4 món gỏi lạ ở miền Tây

Gỏi là món ăn quen thuộc ở miền Tây. Đến đây, bạn sẽ được thưởng thức nhiều món gỏi lạ từ tên gọi tới nguyên liệu, công thức chế biến.

Từ những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, người miền Tây đã sáng tạo nhiều món gỏi độc đáo như sầu đâu, ba khía, bồn bồn, củ hủ dừa. Gỏi thường dùng để ăn vặt, nhâm nhi trong bữa nhậu hay làm món chính cho mâm cơm gia đình.

Gỏi củ hủ dừa

Củ hủ dừa (hay đọt dừa) là phần lõi non nhất trên ngọn cây dừa, có vị ngọt, giòn. Ở nhiều nơi, thành phần này thường không được để ý đến. Tuy nhiên, ở miền Tây, người dân đã tận dụng để chế biến theo cách khác nhau như trộn gỏi, nấu canh, kho, hầm...

Trong đó, gỏi củ hủ dừa là món ăn được nhiều du khách yêu thích khi tới đây. Món ăn này không dễ tìm bởi để lấy được củ hủ dừa phải chặt cả cây to. Để làm món gỏi đúng chuẩn, ngoài củ hủ dừa, bạn cần có tôm luộc lột vỏ, thịt, cà rốt ngâm chua ngọt, rau răm...

Gỏi cổ hũ dừa thường kết hợp với món nướng, xào... Ảnh: Quynhu.joyn, brianna__dang.

Gỏi cổ hũ dừa thường kết hợp với món nướng, xào... Ảnh: Quynhu.joyn, brianna__dang.

Gỏi bồn bồn

Gỏi bồn bồn là một trong những món ăn dễ gây tò mò cho du khách ngay lần đầu biến đến. Tên gọi của đặc sản này bắt nguồn từ loài cỏ hoang, một trong những nguyên liệu chính trong chế biến gỏi. Cỏ bồn bồn mọc nhiều trong các ruộng, ao ở miền Tây sông nước.

Giống với nhiều loài cây dại khác, vị giòn, ngọt của bồn bồn đã được người miền Tây tận dụng để chế biến thành món gỏi có hương vị độc đáo. Thành phần chính trong đĩa gỏi là sợi bồn bồn, tôm, thịt ba chỉ, tai heo... Để món ăn thêm đậm đà, vừa miệng, các gia vị không thể thiếu trong nước trộn gỏi là chanh, đường, nước mắm...

Pha chế nước trộn gỏi là công đoạn quan trọng, quyết định hương vị ngon cho món ăn. Ảnh: Hien_chu_, Vietnamesegod.

Gỏi sầu đâu

Sầu đâu hay sầu đông, xoan là cây dại mọc nhiều ở các tỉnh miền Tây như An Giang, Kiên Giang. Dù có vị đắng chát, lá của loài cây này vẫn được dùng để chế biến món gỏi nức tiếng. Hương vị khác lạ của gỏi sầu đâu khiến nhiều thực khách ăn một lần nhớ mãi.

Sầu đâu dần mất đi vị đắng nhẵn sau khi trụng sơ qua nước sôi, đem trộn cùng cà chua, dưa chuột, xoài và nước me chua ngọt. Do đó, khi thưởng thức, bạn sẽ cảm thấy vị ngọt hậu ở cuống họng, bùi bùi lạ miệng. Món gỏi này còn được thêm thịt ba chỉ, khô cá lóc, khô cá sặc.

Gỏi sầu đâu thường được người miền Tây làm để tiếp đón khách quý. Ảnh: Babanbanh.

Gỏi ba khía

Ba khía là loài cua nhỏ, dùng làm nguyên liệu cho món mắm trứ danh ở miền Tây. Gỏi ba khía là món ăn quen thuộc với người dân miền Tây. Hương vị đậm đà, chua chua, cay cay của đặc sản này đã chiều lòng những thực khách khó tính.

Mắm ba khía, đu đủ xanh bào sợi, đậu đũa, cà chua, rau mùi, lạc rang, chanh, ớt... là những nguyên liệu không thể thiếu trong chế biến. Gỏi ba khía ngon nhất khi ăn kèm cơm trắng vào những ngày mưa lạnh.

Gỏi ba khía cũng có thể dùng làm món khai vị trong bữa tiệc nhỏ của gia đình. Ảnh: Benny_vuong, Mitsfoody.

Chuối đập chấm cốt dừa nức tiếng miền Tây Món chuối nướng của người Bến Tre khiến nhiều thực khách ăn một lần nhưng nhớ mãi vì hương vị đặc biệt.

Bích Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/4-mon-goi-la-o-mien-tay-post1127816.html