4 năm thí điểm taxi công nghệ và 1.650 bức thư tay gửi Quốc hội

Nhắc đến bất cập trong quản lý taxi công nghệ, Trưởng ban Dân nguyện khi đang trình bày báo cáo đã giơ cao 1.650 bức thư tay người dân gửi đến Quốc hội.

Tập thư tay được Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đưa ra sáng 14/10 khi trình bày báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cho biết Ban Dân nguyện đã tổng hợp được 2.251 kiến nghị, trong đó có 2.201 kiến nghị đã được giải quyết, bà Hải còn đưa ra dẫn chứng khi không chỉ có các kiến nghị, mà còn hàng trăm thư tay được người dân viết, gửi tới Quốc hội.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đưa bọc tài liệu gồm 1.650 bức thư tay của người dân kiến nghị sửa đổi Nghị định 86. Ảnh: Quochoi.vn.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đưa bọc tài liệu gồm 1.650 bức thư tay của người dân kiến nghị sửa đổi Nghị định 86. Ảnh: Quochoi.vn.

Bọc tài liệu gồm 1.650 bức thư tay được bà Nguyễn Thanh Hải đưa ra là kiến nghị của người dân đối với Bộ GTVT về việc sửa đổi Nghị định 86. Bất cập này tồn tại trong suốt 4 năm qua chưa được giải quyết triệt để, đặc biệt trong vấn đề thí điểm triển khai taxi công nghệ.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết tháng 1/2016, Bộ GTVT ban hành Quyết định số 24 về việc thí điểm taxi công nghệ tại 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh.

Hơn 1.600 bức thư tay của người dân gửi tới Quốc hội bày tỏ những bức xúc, kiến nghị chính sách với taxi công nghệ. Đồ họa: Châu Châu.

Đến nay, đã gần 4 năm, Bộ vẫn chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của loại hình này, dẫn đến xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh giữa nhiều hãng taxi. Bên cạnh đó, taxi công nghệ hoạt động cả ở các địa phương không được thí điểm, gây khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước và ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.

"Việc chị Hải đưa ra tập thư kiến nghị của cử tri là một hình thức rất sinh động, để cho người dân thấy là thư của dân đã đến Quốc hội, người dân có thể yên tâm", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ sau khi nghe phát biểu của Trưởng ban Dân nguyện.

Theo trả lời, Bộ GTVT cho biết đang “sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô”, trong đó có liên quan đến taxi công nghệ.

“Đây là vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm, kiến nghị Bộ GTVT khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi trong năm 2019”, bà Hải nói.

Quay trở lại với lĩnh vực giao thông, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết cử tri phản ánh chất lượng của các công trình giao thông vẫn có vấn đề dù Bộ GTVT đưa ra nhiều giải pháp khắc phục.

Đặc biệt là hiện tượng nhiều dự án giao thông có mức đầu tư lớn liên tục gặp sự cố về chất lượng, có dự án mới đưa vào khai thác đã hư hỏng, xuống cấp như đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư sê (Gia Lai) sụt lún 130 m chiều dài chỉ sau khoảng 3 tháng đưa vào sử dụng, trước đó là dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi...

Cử tri cho rằng công tác thiết kế, quản lý chất lượng, giám sát, năng lực thi công của nhà thầu trong một số trường hợp còn chưa đảm bảo, gây lo lắng cho người dânvà tăng chi phí của xã hội để khắc phục hậu quả.

Vì vậy, thay mặt cử tri, bà Hải kiến nghị Bộ sớm đánh giá chính xác nguyên nhân và xem xét trách nhiệm cá nhân, đơn vị khi để xảy ra tình trạng trên.

Dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô thay thế Nghị định 86 cũ qua hơn 10 lần sửa đổi với nhiều đề xuất rồi lại gỡ bỏ. Tại dự thảo mới nhất, Bộ Giao thông Vận tải muốn tất cả taxi truyền thống và công nghệ dùng đồng hồ tính tiền hay phần mềm tính tiền như Grab phải gắn hộp đèn ở nóc xe để đảm bảo công bằng. Theo Bộ Giao thông, hai loại hình taxi này chịu điều kiện kinh doanh như nhau.

Vào tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu hủy bỏ đề xuất bắt buộc taxi công nghệ phải gắn hộp đèn trên nóc xe và quản lý bằng công nghệ.

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/4-nam-thi-diem-taxi-cong-nghe-va-1650-buc-thu-tay-gui-quoc-hoi-post1001147.html