4 xu hướng chiến lược phổ biến mới trên thế giới dành cho nhà quản trị

Để tiến hành tốt việc hoạch định chiến lược cho một doanh nghiệp, nhà quản trị cần quan tâm đến một số xu hướng mới đang ngày càng phổ biến trên thế giới.

Nhà quản trị cần quan tâm đến một số xu hướng mới đang ngày càng phổ biến trên thế giới. Nguồn: internet

Nhà quản trị cần quan tâm đến một số xu hướng mới đang ngày càng phổ biến trên thế giới. Nguồn: internet

1. Thuê ngoài

Thuê ngoài (outsourcing) là hành động doanh nghiệp hợp đồng thuê các tổ chức chuyên nghiệp bên ngoài thực hiện những việc không then chốt và không tạo ra doanh thu.

Dạng thức này chủ yếu để giảm chi phí và có thể hướng đến giải quyết một số vấn đề khác như thiếu nhân sự có kỹ năng hay cần tinh gọn bộ máy. Khi được thực hiện thích hợp, thuê ngoài cắt giảm được chi phí, giúp tái tập trung vào ngành kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.

Tuy thuê ngoài đem lại cơ hội cho nhiều doanh nghiệp trên thế giới, song nó cũng bao hàm các thách thức. Nhiều trường hợp thuê ngoài thất bại do phát sinh chi phí không dự kiến trước, mất kiểm soát hoạt động hoặc thuê ngoài làm những việc không thích hợp. Bỏ qua vấn đề tiết kiệm chi phí, thuê ngoài quá mức có thể đưa doanh nghiệp vào vị thế nhân nhượng hoặc phụ thuộc.

Khi một tổ chức không còn thực hiện được nhiệm vụ then chốt sẽ mất năng lực chuyên biệt. Khi điểm mạnh nguồn lực của một công ty bị xói mòn, lựa chọn chiến lược khả dĩ trở nên hạn chế. Đánh giá và thay đổi nhà cung cấp khi cần thiết là một phương tiện quản trị chủ động để khắc phục khía cạnh bất lợi này.

2. Sản xuất ở hải ngoại

Sản xuất ở hải ngoại (offshoring) có nghĩa là tái bố trí một phần hay toàn bộ quá trình chế tạo hay kinh doanh sang quốc gia khác, thường để giảm chi phí. Phương pháp này tương tự như thuê ngoài, nhưng doanh nghiệp có thể giữ lại sự kiểm soát hoạt động ở hải ngoại thay vì giao hẳn cho các doanh nghiệp đó.

Toàn cầu hóa đã dẫn đến việc tăng thuê ngoài, sản xuất tại nước ngoài và còn một số tác động khác không dễ xác định. Chẳng hạn, tuy kinh nghiệm cho thấy tiền lương của công nhân có kỹ năng thấp thường bị giảm khi doanh nghiệp theo đuổi sử dụng lao động rẻ ở nước ngoài, vẫn có một số quan điểm cho rằng thuê ngoài và sản xuất tại nước ngoài có thể mang lại tác động tích cực cho tiền lương và sự phát triển kinh tế tại các nước giàu.

Một ngành trong một nước giàu có thể dựa trên nhân tố đầu vào tại địa phương, như công nhân chuyên nghiệp mà doanh nghiệp cạnh tranh không có tại thị trường nước ngoài để tạo ra lợi thế tại thị trường mới, thúc đẩy năng suất trong toàn ngành, cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp trả lương cao hơn.

Thuê ngoài và sản xuất tại nước ngoài khá phức tạp, đặc biệt khi các công ty tiến hành thuê ngoài làm những việc nhạy cảm về chính trị hoặc liên quan đến vấn đề an toàn. Thuê ngoài và sản xuất tại nước ngoài cũng có thể khó có hướng giải quyết thỏa đáng do sự khác biệt về môi trường và sự phức tạp trong quan hệ giữa doanh nghiệp với quốc gia sở tại.

Đáng chú ý là không phải bao giờ thuê ngoài cũng chỉ đề cập đến việc doanh nghiệp ở các nước phát triển tìm lao động ở những nền kinh tế mới nổi, mà vẫn có trường hợp ngược lại.

3. Quan điểm hàng hóa

Về viễn cảnh chiến lược, quan điểm hàng hóa (commodities) đề cập sự khó khăn ngày càng tăng mà doanh nghiệp gặp phải trong việc phân biệt sản phẩm và dịch vụ so với doanh nghiệp khác.

Những cải tiến nhanh chóng về kỹ thuật đã tạo ra vô số cơ hội cho doanh nghiệp trong việc đa dạng hóa sản phẩm với doanh nghiệp cạnh tranh. Vấn đề nảy sinh là sự khác biệt có thể vượt ra ngoài nhu cầu người mua, và có thể làm họ bối rối với quá nhiều lựa chọn khi có ít thời gian để tìm hiểu.

Để đơn giản hóa lựa chọn, người mua thường có xu hướng xem sản phẩm như hàng hóa và biến quá trình mua hàng thành việc đơn thuần xem xét vài yếu tố then chốt, những đặc điểm quan trọng của sản phẩm, độ tin cậy, hay sự thuận tiện.

Quan điểm hàng hóa có thể tạo ra các vấn đề nghiêm trọng cho doanh nghiệp, dẫn đến việc chi tiêu thêm để nâng cao tính năng sản phẩm, trong lúc đáp ứng nhu cầu người mua luôn quan tâm đến giá cả.

4. Định hướng khách hàng đại chúng

Một xu hướng khác là định hướng khách hàng đại chúng (mass customization), đề cập khả năng cung cấp sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu đặc biệt của người mua.

Định hướng này có vai trò quan trọng, vì cho phép doanh nghiệp đặc trưng hóa sản phẩm theo khách hàng, đồng thời vẫn tạo được hiệu quả kinh tế theo quy mô sản xuất, là tình huống khi sản lượng tăng thì chi phí một đơn vị sản phẩm hay dịch vụ sẽ giảm.

Theo lý thuyết tổng quát, định hướng khách hàng đại chúng tỷ lệ nghịch với hiệu quả kinh tế theo quy mô. Tuy nhiên, trong thực tế, các doanh nghiệp vẫn có thể đạt được cả định hướng khách hàng đại chúng lẫn hiệu quả kinh tế theo quy mô nhờ tiếp cận công nghệ và sáng tạo.

Cần lưu ý là quan điểm hàng hóa và định hướng khách hàng đại chúng có liên quan với nhau theo một mức độ nào đó. Chẳng hạn, công nghệ tạo thuận lợi cho chiến lược định hướng khách hàng đại chúng có thể giúp doanh nghiệp vượt qua những thách thức của quan điểm hàng hóa.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/4-xu-huong-chien-luoc-pho-bien-moi-tren-the-gioi-danh-cho-nha-quan-tri-307987.html