4 vụ đào ngũ nổi tiếng nhất lịch sử quân sự Mỹ

Danh sách những quân nhân đào ngũ nổi tiếng nhất trong lịch sử quân sự Mỹ bao gồm các tên tuổi nổi tiếng như Steve McQueen và Mark Twain.

1. Eddie Slovik

Ảnh: historynet.com

Là lính quân dịch trong Chiến tranh Thế giới II, Eddie Slovik được cử sang Pháp để phục vụ trong Sư đoàn bộ binh 28 vào tháng 8/1944. Tuy nhiên, Slovik cùng một người bạn đồng hành đã bị lạc trên đường tới đơn vị mới và sau đó cả 2 đã gia nhập vào một đơn vị người Canada.

Slovik ở cùng với những người Canada cho đến ngày 5/10 - thời điểm anh này và người bạn cùng bị lạc được giao cho cảnh sát quân sự Mỹ. Sau đó, Slovik được biên chế trở lại đơn vị cũ, lúc đó đang đóng quân ở Elsenborn, Bỉ. Tuy nhiên, đúng một ngày sau khi trở về đơn vị cũ, Slovik tuyên bố anh ta đã "quá sợ hãi và lo lắng" khi cầm súng và đe dọa sẽ đào ngũ nếu bị buộc phải chiến đấu.

Slovik đã ký vào giấy xác nhận đào ngũ, tuyên bố sẽ bỏ chạy một lần nữa nếu buộc phải chiến đấu và gửi nó cho một cán bộ của Sư đoàn 28. Một sĩ quan đã khuyên Slovik nên rút đơn thú nhận lại vì hậu quả sẽ nghiêm trọng nhưng Slovik từ chối và anh ta bị tống vào trại giam.

Phiên tòa xét xử Slovik kéo dài khoảng 2 giờ và anh bị kết án tử hình bằng hình thức xử bắn vào ngày 31/1/1945.

Mặc dù hơn 21.000 binh sĩ Mỹ đã bị kết án khác nhau vì tội đào ngũ trong Thế chiến II, trong đó có 49 án tử hình, nhưng Slovik là trường hợp bị tử hình duy nhất được thực hiện.

2. Tướng George Custer

Ảnh: nationalreview.com

George Custer là sĩ quan chỉ huy kỵ binh của Quân đội Mỹ trong thời Nội chiến và các cuộc chiến với dân da đỏ. Được thăng chức nhanh từ khi còn trẻ, Custer là một tay chỉ huy nổi tiếng can đảm, táo bạo, nhưng cũng mang tiếng là kiêu căng, quá tự tin và kiểu cách.

Ông chỉ huy Lữ đoàn Michigan với biệt hiệu "Chó sói" trong cuộc Nội chiến Mỹ. Custer cùng 200 binh lính thuộc Trung đoàn 7 Kỵ binh bị bắn chết trong trận Little Bighorn với dân da đỏ do tù trưởng Sitting Bull (Bò Ngồi) cầm đầu.

Trước trận đánh thường được biết đến trong lịch sử Mỹ là Cuộc tranh đấu cuối cùng của Custer năm 1876, George Custer từng bị đưa ra trước toàn án binh vì bỏ vị trí để đi thăm vợ.

Sau khi trở thành chỉ huy của đội Kỵ binh 7 mới được thành lập, Custer đã dẫn đầu đơn vị viễn chinh chống lại người da đỏ Sioux và Cheyenne năm 1867. Tuy nhiên, ông đã không đi theo đúng lịch trình và bỏ đơn vị để đi thăm vợ ở Fort Riley. Ông bị đưa ra trước tòa án binh và bị kết án với 8 tội danh, trong đó có tội vắng mặt không lý do, và đã bị đình chỉ công tác với 1 năm không lương. Điều trớ trêu ở đây là Custer từng ra lệnh những kẻ đào ngũ sẽ bị bắn mà không cần xét xử.

3. Steve McQueen

Ảnh: W.A.M

Steve McQueen, một diễn viên người Mỹ nổi tiếng với biệt danh "The King of Cool", đã có một thời gian nổi loạn khi phục vụ trong Lục quân. Sau khi gia nhập Thủy quân lục chiến Mỹ năm 1947, McQueen được thăng quân hàm binh nhất nhưng lại bị giáng chức xuống binh nhì.

Chất nổi loạn của ông lên đến đỉnh điểm khi ông đào ngũ trong thời gian 2 tuần để đi gặp bạn gái. Lực lượng tuần tra bờ biển đã bắt giữ McQueen, nhưng ông chống lệnh nên bị giam trong một khoang giam giữ trên tàu chiến 41 ngày; 21 ngày đầu tiên ông sống nhờ bánh mì và nước.

4. Mark Twain

Ảnh: pbs.org

Trước khi theo đuổi sự nghiệp sáng tác với bút danh "Mark Twain", Samuel Clemens được đào tạo trở thành một người lái tàu thủy ở New Orleans vào cuối những năm 1850. Ông nhận được bằng lái tàu thủy năm 1859, nhưng công việc này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn vì cuộc Nội chiến Mỹ bùng nổ, khiến cho tuyến đường giao thông đường thủy trên sông Mississippi bị gián đoạn.

Trong thời Nội chiến, Sam Clemens đã tham gia Lực lượng Quân sự miền Nam nhưng sau 3 tuần, ông đào ngũ, trốn đi theo nghề đào mỏ bạc tại tiểu bang Nebraska, rồi lang thang từ thị xã này qua thành phố kia và cuối cùng tới tiểu bang Nebraska, định cư tại thị xã Virginia City. Sam Clemens bắt đầu viết bài cho tờ báo Territorial Enterprise của thị xã này.

Trong cuốn hồi của mình, Mark Twain đã giải thích lý do đào ngũ là vì ông sinh ra không phải để làm một người lính.

NGUYỄN QUỲNH (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/4-vu-dao-ngu-noi-tieng-nhat-lich-su-quan-su-my-a241797.html