4 trẻ nghi bị bạo hành thâm tím khắp người ở Cà Mau được phát hiện như thế nào?

Trong buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, cô giáo phát hiện ở tai, hai cánh tay, mặt, lưng và mông em L. có nhiều vết bầm nên báo với ban giám hiệu nhà trường.

Hình ảnh một học sinh bị đánh với chi chít vết bầm tím trên người. Ảnh: NLĐ

Hình ảnh một học sinh bị đánh với chi chít vết bầm tím trên người. Ảnh: NLĐ

Liên quan vụ 4 học sinh trường tiểu học Trần Quốc Toản (xã An Xuyên, Cà Mau) bị hai chị họ và ông nội đánh thâm tím khắp người, bà Nguyễn Thị Th., giáo viên chủ nhiệm của em Nguyễn Văn L. (8 tuổi, học sinh lớp 1A) cho biết, sự việc được phát hiện vào buổi học đầu tiên sau nghỉ lễ 2/9.

“Tôi đi xung quanh lớp để ổn định chỗ ngồi cho các em thì thấy cặp sách của em L. bị rơi xuống sàn gạch, cúi xuống nhặt thì phát hiện lỗ tai của em L có đốm đen. Khi kiểm tra kỹ, tôi phát hiện thêm ở hai cánh tay, mặt, lưng và mông của em L. có nhiều vết bầm, nên báo cáo vụ việc lên ban giám hiệu nhà trường”, cô Th. kể lại trên báo Giao Thông.

Sau đó, ban giám hiệu nhà trường đã gặp và gặng hỏi 3 em học sinh khác là chị bà con chú bác của em L. đang học ở trường (cùng học lớp 2B), thì phát hiện các em L. có dấu hiệu bị đánh, nên trình báo với cơ quan chức năng.

Cũng theo nguồn tin trên báo Giao Thông, tới chiều 4/9, bước đầu cơ quan công an đã xác định được người đánh 4 em học sinh là 2 người chị họ và ông nội của các em.

Danh tính hai chị họ được xác định là: N.N.M. (10 tuổi) và Ng.M.X. (11 tuổi), cả 2 cùng sống chung nhà và ông nội là ông Nguyễn Văn H. (63 tuổi, ngụ ấp Tân Hiệp, xã An Xuyên, Cà Mau).

Làm việc với cơ quan công an, bước đầu 4 em học sinh đều khai, vì nghịch nước, nên bị chị họ và ông nội rầy la, nhưng không nghe. Sau đó, bị hai chị họ dùng tay và cây đánh, sự việc xảy ra vào chiều ngày 1/9. Một trong 4 bé cho biết, khi bị đánh cửa phòng bị đóng, nên không chạy thoát được.

Từ lời khai của các em học sinh, Công an TP.Cà Mau đã mời những người có liên quan lên trụ sở làm việc. Đồng thời, chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu giữ những vật chứng có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Các bé bị bạo hành rất dã man. Ảnh: NLĐ

Được biết sự việc trên không phải hi hữu. Trước đó, tại tỉnh Tây Ninh, đội cứu nạn giao thông Tây Ninh nhận được tin bé T.N.M.T. (6 tuổi) bị gia đình bạo hành dẫn đến thương tích. Bé T. nhập viện trong tình trạng cơ thể có nhiều vết thương.

Đặc biệt, phần đầu của bé xuất hiện nhiều vết tím bầm, tai trái sưng, lở loét. Ngay sau đó, lực lượng công an đã vào cuộc điều tra và xác định người mẹ của bé và bạn tình đồng tính đã bạo hành bé bằng cây sắt, cán chổi quét nhà, chân tay, khiến bé bị đa chấn thương.

Còn tại Hà Nội, câu chuyện bé trai 10 tuổi sống giữa Hà Nội bị chính cha ruột bạo hành đến mức gãy xương sườn, rạn sọ não đã gây phẫn nộ với dư luận.

Trong thời gian ở cùng bố và mẹ kế, ban ngày không được đi học, ban đêm cũng không được ngủ, bé trai này thường xuyên bị đánh vào người và đầu. Do không thể tiếp tục chịu đựng nên cháu bé đã trốn ra ngoài, đi xe buýt về nhà ông bà nội cầu cứu.

Thời gian qua, tình trạng trẻ bị chính người thân trong gia đình bạo hành, diễn ra khá phổ biến. Số liệu thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, gần 70% trẻ em thừa nhận bị bố mẹ, chú bác đánh đập dưới nhiều hình thức.

Bạo hành trẻ em có thể bị tử hình

Theo Luật Trẻ em 2016, trẻ em là những người dưới 16 tuổi. Đây là đối tượng luôn được hưởng sự ưu tiên cao nhất. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền lợi của trẻ em đều bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Do đó, Điều 6 Luật này nghiêm cấm hành vi xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em.

Ngoài ra, Điều 37 Hiến pháp 2013 cũng khẳng định: “Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em” - Luật sư Nguyễn Thị Thu, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, bạo hành trẻ em là nỗi đau không chỉ với trẻ em mà còn là nỗi đau của toàn xã hội. Bởi hầu hết những người bạo hành trẻ em lại chính là người thân thiết, gần gũi với trẻ như cha mẹ, ông bà, thầy cô giáo, anh chị em ruột.

“Thật đau xót khi có những vụ bạo hành mà trẻ em bị đánh đập, hành hạ, tra tấn, đối xử tàn ác, dã man như thời trung cổ. Nạn nhân trong các vụ việc này đã bị thương tích nghiêm trọng, sang chấn tâm lý, thậm chí đã mất mạng, khiến dư luận vô cùng phẫn nộ” -Luật sư Thu chia sẻ.

Pháp luật hiện hành quy định những hành vi xâm hại trẻ em là những hành vi luôn bị áp ở khung hình phạt cao. Hành vi xâm hại trẻ em luôn được coi là tình tiết tăng nặng, xâm hại trẻ càng nhỏ tuổi thì tình tiết càng nặng.

Về xử phạt hành chính, Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em quy định, phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với các hành xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em.

Mức phạt này cũng được áp dụng đối với hành vi dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng có hành vi vi phạm phát luật sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo BLHS 2015 sửa đổi. Tùy theo tính chất của từng sự việc, người có hành vi ngược đãi, bạo hành trẻ em có thể bị xử lý về một trong các tội: Cố ý gây thương tích (Điều 134), Ngược đãi hoặc hành hạ con, cháu (Điều 185), Hành hạ người khác (Điều 140), Vô ý làm chết người (Điều 128), thậm chí là tội Giết người với khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Thanh Tùng (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/giao-duc/4-tre-nghi-bi-chi-ho-bao-hanh-tham-tim-khap-nguoi-o-ca-mau-duoc-phat-hien-nhu-the-nao-a291589.html