4 phương pháp dạy con độc hại cha mẹ nên tránh

Nhiều cha mẹ ngày nay có cách dạy con phản khoa học, khiến quan hệ giữa người lớn và trẻ bị ảnh hưởng. Chuyên gia chỉ ra 4 phương pháp dạy con sai lệch, có thể gây hại đến trẻ.

Hiện nay, nhiều cha mẹ vẫn tin rằng đánh, mắng là phương pháp dạy con hiệu quả nhất. Người lớn nghiêm khắc dạy con để ngăn con làm điều sai trái.

Những đứa trẻ có tuổi thơ sống trong đòn roi, mắng chửi sẽ có nhiều mặt hạn chế về tâm lý, cách hành xử. Vết thương lòng của các em rất khó để chữa lành, theo Aboluowang.

Các chuyên gia nhận định, giáo dục bằng đòn roi có nhiều nhược điểm hơn ưu điểm. Ngoài tác động đến tính cách, tâm lý trẻ, đòn roi khiến mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái dần có khoảng cách.

Đặc biệt, những đứa trẻ thường xuyên bị đánh có kỹ năng xã hội thấp. Do chịu nhiều bạo lực tinh thần và thể xác, trẻ trở nên nhút nhát, thậm chí nảy sinh tâm lý phản kháng, chống đối.

Ngoài đánh mắng, các chuyên gia đã chỉ ra 4 cách dạy con độc hại, gây tổn hại đến con cái.

 Những phương pháp dạy con độc hại khiến trẻ bị ảnh hưởng tâm lý. Ảnh: Today Show.

Những phương pháp dạy con độc hại khiến trẻ bị ảnh hưởng tâm lý. Ảnh: Today Show.

Nghiêm khắc quá mức

Nghiêm khắc khi dạy con là điều nên làm, nhưng nghiêm khắc quá mức sẽ khiến trẻ áp lực, không thể phát huy điểm mạnh của bản thân. Đây là đặc điểm thường thấy ở "cha mẹ hổ", những người luôn đưa ra quy tắc, luật lệ khắt khe, buộc con trẻ phải tuân theo.

Khi bị cha mẹ quản nghiêm, đứa trẻ dễ trở nên nổi loạn, muốn thoát khỏi những quy chuẩn cha mẹ đặt ra và thường xuyên nói dối. Nhiều em bị cha mẹ gò ép quá nhiều, không dám đưa ra ý kiến cá nhân. Các em không còn tự tin vào cuộc sống, luôn chìm đắm trong thế giới của riêng mình.

Nếu trẻ luôn ở trạng thái bị động, không dám nêu ý kiến, rất có thể các em đang chịu sự quản lý nghiêm khắc của cha mẹ.

Khi giáo dục con cái, điều quan trọng nhất là tạo dựng niềm tin, tôn trọng và thấu hiểu con. Ít nhất, cha mẹ cần lắng nghe và cùng con thảo luận các vấn đề trong cuộc sống.

Khi còn nhỏ, các bé chưa hình thành khái niệm đúng - sai. Lời nói và việc làm của cha mẹ trở thành chuẩn mực của con.

Người lớn cần hướng dẫn và giải thích cho con hiểu cái đúng, cái sai, thay vì ép con vào khuôn khổ do chính mình đặt ra. Cha mẹ có thể đặt ra một số quy định nhỏ để trẻ đi vào nề nếp và trao thưởng nếu các con thực hiện tốt.

Yêu cầu quá cao

Cha mẹ luôn đặt kỳ vọng vào con cái, muốn con trở thành người thành công, tương lai xán lại. Nhiều cha mẹ đặt yêu cầu cao đến mức tự sắp đặt cuộc sống của con, bỏ hàng nghìn USD để ép con thành thiên tài.

Theo Sohu, Wen Zi Xu (Trung Quốc) là một học sinh khá giỏi, điểm thi môn tiếng Anh và Toán của em luôn đạt trên 95 điểm. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn chưa hài lòng và đòi hỏi em phải làm được nhiều hơn thế.

Mới 11 tuổi, cha mẹ Wen đã chi khoảng 144.500 USD cho các hoạt động giáo dục của cậu bé. Wen học bơi năm 1 tuổi và học tiếng Anh trước khi lên 3. Em còn học piano và bóng chày khi chưa lên tiểu học.

Lên lớp 3, cha mẹ chi tiền cho Wen học lập trình máy tính và công nghệ sáng tạo. Mỗi ngày em phải dành khoảng 10 tiếng để tham gia các lớp học về công nghệ.

Phải chạy theo yêu cầu của mẹ khiến Wen Zi Xu mệt mỏi, em luôn bất an với chuyện học hành và thành tích.

Mỗi đứa trẻ có lý tưởng và quan điểm của riêng mình, các em đều mong muốn được sống theo cách mình muốn. Cha mẹ nên tôn trọng ý kiến của con, tránh đặt yêu cầu cao và tìm kiếm sự hoàn hảo không tồn tại.

Nhà tâm lý học người Tây Ban Nha Isabel Menendez đã chỉ ra dấu hiệu cảnh báo trẻ đang chịu áp lực từ những cha mẹ thích đặt tiêu chuẩn cao.

Ví dụ, trẻ trở nên thụ động, không quan tâm đến cuộc sống và những người xung quanh. Trẻ cũng có thể sinh ra thái độ chống đối, luôn làm trái yêu cầu và đi ngược mong đợi của cha mẹ. Thậm chí, các em có thể từ bỏ những sở thích vốn có của mình.

"Cha mẹ luôn khắt khe để khuyến khích con phát huy khả năng, nhưng trong phần lớn trường hợp, cách làm này bị phản tác dụng", bà Menendez nói.

Nhiều đứa trẻ trở nên bướng bỉnh, chống đối khi bị cha mẹ ép buộc quá mức. Ảnh: Parents.

Chiều con vô điều kiện

Nhiều gia đình luôn lấy cớ "con còn nhỏ" để đáp ứng mọi yêu cầu trẻ đưa ra, thậm chí làm theo những đòi hỏi vô lý. Cha mẹ luôn có tâm lý muốn con sống trong môi trường thoải mái, đầy đủ nhất. Tuy nhiên, cách suy nghĩ này có thể khiến trẻ trở nên ngang bướng.

Những đứa trẻ được nuông chiều quá mức sẽ trở nên ích kỷ, kiêu ngạo, tự cho mình là trung tâm. Trẻ chỉ quan tâm đến tâm trạng của bản thân, không biết tôn trọng, yêu thương người khác. Qua đó, các em sẽ không biết xử lý các mối quan hệ xung quanh.

Ngoài ra, điều này có hại cho việc hình thành tính cách trẻ. Một đứa trẻ muốn làm tâm điểm của sự chú ý sẽ chỉ luôn quan tâm đến vẻ bề ngoài, thay vì trau dồi giá trị nội tại của bản thân.

Cha mẹ cần đặt ra một số quy tắc nhỏ để trẻ tuân theo, hoặc trao thưởng sau khi trẻ làm việc để khuyến khích tinh thần lao động. Người lớn cũng cần giúp trẻ hình thành các hành vi xã hội, cư xử đúng mực khi gặp người khác.

Ngoài ra, những đứa trẻ được nuông chiều quá mức cũng cần học cách kiểm soát cảm xúc bản thân. Khi trẻ kích động, đòi hỏi, cha mẹ có thể ngồi xuống cùng con thảo luận, dạy con cách động tác hít thở sâu để lấy lại bình tĩnh.

Thường xuyên đe dọa con

"Nếu con làm vậy bố mẹ sẽ không yêu con nữa", "Bố mẹ sẽ mặc kệ con đấy", là những câu nói cha mẹ thường dùng khi đứa trẻ không ngoan, làm trái ý người lớn.

Trang Sina từng đăng tải câu chuyện về cậu bé nóng tính Xiaotao. Cậu bé luôn quấy khóc mỗi khi gặp việc không vừa ý. Khi đó, cha mẹ sẽ nói với em rằng: "Nếu con còn khóc nữa thì cất hết đồ chơi đi, cha mẹ không yêu con nữa".

Bị cha mẹ mắng, Xiaotao sẽ im lặng, không còn khóc nữa. Kể từ đó, cha mẹ luôn dùng cách này để kiểm soát "cơn thịnh nộ" của Xiaotao. Cậu bé cũng dần xa cách, không còn thân thiết với cha mẹ như trước.

Nhiều người cho rằng việc "đe dọa" sẽ khiến con ngoan ngoãn, nghe lời hơn. Thực tế, những lời dọa dẫm với tần suất liên tục có thể khiến trẻ tưởng thật. Về lâu dài, các em sẽ bị tổn thương tâm lý nặng nề. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái có thể bị phá vỡ vì những câu nói này.

Khi bị cha mẹ đe dọa, đứa trẻ sẽ cảm thấy cha mẹ đang ép chúng phải nghe lời, thay vì dùng lời yêu thương để xoa dịu chúng. Khi sự giao tiếp giữa cha mẹ và con cái không còn bình đẳng, đứa trẻ sẽ luôn cảm thấy bất an.

Dọa nạt cũng khiến trẻ mất tự tin. Đặc điểm này sẽ bộc lộ rõ ràng khi đứa trẻ lớn lên. Các em dễ đánh mất suy nghĩ cá nhân, không có chính kiến và tự tin như trước.

Cha mẹ cần chuyển hình thức đe dọa thành lắng nghe. Khi trẻ có biểu hiện phản kháng, hãy lắng nghe con tâm sự và cùng con phân tích đúng sai.

Nếu không thể kiểm soát cơn tức giận của bản thân và trẻ trong thời điểm đó, cha mẹ hãy tạo không gian riêng để cả hai cùng bình tĩnh, suy nghĩ lại. Những thói quen xấu của đứa trẻ sẽ được cải thiện nếu cha mẹ áp dụng cách xử lý mềm mỏng, ít bạo lực.

Minh Thúy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/4-phuong-phap-day-con-doc-hai-cha-me-nen-tranh-post1173579.html