4 yếu tố khiến ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai phức tạp

Chủ tịch Hà Nội cho rằng các ca dương tính, đặc biệt tại Bệnh viện Bạch Mai, phải thông tin sớm để người tiếp xúc F1, F2 được cách ly, xét nghiệm kịp thời.

Sáng 29/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 với 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng dự có các phó thủ tướng, lãnh đạo các bộ và địa phương tại điểm cầu: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Tại điểm cầu Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chung tham dự cuộc họp.

"Ổ dịch tiềm ẩn nguy cơ lớn nhất"

Báo cáo về tình hình lây nhiễm cũng như kiểm soát ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay ngay chiều 19/3, nắm được thông tin có 2 điều dưỡng bệnh viện phát hiện dương tính với Covid-19, các đơn vị của thành phố đã phối hợp với bệnh viện rà soát, cách ly toàn bộ các trường hợp F1, F2.

Ngay tối 19/3, thành phố trao đổi với Ban giám đốc bệnh viện, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, về việc phong tỏa một số khoa của bệnh viện Bạch Mai liên quan đến 2 điều dưỡng mắc Covid-19. Bên cạnh đó, thành phố cũng đề nghị bệnh viện giảm tải hoặc dừng tiếp nhận bệnh nhân mới vào bệnh viện. Toàn bộ bệnh nhân, nhân viên y tế cũng được yêu cầu không rời bệnh viện.

"Tuy nhiên, lãnh đạo bệnh viện thống nhất chỉ đóng băng một số tầng, khoa có bệnh nhân dương tính", Chủ tịch thành phố Hà Nội nói.

 Bệnh viện Bạch Mai có nguy cơ thành ổ dịch lớn nhất cả nước. Ảnh: Việt Linh.

Bệnh viện Bạch Mai có nguy cơ thành ổ dịch lớn nhất cả nước. Ảnh: Việt Linh.

Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, thành phố đang rà soát toàn bộ người chạy thận ở xóm thận xung quanh Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân ở các tỉnh, thành đến nội trú, khoảng 300 người thường xuyên hiến máu tại bệnh viện và sẽ ra quyết định cách ly toàn bộ.

"Đến nay thành phố cũng như cả nước, ổ dịch tiềm ẩn nguy cơ lớn nhất, phức tạp nhất là Bệnh viện Bạch Mai. Đây là ổ dịch lớn vì đã có gần 20 trường hợp mắc bệnh. Bộ Y tế mới công bố 12, nhưng con số thành phố nắm được đã lên gần 20", Chủ tịch Hà Nội nói.

Chủ tịch Hà Nội cũng nêu rõ 4 yếu tố để đánh giá ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai sẽ diễn biến hết sức phức tạp. Thứ nhất, bệnh viện đang chữa trị cho rất nhiều bệnh nhân nặng, người có nhiều bệnh nền. Thứ hai, từ ngày 19/3 đến nay, mỗi ngày có 5.000-7.000 người đến khám, chữa, thăm hỏi người bệnh.

"Ngay sau ngày 19/3, nếu đóng băng bệnh viện thì chúng ta có cơ hội vàng để khống chế tốt hơn. Nhưng từ đó đến nay, có 5.000-7000 người ra vào bệnh viện mỗi ngày", ông Chung nói.

Thứ ba, đáng lo ngại nhất, Chủ tịch Hà Nội cho rằng là sau ngày 20/3, bệnh viện đã chuyển 5.113 trường hợp về các tỉnh, thành, trong đó Hà Nội có 1.592 trường hợp. Việc này theo ông Chung làm tăng nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Thứ tư, Chủ tịch thành phố cho rằng nguy cơ ở bệnh nhân 86 đã trực tiếp phát thuốc điều trị cho hơn 2.000 bệnh nhân nhiễm HIV ngày 9-14/3. Nguy cơ lây nhiễm ở nhóm bệnh nhân này là rất lớn. Ngoài ra, tại đây cũng có 2.000-3.000 thực tập sinh ngành y đến học tập, ăn uống tại căn tin Bệnh viện Bạch Mai những ngày qua.

"Khu vực nhà ăn cho cả người ngoài vào ăn tại Bệnh viện Bạch Mai, tôi đã hỏi kỹ giám đốc bệnh viện thì có cho biết ngày 15-23/3, 600-700 người ăn ở đây mỗi ngày trong tuần, thứ 7 và chủ nhật có 250-300 người. Nếu đúng thật như trường hợp bệnh nhân 170 vào ăn 5 lần và bị nhiễm, tôi tin con số lây nhiễm còn nhiều hơn", ông Chung nói.

Đề xuất kiểm tra nhanh Covid-19 diện rộng

Ông Chung cũng cho hay sáng nay, thành phố đã chuyển 613 người nhà của bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai đi cách ly tập trung tại Ký túc xá Đại học FPT và đã có quyết định cách ly toàn bộ 1.592 trường hợp khám, chữa tại bệnh viện đã được trả về Hà Nội.

Thành phố cũng đang cho rà soát toàn bộ người từng ra vào bệnh viện trong những ngày qua với phương châm phát hiện đến đâu, cách ly và lấy mẫu đến đó.

Thay mặt Ban chỉ đạo Hà Nội, ông Chung đề xuất với Thủ tướng, Bộ Y tế cho kiểm tra nhanh Covid-19 trên diện rộng tại Hà Nội, trước mắt là cho các bệnh nhân chạy thận, người nhiễm HIV, bệnh nhân khám chữa ở Bạch Mai, người thường xuyên hiến máu. Ông Chung đề nghị Bộ Y tế giúp thành phố kiểm tra nhanh cho khoảng 15.000-20.000 trường hợp.

Hà Nội đề xuất cho kiểm tra nhanh Covid-19 trên diện rộng. Ảnh: Hồng Quang.

Ông Chung cũng cho biết thêm về số lượng bộ sinh phẩm ở Hà Nội vẫn còn, nhưng que lấy mẫu thì phải nhập từ Mỹ nên hiện nay thành phố đang thiếu. Ông đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ thành phố. Ngoài ra, nguồn cung trang thiết bị y tế đang bị ngưng rất nhiều, ông đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn, tìm các nguồn cung thay thế.

Ông Chung cũng cho biết Hà Nội chỉ có 260 máy thở, số máy này còn đang được sử dụng cho các bệnh nhân nặng ở các bệnh viện khác. Nguồn cung đang bị hạn chế, thành phố chỉ có thể mua thêm vài chục đến 100 cái. Ông đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn số lượng máy phù hợp để có thể trang bị.

Sơn Hà

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/4-yeu-to-khien-o-dich-o-benh-vien-bach-mai-phuc-tap-post1065790.html