4 lý do khiến các Tổng thống Mỹ né tránh các buổi họp báo

Baoquocte.vn. Các cuộc họp báo chính thức được coi là trách nhiệm truyền thống và quan trọng của Tổng thống Mỹ đối với người dân. Tuy nhiên, không phải tổng thống nào cũng cảm thấy thoải mái khi tham dự họp báo.

Kể từ khi chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ, Joe Biden chưa tổ chức cuộc họp báo chính thức nào. Đây là khoảng thời gian lâu nhất mà một tân tổng thống không tổ chức họp báo trong 1 thế kỉ trở lại đây.

Đến ngày 25/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden mới tổ chức cuộc họp báo chính thức đầu tiên của nhiệm kỳ này. (Nguồn: Getty)

Đến ngày 25/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden mới tổ chức cuộc họp báo chính thức đầu tiên của nhiệm kỳ này. (Nguồn: Getty)

Theo thống kê của Associated PressThe Washington Post, vào thời điểm này trong nhiệm kỳ đầu của mình, cựu Tổng thống Donald Trump và Bill Clinton đã tổ chức được 5 cuộc họp báo. Tổng thống Barack Obama đã tổ chức 2 và Tổng thống George W. Bush đã tổ chức 3 cuộc họp báo. Vào ngày 16/3, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã thông báo Tổng thống Biden sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 25/3.

Trong khi các nhà phê bình chỉ ra rằng động thái né tránh của ông Biden ẩn chứa nhiều động cơ phía sau, tuy nhiên bằng chứng thực nghiệm và nghiên cứu của Trợ lý Giáo sư David E. Clementson, đến từ Đại học Georgia lại cho thấy trên thực tế có rất nhiều lý do khiến cho các tổng thống ngại ngần và không muốn tổ chức họp báo.

Trốn tránh trả lời

Ông Clementson cho rằng các quan chức sẽ bị công chúng bỏ quên nếu họ từ chối đối mặt với báo chí. Hiệp hội Phóng viên Nhà Trắng (WHCA) chỉ trích ông Biden thiếu “trách nhiệm giải trình trước công chúng”. Việc ông Biden trì hoãn buổi họp báo chính thức đầu tiên cũng khiến cho ABC News đặt câu hỏi về tính minh bạch và trách nhiệm của ông trước người dân.

Tuy nhiên, dù các tổng thống đều phải chịu trách nhiệm giải trình trước công chúng, nhưng các cuộc họp báo chắc chắn đem đến nhiều rủi ro cho họ.

Lý do đầu tiên mà các tổng thống hạn chế tổ chức họp báo là các phóng viên có chiều hướng chỉ trích tổng thống cố tình né tránh việc trả lời các câu hỏi. Người dân cũng dễ dàng tin vào những gì báo chí viết, bất kể tổng thống thực sự đã nói gì.

Xu hướng các nhà báo chính trị làm chệch hướng câu hỏi nhằm buộc tội tổng thống đã gia tăng trong những thập kỷ gần đây và trở nên khá phổ biến. Một ví dụ phổ biến là trong thời kỳ đầu đại dịch Covid-19 tấn công Mỹ, Tổng thống Donald Trump luôn bị giới báo chí tấn công bằng những cáo buộc né tránh trả lời các câu hỏi, mặc cho việc liên tục tổ chức các cuộc họp báo thường kỳ và thu hút lượng người xem khổng lồ.

Trong chiến dịch tranh cử năm 2020, ông Biden đã bị cáo buộc né tránh các câu hỏi của nhiều hãng truyền thông về các vấn đề quan trọng như đối nội và đối ngoại. Thậm chí, một người phát ngôn của chiến dịch thậm chí còn bị chỉ trích vì né tránh câu hỏi về việc ông Biden không trả lời vừa ý các phóng viên.

Ông Clementson đã thực hiện một bài khảo sát để kiểm tra tác động của việc một nhà báo chỉ trích các chính trị gia né tránh trả lời câu hỏi.

Những người tham gia khảo sát đều được xem một đoạn video giống nhau với nội dung về việc chính trị gia trả lời câu hỏi của nhà báo. Tuy nhiên, ông Clementson đã chỉnh sửa nội dung bằng cách chèn thêm một đoạn video nhà báo cáo buộc chính trị gia né tránh trả lời đối với một nửa số người tham gia khảo sát.

Những người xem video đã có chỉnh sửa tin rằng chính trị gia thực sự đã né tránh các câu hỏi. Ngược lại, những người xem cuộc phỏng vấn tương tự nhưng không có sự chỉnh sửa nghĩ rằng chính trị gia đã đưa ra các câu trả lời thỏa đáng.

Sự thật là chính trị gia xuất hiện trong video khảo sát đã không hề né tránh các câu hỏi của phóng viên. Tuy nhiên, những người tham gia khảo sát dường như tin lời của các nhà báo hơn là chính trị gia. Họ mặc định rằng các phóng viên nói sự thật mà không có bất kỳ nghi ngờ nào.

Donald Trump là một trong những tổng thống thường xuyên bị báo giới chỉ trích. (Nguồn: CNN)

Câu trả lời không thỏa đáng

Lý do thứ hai khiến các vị tổng thống muốn tránh họp báo là do các câu hỏi thường có xu hướng không thể trả lời được. Theo những dữ liệu đã được lưu lại hàng thập kỷ, các nhà báo thường hỏi về các chủ đề gây tranh cãi và họ cố tình diễn đạt câu hỏi của mình một cách lắt léo.

Các phóng viên thường đưa ra các câu hỏi tập trung vào các vấn đề nhạy cảm. Dựa trên nghiên cứu của ông Clementson, các nhà báo đưa tin về Nhà Trắng có xu hướng hỏi về các chủ đề gây chia rẽ đất nước, như phá thai hoặc kiểm soát súng đạn. Đây đều là những vấn đề mà bất kỳ câu trả lời trực tiếp nào cũng đều xúc phạm một số nhóm cử tri và vô cùng bất cập đối với bản thân người trả lời.

Vấn đề thời gian bị hạn chế của một cuộc họp báo, cùng với việc khán giả mong đợi những câu trả lời ngắn gọn cho những vấn đề lớn, cũng dẫn đến việc tổng thống khó có thể đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho tất cả cử tri.

“Ông đang nói dối”

Lý do thứ ba là ngay cả khi Tổng thống trả lời một câu hỏi không hóc búa hay nhạy cảm, nhiều cử tri vẫn sẽ nghĩ rằng Tổng thống đang nói dối.

Ông Clementson đã thực hiện một thí nghiệm nhỏ bằng cách quay lại cuộc phỏng vấn của một chính trị gia đang trả lời hoặc né tránh trả lời câu hỏi của nhà báo và xem vị chính trị gia đó là người của đảng nào thông qua ký hiệu R (đảng Cộng hòa) và D (đảng Dân chủ) ở bên cạnh tên người đó.

Ông nhận thấy rằng nếu vị chính trị gia đó là người đảng Dân chủ thì các cử tri của đảng Cộng hòa sẽ nghĩ rằng ông này đang nói dối và nhưng những cử tri của đảng Dân chủ thì lại nghĩ ngược lại.

Như vậy, đơn giản chỉ bằng việc có thêm một ký hiệu đảng phái, cuộc họp báo của Tổng thống sẽ bị nhìn nhận khác đi dù bất kể họ nói gì đi chăng nữa.

Quá nhiều thông tin

Lý do cuối cùng, theo ông Clementson, tần suất xuất hiện trên truyền thông của các tổng thống càng nhiều, công chúng cũng sẽ cảm thấy gần gũi hơn, nhưng chính vì vậy, hình ảnh của tổng thống cũng sẽ phai nhạt dần đi trong mắt người dân.

Nói về vấn đề này, ông Clementson nhận định rằng, một tổng thống được coi là hoàn thành nghĩa vụ tổng thống phải phụ thuộc vào nhận thức của từng cử tri về điều kiện quốc gia. Vì vậy, các chính trị gia phải lựa chọn từ ngữ phù hợp với tình hình cá nhân của cử tri. Lời nói của một chính trị gia càng tách biệt với cảm xúc và kinh nghiệm của cử tri, thì công chúng càng ít tín nhiệm ông hơn.

Dần dần, các tổng thống có thể sẽ mất đi tầm vóc vốn có của mình. Các nhà báo nắm thế thượng phong, đặt ra những câu hỏi hóc búa và chỉ trích các chính trị gia nếu họ không trả lời. Cứ như vậy, cử tri sẽ có xu hướng tin vào những lời chỉ trích của báo chí đối với tổng thống ngay cả khi tổng thống trả lời thành thật những câu hỏi của họ.

Ngay cả khi không có sự can thiệp của các nhà báo, một nửa dân số đất nước vẫn không tin tưởng Tổng thống và họ càng nói nhiều thì càng dễ mất hình ảnh mà thôi. Trừ khi mục tiêu mở họp báo chỉ đơn giản là thực hiện nghĩa vụ của một Tổng thống, thì ông sẽ là người chiến thắng.

Là một học giả về Truyền thông Chính trị và Quan hệ Công chúng, ông David E. Clementson – Trợ lí giáo sư về Báo chí và Truyền thông đại chúng tại trường Đại học Georgia - đã xuất bản các nghiên cứu về các cuộc họp báo của tổng thống, xem xét tác động của việc các nhà báo đặt những câu hỏi hóc búa, đưa ra lý thuyết về các chiến lược khác nhau của các chính trị gia và quan sát tác động đối với cử tri.

(theo The Conversation)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/4-ly-do-khien-cac-tong-thong-my-ne-tranh-cac-buoi-hop-bao-140273.html