40 năm cay đắng của Tiểu vương Ibrahim Ibn Sori

Là tiểu vương vùng Torodbe trong Liên minh Hồi giáo Futa Djallon (nay thuộc Guinea, châu Phi), sau trận giao tranh với quân đội Tây Ban Nha để bảo vệ các nguồn lợi kinh tế xảy ra năm 1788, Abdul-Rahman Ibn Ibrahim Sori bị bắt làm tù binh rồi được bán sang Mỹ dưới hình thức nô lệ.

Suốt gần 20 năm lao động khổ nhục tại một đồn điền trồng cây bông vải ở bang Mississippi, thân thế danh gia vọng tộc của Ibrahim Ibn Sori mới được làm rõ. Năm 1828, đích thân Tổng thống Mỹ John Quincy Adam và Ngoại trưởng Mỹ Henry Clay ký quyết định phục hồi tự do cho ông…

Những nấc thang gian khó

Sinh năm 1762 ở thị trấn Timbo, tỉnh Mamou, Guinea, trong một gia đình quý tộc nên ngay khi còn bé, Abdul-Rahman ibn Ibrahim Sori đã có cuộc sống nhung lụa. Lúc được 14 tuổi, cha của Sori là Almami Ibrahim thành công trong việc hợp nhất các nhánh Hồi giáo ở cao nguyên Futa Djallon để trở thành Liên minh Hồi giáo Futa Djallon do ông đứng đầu, lấy thị trấn Timbo làm thủ đô. Cũng từ đó, Sori được phong là tiểu vương Torodbe, một khu vực gồm các giáo sĩ Hồi giáo hoạt động ở miền tây Sudan. Đây cũng là chỉ dấu cho thấy Sori sẽ nối ngôi khi Almami Ibrahim qua đời

5 năm tiếp theo, Sori đi học ở Timbuktu, đế quốc Mali (nay là Cộng hòa Mali, châu Phi). Thời điểm ấy, Timbuktu là trung tâm học thuật Hồi giáo vùng Tây Phi đồng thời còn là điểm giao dịch thương mại quan trọng. Các nhà buôn từ Anh, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Arab cùng nhiều quốc gia khác đổ xô đến để mua ngà voi, da thú, muối, vàng và nhất là nô lệ. Vì vậy, Sori được hưởng một nền giáo dục tuyệt hảo. Ngoài 4 ngôn ngữ châu Phi khác nhau, Sori còn đọc thông viết thạo tiếng Anh, tiếng Arab.

Tranh vẽ chân dung Sori khi là Tiểu vương Torodbe.

Tranh vẽ chân dung Sori khi là Tiểu vương Torodbe.

19 tuổi, Sori trở về Timbo rồi gia nhập đạo quân Hồi giáo của cha mình. 26 tuổi, Tiểu vương Sori là trung đoàn trưởng, chỉ huy 2.000 quân. Chiến công đầu tiên của Sori là chinh phục thành công vùng đất Bambara thuộc đế quốc Mali. Cũng từ chiến công này, Sori được cha giao nhiệm vụ bảo vệ những nguồn lợi kinh tế trong khu vực.

Tháng 3/1788, quân đội Tây Ban Nha tấn công Bambara với mục đích biến nơi này thành thuộc địa. Do yếu hơn về vũ khí cũng như trình độ tác chiến nên trung đoàn của Sori bị đánh tan.

Tiểu vương bị bắt và trở thành nô lệ. Trong cuốn "Tiểu sử tự truyện - Tiểu vương nô lệ" khởi thảo từ khi ông bị bắt, Sori viết: "Mặc dù tôi đã nói cha tôi là Almami Ibrahim Sori, người đứng đầu Liên minh Hồi giáo Futa Djallon, cha tôi sẵn sàng trả một số vàng đúng với cân nặng của tôi để tôi được tự do nhưng người Tây Ban Nha không tin. Họ cho rằng hoặc tôi nói láo, hoặc tôi tâm thần".

Tháng 6/1788, Sori bị quân Tây Ban Nha giao cho một người Anh, chuyên nghề mua bán nô lệ với cái giá chỉ là 2 thùng rượu Rum (là loại rượu mạnh nấu bằng mật mía), mỗi thùng 20 lít. Gần 40 ngày sau, cùng với hơn 200 nô lệ khác, tất cả đều bị xiềng ở chân, Sori lên tàu vượt Đại Tây Dương.

Ông viết trong Tiểu sử tự truyện: "Họ giam chúng tôi dưới hầm tàu. Hàng ngày họ thòng dây thả xuống mấy thùng cháo nấu bằng củ cải với bột ngô (bắp) và mấy thùng nước. Được khoảng 1 tuần, củ cải hết, họ thay bằng bí đỏ. Nhiều người chết vì phù do suy dinh dưỡng hoặc bệnh kiết lỵ. Khi tàu cập cảng Natchez, bang Mississippi, Mỹ, 47 nô lệ đã thiệt mạng".

Mất thêm 1 tháng để "vỗ béo", đầu tháng 1/1789, Sori cùng những nô lệ khác được đưa ra chợ. Tại đó, Thomas Foster, chủ một nông trại trồng cây bông vải đã mua ông với giá 5USD (tương đương 27.500USD hiện nay). Mặc dù Sori ra sức thuyết phục Foster rằng ông không phải là nô lệ vì nếu ông không bị bắt và vẫn còn ở Timbo thì mai này, ông sẽ là người kế vị chức quốc vương của một trong những vương quốc hùng mạnh nhất châu Phi; nhưng đáp lại, Foster chỉ bĩu môi cười.

Trong Tiểu sử tự truyện, Sori viết: "Tôi hỏi Foster đã bao giờ thấy một nô lệ nào nói thạo tiếng Anh, tiếng Arab và 4 thứ tiếng châu Phi chưa thì ông ta trả lời: "Tao nghĩ mày là nô lệ từ bé, trải qua nhiều đời chủ nên mày biết nói".

20 năm nô lệ

Cũng từ đó, thay vì gọi Sori bằng tên thật, Foster mỉa mai ông bằng cái tên mới: "tiểu vương". Tại nông trại ở quận Morgantown, thành phố Natchez - khi đó vẫn còn là thuộc địa của Tây Ban Nha - việc đầu tiên Foster cắt trụi mái tóc dài của Sori, dấu hiệu của tầng lớp hoàng gia trong Liên minh Hồi giáo Fouta Djallon. Cùng với những nô lệ khác, công việc hàng ngày của Tiểu vương Sori là làm cỏ, vun gốc và thu hoạch bông khi đến mùa.

Ông viết: "Mỗi nô lệ được phát một cái túi vải dài 2m, đường kính khoảng 1m. Chúng tôi vắt miệng túi lên vai, kéo lê nó đi dọc từng luống bông. Hái được bông nào, chúng tôi bỏ vào túi cho đến khi đầy. Việc thu hoạch bông thường bắt đầu từ lúc 6 giờ sáng và kết thúc vào lúc mặt trời lặn, chỉ nghỉ 30 phút ăn trưa. Túi ai đầy nhanh hơn thì sẽ được nghỉ sớm…".

Không chịu nổi khổ nhục, Sori quyết định trốn với số thực phẩm mang theo chỉ là một gói bánh mì khô. Lợi dụng một đêm không trăng, Sori ra khỏi nông trại, nhắm hướng đông mà theo ông, là hướng bờ biển. Ý định của ông là nếu gặp một chiếc tàu buôn nào đó, chuẩn bị khởi hành đi châu Phi thì ông sẽ tìm cách leo lên. Tuy nhiên, do không biết đường cũng như không dám hỏi thăm ai vì sợ bị bắt lại, Sori đi theo linh cảm của mình.

Ông viết: "Có lần tôi gặp một nhóm nô lệ da đen đang chăm sóc vườn cây thuốc lá. Đợi đến lúc người da trắng làm nhiệm vụ canh giữ vào một gốc cây để tránh nắng, tôi bò lại hỏi thăm nhưng họ cũng như tôi, tất cả đều không biết hướng ra biển là hướng nào. Đã vậy, một người trong nhóm còn hỏi: "Anh trốn phải không? Hình anh dán đầy trong quyết định truy nã".

Suốt hơn 3 tuần lễ, đêm nghỉ ngày đi, ăn tất cả những gì có thể ăn được, Sori mò mẫm trong những khu rừng rậm rạp, những sườn núi cheo leo, những dòng suối hung hãn. Tới lúc nhìn thấy tấm bảng gỗ dựng cạnh một con đường đất, ông mới biết mình đã ra khỏi bang Mississippi và trước mặt ông là bang Alabama.

Ông viết: "Khi còn là nô lệ ở nông trại Thomas Foster, tôi nghe nói người da trắng ở Alabama đối xử với nô lệ còn ác hơn nhiều. Họ hành hình bằng cách thiêu sống nếu bắt được nô lệ bỏ trốn. Vì thế con đường cuối cùng của tôi là trở về với Thomas Foster".

Mất gần 3 tuần nữa, Sori mới về đến nông trại của Foster. Ông giải thích với Foster rằng ông đi lạc khi đuổi theo một con thỏ rừng chứ ông không hề trốn vì nếu trốn, ông đã không quay lại. Có vẻ như Foster tin lời ông bởi lẽ thay vì trừng phạt bằng cách đánh 50 roi gân bò như những nô lệ bỏ trốn khác, Foster chỉ xích và bỏ đói Sori vài ngày.

Là người thất học, Foster không hiểu gì về cây bông, lúc ấy đang được nhân rộng ở các bang miền Nam nước Mỹ vì lợi nhuận do nó mang lại rất lớn nên sản lượng thu hoạch của nông trại Foster chẳng được nhiều trong lúc ở Fouta Djallon, cây bông vải là loại cây chủ lực. Bằng kiến thức của mình, Sori đề nghị Foster thay đổi một số kỹ thuật làm luống, gieo hạt và chăm sóc.

Chỉ sau 2 vụ mùa, lượng bông vải của Foster vươn lên dẫn đầu so với các nông trại khác cùng diện tích. Trong Tiểu sử tự truyện, ông viết: "Foster mua thêm đất, mở rộng diện tích trồng trọt. Đến vụ mùa thứ 3, ông ta giao cho tôi làm quản đốc. Công việc của tôi là hướng dẫn và điều động 420 nô lệ da đen. Nhân cơ hội này, tôi đề nghị Foster cải tiến chế độ ăn uống, làm việc, nghỉ ngơi cho những anh em cùng cảnh ngộ".

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Năm 1792, Sori lấy vợ. Vợ ông là nữ nô lệ Isabella. Họ lần lượt hạ sinh 5 con trai, 4 con gái, sống tương đối tự do. Được phép sở hữu một mảnh vườn nhỏ, vợ chồng Sori nuôi gà, nuôi lợn, trồng rau, đem ra chợ Morgantown bán. Với những nô lệ da đen khác, họ chỉ được phép vào những cửa hàng tạp hóa dành riêng cho họ nhưng với Tiểu vương Sori, ông có thể vào những tiệm buôn của người da trắng dù vẫn có kỳ thị.

Năm 1807, chính tại khu chợ Morgantown, một cuộc gặp gỡ tình cờ đã làm thay đổi cuộc đời Sori. Một người da trắng khi đi chợ đã nhận ra Sori, Tiểu vương Torodbe. Đó là bác sĩ người Anh John Cox.

Năm 1787, chiếc tàu chở bác sĩ John Cox và thủy thủ đoàn bị đắm trong một cơn bão gần bờ biển Mali. Được một nhóm ngư dân trong Liên minh Hồi giáo Futa Djallon cứu sống rồi đưa về Timbo chăm sóc, trong 6 tháng ở đây John Cox đã nhiều lần gặp Sori cùng các thành viên trong gia đình. Vì thế, Cox rất kinh ngạc khi thấy tiểu vương đứng… bán rau ngoài chợ!

Nghe xong câu chuyện của Sori, bác sĩ John Cox quyết định trả ơn những người Futa Djallon đã cứu sống mình bằng cách trả tiền để mua lại tự do cho tiểu vương nhưng dù Cox đã đưa ra cái giá cao ngất ngưởng, Foster vẫn cương quyết không bán bởi lẽ cái kiến thức về cây bông vải mà Sori mang lại trong gần 20 năm, đã giúp Foster kiếm tiền gấp hàng nghìn lần so với việc bán Sori.

Đứa bé 6 tuổi, con của nô lệ da đen cũng phải đi hái bông vải.

Quyết không bỏ cuộc, bác sĩ Cox nhờ đến báo chí. Bằng cách sắp xếp cho nhà báo Andrew Marschalk gặp Sori nhưng qua câu chuyện, Marschalk lại hiểu lầm ông là người Maroc. Tuy vậy, bài báo về cuộc đời tiểu vương đã gây ra sự chấn động trên toàn nước Mỹ. Cũng chính vì sự "hiểu lầm" ấy mà Quốc vương Maroc đã gửi công hàm cho Chính phủ Mỹ, đề nghị làm rõ việc này.

Ngày 22/2/1828, đích thân Tổng thống Mỹ John Quincy Adam và Ngoại trưởng Mỹ Henry Clay ký quyết định phục hồi tự do cho Sori. Tuy nhiên, do chế độ nô lệ vẫn được công nhận nên chủ nông trại Thomas Foster chỉ đồng ý thả Sori với một điều kiện: Tiểu vương phải về châu Phi và nếu có quay lại Mỹ, ông sẽ không được hưởng quyền tự do như công dân Mỹ. Chưa hết, Tổng thống John Quincy Adam chỉ trả tự do cho Sori chứ không trả tự do cho Isabella, vợ ông và 9 đứa con ông.

Trên đường đến California để từ đó trở lại châu Phi, nhiều tờ báo đồng loạt đưa tin về "20 năm nô lệ và 20 năm lưu vong của Tiểu vương Sori" khiến ông càng lúc càng nổi tiếng. Người ta đứng thành hàng dài ở các ga xe lửa để hoan hô ông mỗi khi tàu dừng lại.

Chuyến đi dự kiến kéo dài 1 tuần bỗng trở thành 1 tháng rưỡi vì nhiều nơi mời Sori nói chuyện. Sori viết: "Các buổi nói chuyện đều được trả tiền. Tôi đã kiếm đủ tiền chuộc vợ nhưng các con tôi thì chưa bởi lẽ tin tức trên báo chí cho biết cha tôi đã mất, gia đình tôi khánh kiệt, Liên minh Hồi giáo Futa Djallon cũng đã tan vỡ, thung lũng Futa Djallon trở thành một phần của Guinea".

Tiếp tục tìm cách giải thoát vợ con, Sori viết thư cho Tổng thống Mỹ John Quincy Adam để xin được giúp đỡ nhưng ông Adam từ chối vì rằng trước đó, ông Adam cũng lầm tưởng Tiểu vương Sori là người Maroc. Do muốn tránh rắc rối về mặt ngoại giao nên Tổng thống Adam mới trả tự do cho Sori. Giờ biết Sori là người Guinea, quốc gia mà nước Mỹ không có quyền lợi kinh tế, ông Adam làm ngơ!

Tháng 3/1829, chiếc tàu chở Sori cập bến Monrovia, Liberia. Từ đó về Guinea vẫn là chặng đường dài. Bị sốt vàng da, Sori qua đời ở tuổi 67 trên đất Liberia. Tiểu vương không bao giờ còn nhìn thấy quê hương Futa Djallon và 9 đứa con cùng vợ…

Vũ Cao (theo Africa Today)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/40-nam-cay-dang-cua-tieu-vuong-ibrahim-ibn-sori-601127/