4 NHTM nhà nước có cơ sở pháp lý để tăng vốn

Việc sửa đổi Nghị định 91 tạo hành lang pháp lý để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại Nhà nước.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp (Nghị định 91).

Việc sửa đổi Nghị định 91 đã tạo hành lang pháp lý để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank) sẽ được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp.

Điều này cũng giúp các ngân hàng bảo đảm các tỷ lệ an toàn, đáp ứng mức đủ vốn theo chuẩn mực Basel II (theo phương pháp tiêu chuẩn) đồng thời có thêm dư địa phục vụ tăng trưởng.

Big 4 có cơ sở pháp lý để tăng vốn điều lệ

Big 4 có cơ sở pháp lý để tăng vốn điều lệ

Tăng vốn cho các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước cũng là nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng, được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, đặc biệt trong bối cảnh đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân và hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn do đại dịch COVID-19.

Trước đó, trao đổi trên báo chí về việc tăng vốn cho nhóm Big 4, chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, bổ sung vốn để gối đệm chống đỡ rủi ro của ngân hàng dày dặn hơn tránh được các tổn thương là rất cần thiết. Nếu tình trạng mỏng vốn tiếp diễn, ngân hàng rất dễ bị tổn thương và không thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua khó khăn do đại dịch.

Ông Hiếu kiến nghị nếu các ngân hàng muốn thu hút được nhà đầu tư nước ngoài thì Nhà nước phải nới lỏng quy định Nhà nước nắm giữ 65% cổ phần mà nên để ở tỷ lệ thấp hơn còn khoảng 51%, tức là Nhà nước vẫn nắm quyền kiếm soát tỷ lệ khống chế lớn, 49% còn lại để cho các cổ đông trong và ngoài nước.

Ngoài ra, theo ông Hiếu, ngoài việc mời gọi các cổ đông nước ngoài thì các ngân hàng phải dùng nội lực của các cổ đông ở trong nước như phát hành trái phiếu chuyển cho các nhà đầu tư ở bên ngoài. Trái phiếu chuyển đổi ở đây nghĩa là phát hành trái phiếu có hạn là 5 năm, sau 5 năm trái phiếu đó có thể chuyển đổi thành cổ phiếu.

"Nguồn trái phiếu này có lợi cho các nhà đầu tư, trong 5 năm đó họ quan sát hoạt động của ngân hàng diễn ra như thế nào. Nếu sau 5 năm, nhà đầu tư thấy đây là ngân hàng có lợi thì nhà đầu tư sẽ chọn phương án chuyển đổi thành cổ phiếu. Hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang mong muốn có hình thức này", TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/4-nhtm-nha-nuoc-co-co-so-phap-ly-de-tang-von-3420671/