng

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/40-nam-chien-tranh-bao-ve-bien-gioi-phia-bac-chuyen-ve-don-5-anh-hung-post55584.html