4 nguyên tắc an toàn cho trẻ tự đi học bằng xe bus mà bố mẹ nên biết

Nếu có con nhỏ đang tự đi học bằng xe bus của trường thì bố mẹ cần trang bị cho trẻ 4 kĩ năng, nguyên tắc sau để đảm bảo an toàn cho con.

Câu chuyện đau lòng về em học sinh lớp 1 trường Gateway tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa rước đã dấy lên hồi chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh trong việc giáo dục kĩ năng sống còn và giám sát hành trình di chuyển của con.

Trong nhịp sống hiện đại và tất bật của xã hội ngày nay, vấn đề đưa đón con đến trường là nỗi đau đầu của đa số ông bố bà mẹ. Thế nhưng, việc để cho trẻ đi học một mình cũng là một cuộc giằng co lớn trong lòng nhiều phụ huynh. Không ít bố mẹ cảm thấy bất an khi nghĩ đến những rủi ro mà con có thể gặp phải khi đi học một mình sau sự cố đáng tiếc vừa xảy ra.

Dưới đây là một số chỉ dẫn quan trọng cho các bậc phụ huynh để đảm bảo an toàn cho con, đồng thời trang bị cho trẻ những kĩ năng sống còn cần thiết khi bé tự đi học bằng xe bus của trường.

Giám sát hành trình di chuyển của con

Hầu hết trên chuyến xe bus đưa đón học sinh của các trường đều có một nhân viên giám sinh phụ trách đón/trả học sinh theo danh sách. Tuy nhiên, với các bé nhỏ tuổi, chưa có khả năng xử lý tốt các tình huống nguy hiểm thì bố mẹ nên giám sát chặt chẽ quá trình di chuyển của con thay vì đặt niềm tin hoàn toàn vào người giám sinh lẫn nhà trường.

Phụ huynh có thể lặng lẽ theo sau con đến trường để xem trẻ có thích nghi được với môi trường mới cũng như việc đưa đón bằng xe bus. Bên cạnh đó, bạn có thể dạy con một số kĩ năng giao tiếp với thầy cô, nhân viên trong trường để hỏi thông tin cần thiết về lịch trình di chuyển của xe bus, tuyến đường đi qua…

Luôn giữ kết nối với trẻ

Hãy tạo cho con thói quen kết nối với bố mẹ mỗi khi đi học, đến trường an toàn như gửi một tin nhắn báo: “Con đến trường rồi ạ” cũng là đủ, hoặc con có thể gọi điện báo cho bạn biết con đã an toàn vào lớp.

Mặt khác, bố mẹ cũng nên dành thời gian chủ động hỏi thăm con và giữ kết nối với cô giáo chủ nhiệm để nắm rõ hoạt động của trẻ trong trường học, điều này là vô cùng quan trọng với các bé nhỏ tuổi bởi sự hiếu động của trẻ là rất khó kiểm soát khi hòa nhập môi trường mới. Việc giữ kết nối thường xuyên với con sẽ khiến bố mẹ yên tâm hơn mỗi ngày.

Trang bị kĩ năng sống còn trong tình huống cấp bách

Ngoài các kĩ năng giao tiếp cơ bản, bạn cần trang bị cho con kiến thức xử lí tình huống cấp bách, có thể nguy hiểm đến tính mạng như khi xe bus hỏng, gặp sự cố trên đường, đường bị tắc thì gọi cho ai để được giúp đỡ; hay làm gì khi bị bỏ quên trên xe ô tô đóng kín cửa để giữ mạng sống?

Sự cố học sinh lớp 1 trường Gateway tử vong vì bị bỏ quên trên xe vừa qua là một ví dụ điển hình cho việc thiếu chuẩn bị của bố mẹ cho trẻ. Khi gặp tình huống tương tự, các bậc phụ huynh cần dạy con 4 kĩ năng sống còn gồm: bấm còi xe, bấm đèn Hazard, tìm cách mở cửa xe và dùng búa thoát hiểm thì sẽ giảm nguy cơ đối diện với hiểm nguy cho bé.

Dạy trẻ bấm còi xe: Theo các chuyên gia ô tô, cấu tạo của còi xe luôn có điện thường trực. Do đó, nếu thấy ô tô đã đóng kín cửa, trên xe không còn ai thì bé hãy chạy tới phần vô lăng, bấm còi xe. Dù xe đã tắt máy nhưng còi xe vẫn kêu và người bên ngoài sẽ phát hiện ra bé đang ở trong xe.

Dạy trẻ bấm còi xe: Theo các chuyên gia ô tô, cấu tạo của còi xe luôn có điện thường trực. Do đó, nếu thấy ô tô đã đóng kín cửa, trên xe không còn ai thì bé hãy chạy tới phần vô lăng, bấm còi xe. Dù xe đã tắt máy nhưng còi xe vẫn kêu và người bên ngoài sẽ phát hiện ra bé đang ở trong xe.

Tương tự còi, đèn Hazard của xe ô tô được thiết kế nguồn điện riêng để nó lúc nào cũng trong tình trạng sẵn sàng hoạt động. Hãy chỉ cho con bạn nút bật đèn báo hiệu này có hình Tam giác và rất dễ thấy trên Tablo buồng lái.

Dạy trẻ mở cửa sổ của xe: Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ô tô, dù xe bị đóng kín và tài xế đã khóa xe thì khi ở trong xe vẫn hoàn toàn có thể mở được cửa sổ của xe để kêu cứu. Do đó, bạn có thể dạy trẻ cách mở cửa sổ để bé có thể nhờ sự trợ giúp từ bên ngoài.

Búa thoát hiểm có thiết kế đầu nhọn tập trung gia lực, do đó các bé không cần dùng quá nhiều sức mà chỉ với một lực nhỏ đập vào phía góc cửa cũng có thể làm kính nứt vỡ. Mặt khác, kính xe ô tô được thiết kế là kính an toàn, nên khi đập vỡ, kính sẽ vỡ vụn dạng hạt ngô hoàn toàn không có mảnh sắc nên sẽ không gây tổn hại đến các bé.

Việc trang bị cho con những kiến thức bảo vệ mình như trên sẽ giúp phản xạ tốt hơn khi có tình huống xấu xảy ra và không thấy bỡ ngỡ.

Tìm bạn đi học cùng con

Phụ huynh nên để ý các bé sống gần nhà mình và học cùng trường với con, cùng đi học bằng xe bus của trường để có thể gửi gắm hoặc ít ra là cho hai bé đi học cùng nhau. Điều này vừa giúp cho con có bạn đồng hành đến trường, vừa để hai bé chú ý, chăm sóc lẫn nhau khi đi học.

Mặt khác, việc có bạn đi học cùng con sẽ giúp bố mẹ có thêm liên lạc để kết nối với bé trong trường hợp điện thoại con hết pin, bị hỏng… khi đó, bạn có thể gọi cho bạn của con hoặc gia đình em bé đó.

Quang Ngọc

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/doi-song/4-nguyen-tac-an-toan-cho-tre-tu-di-hoc-bang-xe-bus-ma-bo-me-nen-biet-5802062.html