4 lưu ý trong việc phát huy tinh thần kiến tạo trong bối cảnh bình thường mới

Ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, nền kinh tế toàn cầu đang và sẽ trải qua một giai đoạn có nhiều bất định. Bên cạnh đó ông cũng đưa ra một số ý kiến về việc phát huy tinh thần kiến tạo trong tình hình mới như: bớt sợ trách nhiệm', bớt sốt ruột, bớt dè dặt và bớt sợ thiếu việc.

Trong khuôn khổ chương trình “Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform)”, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức buổi hội thảo với nội dung “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020 – Tinh thần kiến tạo trong bối cảnh bình thường mới” mới đây.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã trình bày các nội dung liên quan đến nền kinh tế Việt Nam 2020. Ông Dương cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang và sẽ trải qua một giai đoạn có nhiều bất định như: Cạnh tranh về chiến lược, xung đột chính trị gia tăng; rủi ro suy thoái trở nên nghiêm trọng hơn cả ở nên kinh tế phát triển và đang phát triển.

Ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phát biểu tại hội thảo.

Ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phát biểu tại hội thảo.

Bên cạnh đó những con số sự báo về tình hình kinh tế năm 2020 không mấy khả quan. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định GDP thế giới sẽ giảm 4,9%. Còn Cơ quan hỗ trợ chính sách APEC (PSU) cũng dự báo GDP APEC sẽ giảm 3,7%. Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chiến lược phát triển kinh tế xã hội mới. Đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế và doanh nghiệp có thể nghiêm trọng và kéo dài.

Cũng theo thống kê của CIEM thì ngành sản xuất công nghiệp đang sụt giảm trên diện rộng và thể hiện rõ nhất vào quý 2, trong đó có cả các ngành được coi là nhiều tiềm năng trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới. Ông Dương cho rằng đại dịch Covid-19 đã làm cho chúng ta mất khả năng chủ động trong Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA). Trong đó khu vực dịch vụ bị suy giảm trong 6 tháng đầu năm. Ở góc độ nghiên cứu ông khẳng định việc tăng trưởng âm của dịch vụ buộc chúng ta phải có bài học về tái cơ cấu ngành dịch vụ.

Theo số liệu khảo sát của Tổng cục thống kê trong 6 tháng đầu năm phần lớn các doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Trong đó khu vực ngoài nhà nước có tỷ lệ doanh nghiệp ảnh hưởng thấp nhất. Vấn đề đầu tư công trong 6 tháng đầu năm đã được giải ngân nhanh hơn. Tuy nhiên ông Dương cho rằng, tốc độ giải ngân tăng nhanh vì năm ngoái chúng ta giải ngân chậm chứ không phải là dấu hiệu tích cực của riêng năm nay.

Bên cạnh đó, cán cân xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm giảm 1,1%, trong đó quý 1 tăng 5,7% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại thặng dư 6 tháng đầu năm 2020 là 4 tỷ USD. Theo số liệu của Tổng cục hải quan thì tháng 5 xuất siêu 1 tỷ USD, ông Dương cho rằng sức chống chịu của xuất khẩu là rất tích cực.

Nói về câu chuyện thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2020 FDI giảm 15,1% về vốn đăng ký và 4,9% về vốn thực hiện. Về vấn đề này ông Dương cho rằng “việc sàng lọc nguồn vốn đầu tư FDI là cần thiết. Tuy nhiên đừng nhầm lẫn với việc chúng ta có vị thế để mặc cả. Vấn đề hiện tại mà chúng ta cần giải chú ý đó là duy trì số nhà đầu tư, duy trì số vốn đăng ký. Nếu như chất lượng dòng vốn này kém thì câu chuyện FDI là có hại chứ không có lợi”.

Cũng trong bài phát biểu của mình ông Dương cũng đưa ra một số ý kiến về việc phát huy tinh thần kiến tạo trong bối cảnh bình thường mới. Ông cho rằng trong giai đoạn này chúng ta cần:

Thứ nhất, “bớt sợ trách nhiệm”- khó có thể giải ngân hết đầu tư công nhưng không thể nhanh hơn nếu không khơi thông được trách nhiệm.

Thứ hai, “bớt sốt ruột” – hỗ trợ tài khóa, tiền tệ là cần thiết nhưng đừng vội vã thực hiện ở quy mô lớn chỉ vì “các nước khác đang làm thế”.

Thứ ba, “bớt dè dặt” - với các vấn đề mới, không thể chờ đến khi tổng hợp được “bài học kinh nghiệm” từ các nước khác.

Thứ tư,“bớt sợ thiếu việc” - vấn đề nằm ở khả năng phản ứng linh hoạt của bộ máy. Cần phải có cách làm mới thích ứng với môi trường mới. Nếu cứng nhắc không phản ứng kịp với tình hình mới thì khả năng thích ứng với tình hình mới là rất khó.

Bản thân tư duy cải cách cần có sự thích ứng. Cải cách phải song hành với tình hình kinh tế làm thế nào để cải cách vừa tạo ra không gian cho hoạt động kinh tế của doanh nghiệp mà vẫn giữ được dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ. Cải cách không chỉ dừng lại ở vấn đề “cắt”, “giảm” mà còn nhiều vấn để hơn thế nữa trong đó chi phí chỉ là một mặt của vấn đề. Tiêu chuẩn và quy chuẩn là yêu cầu để đáp ứng cách chơi mới, ông Dương nhấn mạnh.

Huyền Phạm

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/-4-luu-y-trong-viec-phat-huy-tinh-than-kien-tao-trong-boi-canh-binh-thuong-moi/20200711124422695