4 tình huống lực lượng cảnh vệ được phép nổ súng

Lực lượng cảnh vệ được nổ súng để vô hiệu hóa hành vi tấn công trực tiếp mục tiêu đang bảo vệ.

Ảnh minh họa (Nguồn: Baophapluat.vn)

Luật Cảnh vệ có hiệu lực từ ngày 01/7/2018 dành riêng một điều mới để quy định nguyên tắc và các trường hợp được phép nổ súng.

Lực lượng cảnh vệ gồm những cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thuộc Bộ Công an; cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Cục Bảo vệ an ninh Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng.

Cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ được nổ súng trong các tình huống sau:

- Cảnh báo người đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ.

- Nổ súng vào người đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn chỉ thiên nhưng không hiệu quả.

- Vô hiệu hóa trường hợp đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ.

- Trường hợp nổ súng khác quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Để đáp ứng yêu cầu công tác cảnh vệ trong tình hình hiện nay, Luật Cảnh vệ bổ sung một số quyền hạn cho cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ như: quy định được sử dụng Giấy bảo vệ đặc biệt, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, tín hiệu xe ưu tiên; được mang theo vũ khí, phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ vào cảng hàng không và lên tàu bay để thực hiện công tác cảnh vệ.

Trong trường hợp cấp bách, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ được huy động người, phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó (trừ trường hợp phương tiện thuộc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế...).

Cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ huy động người, phương tiện có trách nhiệm hoàn trả phương tiện ngay sau khi trường hợp cấp bách chấm dứt. Trường hợp phương tiện được huy động bị mất mát, hư hỏng thì cơ quan có cán bộ, chiến sĩ huy động phải đền bù theo quy định của pháp luật.

Những mục tiêu bảo vệ

- Lực lượng cảnh vệ có trách nhiệm bảo vệ người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm: Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng; Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng; Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.

- Khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam: Người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ; Cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ, trên cơ sở có đi có lại; Khách mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; Khách mời khác theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trên cơ sở có đi có lại.

- Các khu vực trọng yếu như: Khu vực làm việc của Trung ương Đảng; khu vực làm việc của Chủ tịch nước; khu vực làm việc của Quốc hội; khu vực làm việc của Chính phủ; lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo tàng Hồ Chí Minh; Khu di tích Phủ Chủ tịch; Quảng trường Ba Đình; Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội;

- Sự kiện đặc biệt quan trọng bao gồm: Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng; Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Kỳ họp của Quốc hội; Phiên họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Nhà nước tổ chức; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ quy định tại khoản 1, điểm a và điểm b khoản 2 Điều này tham dự hoặc chủ trì hội nghị.

Xem chi tiết Luật Cảnh vệ năm 2017 tại đây.

Chiến sĩ cảnh vệ được hưởng phụ cấp đặc thù từ 15% đến 30% mức lương cấp bậc hàm

Cẩm Thi (giới thiệu)

Nguồn Kiểm Sát: http://kiemsat.vn/4-tinh-huong-luc-luong-canh-ve-duoc-phep-no-sung-50553.html