4 tháng đầu 2021, Nga phát hiện 30.000 vật thể không gian

Tổ hợp trinh sát-giám sát không gian quang-điện tử 'Okno-M' của Nga có tính năng giám sát cực cao, không bỏ sót bất cứ vật thể không gian nào.

Nga phát hiện 30.000 vật thể không gian

Tổ hợp trinh sát-giám sát không gian quang-điện tử “Okno-M” (“Cửa sổ”) của Nga đặt tại dãy núi Sanglok (hệ thống núi Pamir) ở quốc gia Trung Á Tajikistan đã ghi nhận sự gia tăng hoạt động không gian vào năm 2021, Bộ Quốc phòng Nga thông báo với các phóng viên hôm 08/5.

“Okno-M” hoạt động hoàn toàn tự động. Tổ hợp sử dụng các tín hiệu nhận được là kết quả của sự phản xạ bức xạ mặt trời từ các vật thể không gian làm vật mang thông tin.

Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng, tổ hợp “Okno-M” cho phép kiểm soát các vật thể không gian trong quỹ đạo ở độ cao từ 120 đến 50 nghìn km. Hơn nữa, ở phạm vi tối đa, tổ hợp có khả năng phát hiện các vật thể có kích thước không vượt quá một quả bóng tennis.

Hiện nay, Trạm Okno-M được đặt tại Tajikistan là một thành phần không thể tách rời của mạng lưới do thám không gian của Bộ chỉ huy không gian của Lực lượng Hàng không – Vũ trụ Nga.

Các đối tượng không gian chủ yếu là các vệ tinh quân sự nước ngoài, các phi thuyền cũng như các mảnh vỡ và các đối tượng thiên văn học trong tự nhiên.

“Tổ hợp quang-điện tử phát hiện các vật thể không gian “Okno-M” của Nga đặt trong dãy núi Sanglok ở độ cao 2.200 m so với mực nước biển, trong 4 tháng đầu năm 2021 đã cung cấp khả năng kiểm soát chuyển động của khoảng 30.000 vật thể không gian” - Bộ Quốc phòng Nga lưu ý.

Tổ hợp trinh sát-giám sát không gian quang-điện tử “Okno-M”

Tổ hợp trinh sát-giám sát không gian quang-điện tử “Okno-M”

Bộ Quốc phòng Nga cho biết cụ thể trong năm 2020, trên cơ sở dữ liệu thông tin thu thập của “Okno-M”, các cơ quan chức năng của quân đội Nga đã phát hiện và theo dõi hơn 25.000 vật thể không gian.

Như vậy, hoạt động của các vật thể không gian năm 2021 đã gia tăng gấp 4 lần, chỉ trong 4 tháng đầu năm nay đã vượt quá cả năm trước.

Từ Okno đến Okno-M

Việc xây dựng của trạm Okno trước đây, một trong những mắt xích quan trọng của ngành tình báo không gian Liên Xô, đã được tiến hành vào năm 1980 trên vùng trời quang đãng ở vùng núi Pamir gần biên giới Afghan ở độ cao 2,200 m so với mực nước biển.

Trong suốt những năm cuối của thời kỳ chiến tranh lạnh, tổ hợp này được cho là một vũ khí laser chống vệ tinh bí mật của Xô Viết hơn là một trạm trinh sát quang học như ý nghĩa thực tế của nó.

Do hệ quả của cuộc nội chiến ở Tajikistan, việc xây dựng của trạm đã bị tạm dừng từ năm 1992 và trạm chỉ được đi vào hoạt động năm 1999 ở chế độ thử nghiệm và từ năm 2004 mới hoạt động ở chế độ chiến đấu.

Cận cảnh hệ thống thiết bị của trạm trinh sát-giám sát không gian quang-điện tử “Okno-M”

Từ năm 1999, Tổ hợp “Okno” đã thực hiện hơn 12,5 triệu phép đo đạc các vật thể không gian, phát hiện hơn 7.500 vật thể không gian quỹ đạo cao mới và theo dõi việc phóng khoảng 800 tàu vũ trụ vào quỹ đạo hoạt động, giám sát 50 tàu không gian trên quỹ đạo và ghi nhớ hơn 200 cuộc diễn tập của các phi thuyền nước ngoài với các mục đích khác nhau.

Hơn nữa, các nhà điều hành của Okno đã tham gia vào việc đánh giá 25 tình huống khẩn cấp ở trong và ngoài nước.

Sau khi hiện đại hóa vào năm 2014, tổ hợp nhận được định danh “Okno-M”, khả năng hoạt động của nó được tăng lên 4 lần so với phiên bản trước, nâng phạm vi phát hiện lên tới độ cao 50 nghìn km.

Tổ hợp bao gồm các trạm quang-điện tử hiện đại phát hiện và thu thập thông tin, thiết bị dò tìm truyền hình và các phương tiện tính toán thế hệ mới, được tạo ra trên cơ sở phụ tùng trong nước.

Cùng với các trạm Okno-M đã nâng cấp, trong 4 năm tiếp theo, một loạt các hệ thống điện tử và laser quang mới sử dụng cho việc phát hiện các đối tượng không gian đã được xây dựng.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/4-thang-dau-2021-nga-phat-hien-30000-vat-the-khong-gian-3431898/