4 nguyên nhân gây thảm họa Indonesia

Ngoài việc chưa có hệ thống cảnh báo sóng thần sớm thì địa hình trũng, tốc độ sóng thần khủng khiếp và lở đất ngầm đã góp phần làm tăng thảm họa Indonesia.

Tính đến ngày 3-10, số người chết trong thảm họa kép động đất-sóng thần ở đảo Sulawesi (Indonesia) là gần 1.400 người. Nhà chức trách Indonesia đã chuẩn bị tâm lý đón nhận con số tăng lên mỗi ngày và có thể lên đến hàng ngàn khi còn rất nhiều người chưa biết tin tức và nhiều nơi chưa thể tiếp cận cứu hộ.

Sóng thần không cao, tại sao chết nhiều?

Chiều 28-9, Sulawesi hứng hai trận động đất cách nhau vài giờ. Trận đầu mạnh 6,1 độ Richter xảy ra lúc 3 giờ chiều gần Donggala, cách Palu 55 km về phía Bắc. Trận thứ hai mạnh 7,4 độ Richter (được điều chỉnh giảm sau con số ban đầu là 7,5 độ Richter) xảy ra lúc 5 giờ 2 phút chiều, cũng gần Donggala, xa hơn về phía Bắc, cách Palu 80 km. Trận động đất thứ hai đã kích thích sóng thần và theo truyền thông thì sóng thần là nguyên nhân gây thương vong nhiều nhất.

Theo nhà nghiên cứu Kane Cunneen tại khoa Khoa học và kỹ thuật, ĐH Curtin (Tây Úc), một nhà thiết kế của hệ thống cảnh báo sóng thần Ấn Độ Dương, với cường độ động đất mạnh như thế thường thì “các con sóng cao ít nhất 2-3 m và có thể gấp đôi”. Tuy nhiên, thực tế các ngọn sóng đánh vào Palu không cao đến thế, chỉ tầm 2 m.

Còn theo chuyên gia về kiến tạo học Baptiste Gombert tại khoa Khoa học Trái đất thuộc ĐH Oxford (Anh) thì “trong phần lớn trường hợp, sóng thần xuất phát từ các trận động đất như thế đều được tạo ra từ sự dịch chuyển sâu đáy biển”. Ở trường hợp Palu, ngược lại sóng thần lại được kích thích từ sự đứt gãy trượt ngang khi các mảng kiến tạo vỏ Trái đất di chuyển chồng nhau lên hay chùi xuống nhau theo hướng nằm ngang. Theo chuyên gia Cunneen, “các trường hợp đứt gãy ngang các mảng kiến tạo thường ít khi tạo ra sóng thần mạnh vì chúng không kích thích đáy biển quá nhiều”.

Vậy nguyên nhân gì khiến các đợt sóng lại có sức tàn phá kinh khủng dẫn đến số thương vong quá cao như thế? Theo các chuyên gia nói với AFP thì ngoài việc Indonesia chưa có hệ thống cảnh báo sớm sóng thần thì có ít nhất ba nguyên nhân.

Palu ngập trong nước sau thảm họa động đất, sóng thần chiều 28-9. Ảnh: REUTERS

Một vịnh trũng như chiếc phễu hứng nước

Đầu tiên, theo các chuyên gia, chính địa hình của Palu đã đẩy cao sự tàn phá, mức độ chết chóc của các con sóng, dẫn đến số người chết quá cao. Cụ thể, địa hình Palu quá thấp, quá trũng, lại trải dài (2 km).

“Hình dáng của vịnh chắc chắn đóng một vai trò chính trong việc làm tăng quy mô tàn sát của các ngọn sóng. Có thể hình dung vịnh như một cái phễu, hứng nước từ các ngọn sóng thần đập vào. Vì địa hình trũng lại trải dài nên nước một khi tràn vào đã nhanh chóng lan đi khắp nơi” - chuyên gia động đất Anne Socquet tại Viện Khoa học Trái đất (Pháp) mô tả.

Thứ hai là vì quy mô và độ nông sâu của trận động đất. 7,5 độ Richter là cường độ rất mạnh, chỉ xảy ra rất ít lần mỗi năm. Hơn nữa, tâm chấn trận động đất 7,5 độ Richter này lại rất nông, chỉ 10 km. Tệ hơn nữa là sự nứt gãy lại xảy ra quá gần bờ biển khiến các ngọn sóng thần không có thời gian, không gian giảm bớt sức mạnh, sức tàn phá trước khi đánh vào Palu.

Sóng thần di chuyển rất nhanh, tốc độ có thể bằng vận tốc một máy bay. Dưới độ sâu 2 km, sóng thần có thể di chuyển 700 km/giờ, sâu hơn nữa có thể lên đến 1.000 km/giờ. Khi tới bờ biển, tốc độ giảm dần nhưng độ cao của ngọn sóng tăng lên. Ngọn sóng có thể cao chỉ 1 m ở ngoài khơi nhưng sẽ tăng lên 5-10 m khi vào bờ biển. Nếu bờ biển có độ dốc, ngọn sóng có thể cao tới hàng chục mét.

Tốc độ ngọn sóng có thể chậm lại khi vào bờ biển nhưng vẫn có thể nuốt các khu vực bằng phẳng bên trong đất liền đến hàng kilomet. Vì thế có thể nói bãi biển Palu là một địa hình hoàn hảo để sóng thần phô diễn sức mạnh chết chóc.

Khan hiếm thức ăn, nước uống buộc người sống sót ở Palu phải lùng sục cướp thực phẩm trong các cửa hàng. Ảnh: ANTARA

Ảnh chụp từ máy quay điều khiển từ xa cho thấy một góc Donggala sau thảm họa. Ảnh: AAP

Lở đất ngầm và “đất hóa lỏng”

Thứ ba, sức phá hủy của sóng thần đã được đẩy lên cao cùng với sự lở đất ngầm bên dưới Palu.

Theo chuyên gia Kane Cunneen (ĐH Curtin, Tây Úc) thì “trận động đất có thể đã gây ra một trận lở đất ngầm gần miệng vịnh, thậm chí giữa vịnh”. Theo bà, có một luồng nước ngầm kỳ lạ và dài từ biển nối vào Palu, luồng nước này đã thấm vào các bức tường công trình nhà cửa Palu. Điều này giải thích tại sao các đợt sóng có sức tàn phá rất mạnh ở Palu nhưng lại yếu nhiều ở các khu vực xung quanh. “Các sự kiện này rất khó đoán được với hệ thống cảnh báo sóng thần hiện tại chủ yếu dựa vào đánh giá nhanh về cường độ và địa điểm xảy ra động đất” - bà Cunneen nói.

Ngày 30-9, trên Twitter xuất hiện một đoạn video cho thấy nhiều người ở Palu hoảng sợ bỏ chạy khi nhìn thấy đất dưới chân mình trở thành lớp bùn mềm dần đi, nhà cửa xung quanh sụt lún. Theo lời các chuyên gia, đây là hiện tượng “đất hóa lỏng”, thường xuất hiện sau động đất. Vì chịu tác động lớn, nền đất mất đi độ cứng và khả năng chịu lực, trở nên mềm đi khi gặp nước.

Bộ trưởng Bộ Hoạt động công và Nhà ở Indonesia Basuki Hadimuljono xác nhận: “Đất hóa lỏng” là nguyên nhân của rất nhiều cái chết và cuốn sập 1.333 căn nhà trong một khu dân cư ở Palu.

Ác mộng Indonesia

Gần 1.400 người chết là con số tính đến nay trong thảm họa Indonesia. Lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm nạn nhân ở Palu và cố gắng tiếp cận các khu vực khác bị ảnh hưởng thảm họa ở đảo Sulawesi. Đa số thương vong được thống kê đến lúc này là ở TP Palu (cách tâm chấn 80 km). Hàng ngàn công trình gồm nhà cửa, bệnh viện, cửa hàng, khách sạn sụp đổ. Một cây cầu lớn bị cuốn văng, tuyến đường huyết mạch dẫn tới Palu bị phong tỏa vì đất lở.

TP Donggala (cách tâm chấn 27 km) có tới 300 km bờ biển, vẫn chưa có thông tin chính thức kể từ buổi chiều thảm họa. Tuy nhiên, theo thông tin từ CNN, có hơn 700 ngôi nhà bị chôn vùi do lở đất ở Donggala.

Giám đốc Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Chi nhánh Indonesia Jan Gelfand nhận định tình hình các khu vực thảm họa như “cơn ác mộng”.

Người dân còn chủ quan

Indonesia có lịch sử động đất, sóng thần gây thương vong và thiệt hại khủng khiếp. Theo SBS, nguyên nhân ngoài những điều đã đề cập bên trên còn vì nhận thức đối phó cảnh báo của người dân còn thấp.

Theo nhà chức trách Indonesia thì hàng trăm người có mặt ở Palu chuẩn bị tham dự một lễ hội biển dự kiến diễn ra vào tối 28-9 vẫn “chưa bỏ chạy ngay” sau động đất. Các đoạn video do người dân Palu quay lại cho thấy sau động đất vẫn còn người và xe ở một con đường đối diện bãi biển và sóng thần đang tràn vào.

Lời khuyên đơn giản nhất và mang tính an toàn cao nhất cho người dân vùng biển là ngay lập tức chạy lên khu vực cao và ở yên đó ít nhất vài tiếng. Nhưng trong thực tế điều này lại không dễ thực hiện ở Indonesia. Trước hết, Indonesia chưa sử dụng hệ thống cảnh báo sớm. Mà nếu có cũng còn thách thức rất lớn khi hạ tầng viễn thông ở Indonesia còn sơ sài, chưa kể dân đất nước quần đảo này lại dùng đa dạng ngôn ngữ.

Một điều nữa, điện và viễn thông bị ngắt ngay sau động đất, vì thế không rõ người dân có nghe được cảnh báo sóng thần hay không. Cũng vì viễn thông bị ngắt mà chính phủ trung ương ở Jakarta không thể xác nhận ngay có sóng thần xảy ra. Các hãng truyền thông quốc tế như Reuters chỉ xác nhận có sóng thần ba tiếng sau khi thảm họa xảy ra.

ĐĂNG KHOA

Nguồn PLO: http://plo.vn/van-hoa/ho-so-phong-su/4-nguyen-nhan-gay-tham-hoa-indonesia-796052.html