4 sai lầm phổ biến khi sơ cứu, có khi rất tai hại

Sơ cứu đúng cách có thể giúp khắc phục tạm thời tổn thương, thậm chí cứu mạng người bị nạn. Nhưng trong một số tình huống, rất nhiều người trong chúng ta đang sơ cứu sai cách và có thể khiến tổn thương thêm nghiêm trọng.

Ngửa đầu khi chảy máu cam là một trong những sai lầm nhiều người mắc nhất - Ảnh: Shutterstock

Ngửa đầu khi chảy máu cam

Khi bị chảy máu cam thì đừng bao giờ ngửa đầu ra sau, Reader’s Digest dẫn lời bác sĩ cấp cứu Christopher Sampson tại Bệnh viện University of Missouri Health Care (Mỹ).

Ngửa đầu ra sau là cách mà nhiều người hay làm để giảm chảy máu cam.

Tuy nhiên, cách này lại khiến máu cam chảy xuống cổ họng và không hiệu quả trong việc cầm máu. Thay vì vậy, hãy hơi nghiêng người về phía trước và bóp sống mũi.

Phần lớn các trường hợp chảy máu cam do dị ứng hoặc mũi khô, thường sẽ hết sau 10 phút. Nếu chảy máu cam kéo dài hơn khoảng thời gian này hãy dùng bông gòn cầm máu và đến ngay bệnh viện, các chuyên gia khuyến cáo.

Áp đá lên vết bỏng

Mọi người thường có thói quen thoa kem đánh răng hoặc chườm nước đá lên vết bỏng. Hai cách này đều không nên. Khi thoa kem đánh ra lên da ngay khi vừa bị bỏng có thể khiến nhiệt nóng bị giữ lại trên trên da, trong khi điều cần thiết là phải mát da ngay lập tức.

Chườm đá lên vết bỏng cũng không tốt vì có thể khiến da tiếp xúc với nhiệt độ lạnh quá mức. Cách tốt nhất là hãy dùng nước mát dội lên vùng da vừa bị bỏng trong bài phút, sau đó băng lại bằng bông gòn hoặc gạc. Điều quan trọng không kém là phải giữ cho vết bỏng được khô ráo, bác sĩ người Mỹ Christina Johns khuyến cáo.

Cố di chuyển người bị thương nặng

Khi nhìn thấy người bị tai nạn giao thông hay gặp chấn thương thể thao, mọi người thường cố di chuyển họ để đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, điều này có thể gây hậu quả nếu nạn nhân đang bị thương nặng.

“Họ có thể đang bị tổn thương tủy sống nghiêm trọng và bất kỳ chuyển động nào cũng có thể dẫn đến tổn thương thần kinh vĩnh viễn hoặc gây liệt”, Reader’s Digest dẫn lời bác sĩ cấp cứu tại bệnh viện Steamboat Emergency Center (Mỹ).

Trong những trường hợp như vậy, cách tốt nhất là hãy gọi cấp cứu. Chúng ta chỉ buộc phải di chuyển nạn nhân khi đang giữa cơn hỏa hoạn, cháy nổ hay sập tòa nhà.

Chườm nóng lên vết bong gân

Chườm nóng lên vết bong gân là điều mà chúng ta rất hay thường gặp. Trên thực tế, cách này là sai. Nhiệt độ bề mặt da tăng lên sẽ làm tăng lưu lượng máu chảy dồn về khu vực này và làm vết sưng thêm nghiêm trọng.

Hãy ưu tiên chườm lạnh vết bong gân thay vì chườm nóng, các chuyên gia lưu ý, theo Reader’s Digest.

Ngọc Quý

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/suc-khoe/4-sai-lam-pho-bien-khi-so-cuu-co-khi-rat-tai-hai-1090419.html