4 vũ khí cách mạng nhưng chết yểu của Mỹ

Trong quá khứ, người Mỹ từng khởi động chương trình phát triển siêu vũ khí có sức mạnh khủng khiếp nhưng không nhiều trong số đó thành công.

Oanh tạc cơ siêu thanh XB-70 Valkyrie

Từ cuối những năm 1950, với mục tiêu xuyên phá hệ thống phòng không tầm cao đặc biệt nguy hiểm của Liên Xô, người Mỹ đã khởi động chương trình phát triển máy bay ném bom chiến lược xuyên sâu mang vũ khí hạt nhân XB-70 Valkyrie.

Ưu thế của XB-70 so với các "pháo đài bay" thời đó của Không quân Mỹ như B-52, B-58 là tốc độ. XB-70 trang bị 6 động cơ tuốc bin phản lực có đốt phụ YJ93-GE-3 cho tốc độ tối đa tới 3.309km/h.

Một trong 2 mẫu thử nghiệm XB-70.

Tuy nhiên, việc phát triển XB-70 Valkyrie rất tốn kém và điều này khiến nó khó có thể trở thành hiện thực. Cùng với những tiến bộ về công nghệ tên lửa đánh chặn và tên lửa đất đối không của Liên Xô khiến nhiệm vụ của XB-70 trở nên nguy hiểm hơn dự kiến ban đầu.

Sau khi chỉ chế tạo 2 mẫu thử (một trong số đó đã bị rơi khi biểu diễn công khai lần đầu tiên), Không quân Mỹ đã dừng sản xuất. 15 năm sau, máy bay ném bom B-1B, với một số đặc điểm bề ngoài tương tự đã được đưa vào phục vụ.

Trực thăng tấn công AH-56 Cheyenne

Đầu những năm 1960, đáp ứng chương trình tìm kiếm mẫu máy bay trực thăng tấn công làm nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực cho Quân đội Mỹ, Tập đoàn Lockheed đã phát triển mẫu trực thăng độc đáo được định danh là AH-56 Cheyenne.

Lockheed AH-56 được xem là thiết kế mang tính cách tân với nhiều đặc điểm mới thời kỳ đó. Chiếc trực thăng được thiết kế với 2 cánh ở 2 bên thân để treo vũ khí, đồng thời để tăng lực nâng. Điểm đặc biệt nhất là hệ thống động lực ngoài cánh quạt chính – cánh quạt đuôi (đặt ở một bên đuôi) triệt tiêu mô men xoay theo truyền thống, thì còn có cánh quạt lắp ở sau đuôi để tăng lực đẩy giúp đạt tốc độ cao.

Theo đó, trong quá trình bay, năng lượng động cơ tuốc bin trục T64-GE-16 (công suất 3.925 mã lực) truyền về cánh quạt đẩy ở đuôi và chỉ có 20-25% truyền cho cánh quạt chính. Điều này đã cho chiếc AH-56 đạt tốc độ tối đa 394km/h, “phá vỡ giới hạn” tốc độ lịch sử trực thăng nói chung và trực thăng chiến đấu nói riêng (tốc độ trực thăng chiến đấu thế giới chỉ đạt tầm 250-320km/h).

Trực thăng tấn công cao tốc AH-56.

Dẫu vậy, trên thực tế, trực thăng Cheyenne không làm được như những gì người ta mong đợi. Công nghệ được dùng để tạo ra Cheyenne vẫn chưa được hoàn thiện, mẫu trực thăng đầu tiên gặp phải một số vấn đề, dẫn đế sự thất bại của Cheyenne. Trong khi Không quân Mỹ rất ghét ý tưởng thiết kế trực thăng Cheyenne bởi họ cho rằng lục quân đang cố lấn áp sức mạnh của không quân.

Cuối cùng, cuộc chiến tranh Việt Nam gây áp lực rất lớn cho ngân sách quốc phòng Mỹ, điều này làm cho kế hoạch trực thăng Cheyenne vì vậy cũng vị chôn vùi.

Máy bay tấn công A-12 Avenger

Giữa những năm 1980, Hải quân Mỹ cần một loại máy bay mới để thay thế cho máy bay cường kích trên hạm A-6 Intruder.

Căn cứ vào sự kỳ vọng của hải quân đối với tiến bộ công nghệ tàng hình, công ty McDonnell Douglas đã phát triển thiết kế A-12 Avenger. Những bản vẽ và mô hình đã cho thấy đây là một máy bay sử dụng thiết kế cánh bay, máy bay có hình dạng tam giác cân, với buồng lái được đặt ở gần đỉnh của tam giác.

Máy bay tàng hình A-12 Avenger.

Máy bay được thiết kế có hai động cơ phản lực cánh quạt đẩy General Electric F412-GE-D5F2. Về mặt hỏa lực, máy bay được trang bị 2 tên lửa AIM-120 AMRAAM, 2 tên lửa AGM-88 HARM và các loại vũ khí không đối đất đầy đủ (bao gồm bom Mk 82 hoặc vũ khí chính xác). Để đảm bảo tối ưu khả năng tàng hình, tất cả các loại vũ khí này đều được chứa ở bên trong khoang thân máy bay.

Kết hợp tính năng tàng hình và sự linh hoạt trên tàu sân bay, A-12 hứa hẹn một khả năng tấn công sâu vào hệ thống phòng không đối phương. Ngay cả Không quân Mỹ cũng cho thấy sự quan tâm đối với loại máy bay A-12 khi muốn sử dụng nó để thay thế cho F-111 Aardvark.

Nhưng do quá kỳ vọng vào lớp phủ tàng hình được chứng minh là quá lạc quan, phương án sửa lỗi làm tăng đáng kể trọng lượng của máy bay Avenger, chi phí cũng tăng vọt. Tuy nhiên vấn đề lớn nhất là máy bay Avenger bước vào chu trình thiết kế và sản xuất trong thời gian Chiến tranh Lạnh kết thúc, phải đối mặt với một ngân sách quốc phòng chặt chẽ. Vì thế, Bộ Quốc phòng Mỹ đã quyết định hủy bỏ dự án A-12.

Tàu sân bay mini

Những năm 1970, Bộ trưởng tác chiến Hải quân Mỹ Elmo Zumwalt đã đưa ra ý tưởng “tàu kiểm soát trên biển” – khái niệm này chỉ thiết kế tàu sân bay cỡ nhỏ có thể bảo đảm an ninh tuyến đường hàng hải trên biển tránh được cuộc tấn công của máy bay chiến đấu tầm xa và tàu ngầm của Liên Xô.

USS Guam.

Khi đó, đối mặt với chi phí hiện đại hóa tàu sân bay cỡ lớn ngày càng tăng và việc ngừng sử dụng của tàu sân bay lớp Essex, ông Elmo Zumwalt đã tìm kiếm một lựa chọn chi phí thấp cho các hoạt động tác chiến trên không mà không yêu cầu đầy đủ tính năng của một nhóm tàu sân bay kiểu lớn.

Để hiện thực hóa khái niệm này, Hải quân Mỹ thử nghiệm sử dụng tàu tấn công đổ bộ USS Guam trong vài năm. Trên tàu này ngoài trực thăng thì hải quân còn đưa vào sử dụng các mẫu máy bay tiêm kích cất hạ cánh thẳng đứng AV-8B Harrier.

Tuy nhiên, sau cùng, Hải quân Mỹ kết luận rằng, chi phí của những tàu chiến mới này và các rủi ro quá lớn của nó có thể cắt thành các nguồn lực dành riêng cho tàu sân bay lớn. Rốt cuộc, họ đã hủy bỏ chương trình và tiếp tục duy trì đội siêu tàu sân bay.

Bằng Hữu

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/vu-khi/4-vu-khi-cach-mang-nhung-chet-yeu-cua-my-356051.html