4 quốc gia là tâm điểm của khủng hoảng năng lượng châu Âu

Nhà phân tích cấp cao Fabian Ronningen tại hãng nghiên cứu năng lượng Rystad Energy cho rằng 'đáng sợ' là một từ chính xác để mô tả cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu lúc này...

Khủng hoảng năng lượng có thể đẩy châu Âu rơi vào suy thoái sâu - Ảnh: Getty Images

Khủng hoảng năng lượng có thể đẩy châu Âu rơi vào suy thoái sâu - Ảnh: Getty Images

Theo đánh giá của nhà phân tích cấp cao Fabian Ronningen tại công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu “thật đáng sợ” và các vấn đề đang ngày càng tồi tệ hơn.

“Nếu đánh giá trên thang điểm từ 1-10, tôi sẽ cho cuộc khủng hoảng này điểm 8. Tôi cho rằng đó là mức độ tồi tệ của cuộc khủng hoảng ở thời điểm này. Đáng sợ là một từ chính xác để mô tả nó”, ông Ronningen nhận định với Business Insider.

Khủng hoảng năng lượng châu Âu leo thang sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra và Nga hứng chịu một loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây. Đáp trả trừng phạt, Nga đã giảm lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 xuống chỉ còn 20%, đẩy giá mặt hàng này tăng chóng mặt.

Theo đó, nhiều quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Na Uy, Hà Lan đối mặt nguy cơ thiếu nguồn cung khí đốt trong mùa đông này. Tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga mới đây dự báo giá khí đốt ở châu Âu có thể tăng thêm 60% trong mùa đông này khi nguồn cung khí đốt của châu lục này giảm thêm.

Theo Reuters, giá bán buôn khí đốt tại thị trường Hà Lan – mức chuẩn của châu Âu – đã tăng lên mức kỷ lục gần 335 Euro (tương đương 341 USD) mỗi megawatt giờ vào mùa xuân năm 2022. Từ đó đến nay, mức giá này đã giảm xuống còn khoảng 225 Euro nhưng vẫn cao hơn 300% so với thời điểm đầu năm nay.

Theo Business Insider, 4 quốc gia là tâm điểm chính của cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu, bao gồm Na Uy, Pháp, Đức và Nga.

NA UY

Na Uy ưu tiên bơm đầy các hồ thủy điện hơn là xuất khẩu điện sang châu Âu - Ảnh: Getty Images

Na Uy là một trong những nước xuất khẩu điện hàng đầu châu Âu và khoảng 20% sản lượng điện của nước này được xuất sang các nước láng giềng. Tuy nhiên, quốc gia này - chủ yếu sản xuất thủy điện – cho biết sẽ cắt giảm lượng điện xuất khẩu trong năm nay sau một mùa xuân khô hạn.

Sau một thời gian thời tiết khô hạn ở châu Âu, mực nước tại các hồ thủy điện ở miền Nam Na Uy xuống thấp đáng lo ngại, buộc Chính phủ phải hành động để duy trì nguồn cung điện trong nước.

Bộ trưởng Dầu mỏ và Năng lượng Na Uy, ông Terje Aasland, mới đây cho biết Chính phủ nước này sẽ ưu tiên bơm đầy các hồ thủy điện hơn là xuất khẩu điện sang châu Âu.

“Đây thực sự là một vấn đề lớn”, nhà phân tích Ronningen của Rystad nhận định.

ĐỨC

Đức và nhiều quốc gia khác đã lên kế hoạch khôi phục hoạt động của các nhà máy điện than để đáp ứng phần nào nhu cầu - Ảnh: Getty Images

Sóng nhiệt kỷ lục tại Đức đang khiến mực nước tại sông Rhine giảm mạnh. Đây là con sông có vai trò huyết mạch đối với dòng chảy hàng hóa khắp châu Âu. Trên thực tế, mực nước tại các con sông trên khắp Trung Âu đang ở mức "thấp bất thường" và đang tiếp tục giảm - theo Viện Thủy văn Liên bang Đức.

Mực nước thấp đã ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển than tới hai nhà máy điện của Đức, đặt Mannheim và Karlsruhe.

Sau khi Nga giảm cung cấp khí đốt cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1, Đức và nhiều quốc gia khác đã lên kế hoạch khôi phục hoạt động của các nhà máy điện than để đáp ứng phần nào nhu cầu. Theo đó, than sẽ trở thành một mặt hàng quan trọng với nguồn cung năng lượng của châu Âu trong mùa đông này nếu Nga ngừng hoàn toàn cung cấp khí đốt cho châu lục này.

PHÁP

Nhà máy điện hạt nhân ở Civaux, Pháp - Ảnh: AFP

Sản xuất khoảng 70% điện năng từ năng lượng hạt nhân, Pháp là nước xuất khẩu điện ròng lớn nhất thế giới nhờ chi phí sản xuất thấp, theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới. Tuy nhiên, nước này đang phải nhập khẩu điện nhiều hơn khi phải vật lộn với tình trạng mất điện tại các cơ sở hạt nhân.

Các nhà máy điện hạt nhân của Pháp đã được cho phép không cần tuân thủ các quy định về môi trường để có thể tiếp tục hoạt động và duy trì nguồn cung điện ổn định trong nước, đồng thời tiết kiệm khí đốt cho mùa đông.

Cơ quan An toàn Hạt nhân Pháp (FNSA) đã cho phép 5 nhà máy hạt nhân của nước này tạm thời được xả nhiều nước nóng hơn ra các con sông. Thông thường, theo các quy định về môi trường của Pháp, các nhà máy điện hạt nhân phải giảm hoặc ngừng sản lượng khi nhiệt độ các dòng sông gần đó tăng vượt giới hạn mà theo đó có thể gây hại cho môi trường.

Dù nhà sản xuất điện hạt nhân lớn nhất châu Âu EDF của Pháp nhận định sản lượng điện sẽ tăng lên trong mùa đông này, ông Ronningen cho rằng vẫn còn rất nhiều yếu tố bất định.

“Theo tôi, dường như các bên tham gia thị trường sẽ khó mà tin vào điều đó, bởi vì giá điện tại Pháp cho mùa đông đã cao hơn rất nhiều so với ở Đức”, ông nhận định.

NGA

Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Getty Images

Nằm trong các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, Liên minh châu Âu (EU) đang hướng tới cấm tới 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm 2022 – động thái châm ngòi cho các biện pháp trả đũa của điện Kremlin. Đầu tháng 7, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã giảm lượng khí đốt bơm sang châu Âu qua đường ống quan trọng Nord Stream 1 xuống chỉ còn 20% công suất bình thường.

Theo đó, châu Âu - khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga – đang phải vật lộn với tình trạng giá khí đốt tăng vọt. Nhiều người lo sợ rằng Nga có thể đẩy châu Âu vào một cuộc suy thoái sâu nếu dừng hoàn toàn cung cấp khí đốt cho châu lục này.

“Một điều chắc chắn là châu Âu năm nay sẽ có một mùa đông vô cùng khó khăn khi mà vẫn còn rất nhiều yếu tố bất định phía trước”, ông Ronnigen nói.

Ngọc Trang -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/4-quoc-gia-la-tam-diem-cua-khung-hoang-nang-luong-chau-au.htm