4 thiên thể nhiều khả năng có sự sống trong hệ Mặt Trời

Các nhà khoa học tin rằng ngoài Trái Đất, sự sống vẫn đang tồn tại ở những nơi xa xôi nào đó.

Hệ Mặt Trời. (Ảnh: The Verge)

Hệ Mặt Trời. (Ảnh: The Verge)

Như chúng ta đã biết, Trái Đất chứa tất cả các thành phần cần thiết cho sự sống, đó là: nước, các nguồn năng lượng và một loạt các nguyên tố, phân tử quan trọng về mặt sinh học.

Các phát hiện gần đây cho thấy, ngoài Trái Đất, một số nơi khác trong hệ Mặt Trời cũng tồn tại ít nhất một số thành phần cần thiết cho sự sống này. Dưới đây là 4 hành tinh, vệ tinh nhiều khả năng có sự sống nhất trong hệ Mặt Trời.

1. Sao Hỏa

Sao Hỏa là một trong những hành tinh giống với Trái Đất nhất trong hệ Mặt Trời. Một ngày trên sao Hỏa có 24,5 giờ; các mỏm băng ở hai cực mở rộng và thu hẹp lại theo mùa và một loạt các đặc điểm trên bề mặt sao Hỏa được tạo nên trong suốt lịch sử hình thành của hành tinh này.

Tàu thám hiểm sao Hỏa Curiosity của NASA. (Ảnh: Live Science)

Việc phát hiện ra hồ nước dưới lớp băng ở cực Nam sao Hỏa và khí metan trong khí quyển của nó đã biến sao Hỏa trở thành “ứng cử viên sáng giá” cho việc tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất. Sự phát hiện ra khí metan rất quan trọng vì loại khí này có thể được tạo ra bởi các quá trình sinh học. Tuy nhiên, nguồn gốc thực sự của khí metan trên sao Hỏa cho đến nay vẫn còn là điều bí ẩn.

Ngày nay, khí quyển trên sao Hỏa rất mỏng, chủ yếu là khí CO2 nên chúng chỉ có thể tạo ra một lớp bảo vệ yếu ớt trước bức xạ của Mặt Trời và vũ trụ. Mặc dù vậy, các nhà khoa học tin rằng trong quá khứ, từng tồn tại bầu khí quyển dày hơn nhiều và nước từng chảy thành sông đổ ra biển trên sao Hỏa.

2. Europa

Europa là một trong số 79 Mặt Trăng của sao Mộc, được phát hiện bởi nhà khoa học Galileo Galilei vào năm 1610. Nó nhỏ hơn một chút so với Mặt Trăng của Trái Đất và quay quanh sao Mộc ở khoảng cách 670.000 km với quỹ đạo là 3,5 ngày.

Bề mặt Mặt Trăng Europa của sao Mộc. (Ảnh: Live Science)

Bề mặt của Europa là một vùng nước đóng băng rộng lớn. Nhiều nhà khoa học tin rằng có sự tồn tại của một đại dương nước rộng lớn và được giữ ở thể lỏng.

Bằng chứng cho đại dương này là các mạch nước phun trào qua các vết nứt trên bề mặt được bao phủ bởi băng của Europa, từ trường yếu và địa hình phức tạp trên bề mặt (có khả năng đã bị biến dạng bởi các dòng hải lưu tồn tại phía dưới).

Các nhà khoa học còn nghĩ đến giả thuyết có thể có các miệng phun thủy nhiệt và núi lửa dưới đáy đại dương vệ tinh Europa. Trên Trái Đất, những đặc điểm địa hình như vậy đã tạo ra các hệ sinh thái rất phong phú và đa dạng.

3. Enceladus

Bề mặt băng giá của Enceladus (Ảnh: Universe Today)

Giống như Europa, Enceladus là một mặt trăng được phủ băng cùng một đại dương nước dạng lỏng dưới bề mặt. Vệ tinh này quay quanh sao Thổ và nó lần đầu được các nhà khoa học chú ý đến như một địa điểm tiềm năng có thể ở được sau phát hiện bất ngờ về các lỗ phun trào nhiệt độ thấp (hay còn gọi là “núi lửa băng”) gần cực Nam của nó.

Các “núi lửa băng” này không phun ra magma là đất đá ở nhiệt độ nóng chảy như núi lửa trên Trái Đất mà chúng phun ra hơi nước và các chất dễ bay hơi khác. Những mạch nước này thoát ra từ các vết nứt lớn trên bề mặt và đây là một bằng chứng rõ ràng cho thấy có một thế giới nước ở dạng lỏng dưới bề mặt băng giá của Enceladus.

Các chùm hơi nước phun ra từ cực Nam của Enceladus được phát hiện từ năm 2005. (Ảnh: CNN)

Ngoài nước, từ các “núi lửa băng” này, các nhà khoa học còn phát hiện ra một loạt các phân tử hữu cơ và quan trọng là các tinh thể silica nhỏ bé chỉ hình thành khi nước ở đại dương tiếp xúc với bề mặt đá dưới đáy đại dương ở nhiệt độ ít nhất 90˚C. Điều này mở ra khả năng cho sự tồn tại của các miệng phun thủy nhiệt dưới đáy đại dương - một quá trình có thể tạo ra các chất và nguồn năng lượng cần thiết cho sự sống.

4. Titan

Titan là Mặt Trăng lớn nhất của sao Thổ và là Mặt Trăng duy nhất trong hệ Mặt Trời có bầu khí quyển dày.

Mặt trăng Titan của sao Thổ, hình ảnh do tàu vũ trụ Cassini của NASA chụp. (Ảnh: NASA)

Với một khí quyển dày, áp suất bề mặt gấp khoảng 1,5 lần khí quyển Trái Đất, không có Mặt Trăng nào trong số 177 Mặt Trăng khác trong hệ Mặt Trời có bầu khí quyển như vậy. Bên cạnh đó, Titan cũng là nơi duy nhất trong hệ Mặt Trời ngoài Trái Đất có chất lỏng bề mặt ổn định với rất nhiều hồ và biển ở dạng băng trên bề mặt.

Khí quyển của Titan chủ yếu là nitơ - một nguyên tố hóa học quan trọng có vai trò tạo ra các protein trong tất cả các dạng sự sống. Các quan sát bằng radar cho thấy có sự tồn tại của metan và etan ở dạng lỏng cùng các “núi lửa băng” nằm sâu dưới bề mặt Titan. Điều này cho thấy, tương tự như Europa và Enceladus, Titan có trữ lượng nước lỏng lớn dưới bề mặt.

Với sự tồn tại phong phú của các chất hóa học trên vệ tinh này, các nhà khoa học suy đoán rằng có thể có các dạng sự sống cơ bản khác dưới đại dương nước dạng lỏng tồn tại dưới bề mặt băng của Titan.

Ngoài ra, tại Titan, khí hậu cũng có gió và các đặc điểm bề mặt do mưa tạo ra tương tự như các đặc điểm trên Trái Đất và giống như Trái Đất, nó cũng bị chi phối bởi các hình mẫu thời tiết theo mùa.

Với các đặc điểm trên, các nhà khoa học tin rằng đây làm một thế giới khác đáng chú ý và rất giống với Trái Đất của chúng ta.

Theo Live Science

Thanh Ngọc

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/4-thien-the-nhieu-kha-nang-co-su-song-trong-he-mat-troi-493498.html