4 lưu ý check-in ở triển lãm, không che tranh mà ảnh vẫn đẹp lung linh

Đi xem triển lãm và check-in với tranh thì sao nào? Chẳng sao cả. Nhưng bạn ơi hãy nhớ 4 lưu ý này nhé.

Với giới trẻ ngày nay, phòng tranh hay trung tâm triển lãm nghệ thuật không còn là địa điểm nhàm chán hay "cổ lỗ sĩ". Nhiều người đến đây không chỉ để thưởng lãm giá trị văn hóa của nhân loại, mà còn cho ra đời các bức ảnh đẹp "so deep" với background vừa cổ điển, vừa hiện đại.

Nhiều không gian nghệ thuật hiện nay được thiết kế phù hợp với thị hiếu của giới trẻ như Trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA (Hà Nội), Trung tâm Văn hóa Pháp L'Escape (Hà Nội) hay Trung tâm nghệ thuật đương đại The Facetory (TP.HCM).

Check-in ở triển lãm rồi đăng tải lên mạng xã hội là cách nhiều người chọn để lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ. Tuy nhiên, không gian nghệ thuật không phải của riêng ai, Zing.vn gợi ý 4 cách để vừa có ảnh đẹp, lại không làm phiền người khác thưởng lãm tranh.

Chọn background tương phản với trang phục

Điều đầu tiên bạn nên nhớ khi tới buổi triển lãm là diện trang phục lịch sự, tránh hở hang, gây phản cảm cho người xung quanh. Để cho ra đời bức ảnh trông chuyên nghiệp, trang phục đẹp đóng góp khá lớn.

Khi chọn vị trí check-in, bạn nên lưu ý hai điều: Đầu tiên là không đứng ở chỗ che chắn tầm nhìn người khác, hai là background tương phản với trang phục của mình.

Đứng vào background tương phản với trang phục giúp bạn có bức ảnh ấn tượng hơn. Ảnh: @thachthao25.7, @feng.xuy.

Đứng vào background tương phản với trang phục giúp bạn có bức ảnh ấn tượng hơn. Ảnh: @thachthao25.7, @feng.xuy.

Trong không gian triển lãm có nhiều góc tối, khách tham quan được phép dùng máy ảnh, smartphone nhưng không bật đèn flash. Bởi vậy, nếu quần áo của bạn "ton-sur-ton" với nền phía sau, bạn có thể bị chìm vào bố cục.

Nếu muốn check-in mà không làm phiền đến người khác, chọn thời gian tham quan lúc vắng khách, như từ khoảng 13-15h, là điều bạn cũng nên lưu ý.

Không đứng sát vào tranh, chụp từ phía sau để tạo cảm giác gần hơn

Bạn không cần đứng sát lại gần, như thể muốn ''chiếm trọn" bố cục bức tranh, mới có thể cho ra đời tấm hình check-in đẹp.

Với những người yêu nghệ thuật, việc được thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật một cách trọn vẹn là ưu tiên hàng đầu. Bạn không nên chỉ vì muốn có ảnh đẹp đăng lên mạng mà làm phiền đến việc xem tranh của người khác.

Bạn có thể ngồi trên ghế dành cho khách tham quan, mắt hướng về phía tác phẩm hoặc hướng khác, miễn đảm bảo không che chắn tầm nhìn của ai, rồi nhờ người chụp từ phía sau lưng để tạo cảm giác như giữa bạn và bức tranh không có khoảng cách.

Không nhất thiết phải đứng sát bức tranh mới có ảnh "deep" đăng tải lên mạng. Ảnh: @caokiimchi, @saint319rian, @kukufoxx.

Bạn cũng có thể đứng bên cạnh tác phẩm để tạo sự kết nối giữa con người và nghệ thuật, chứ không nhất thiết phải đứng chắn giữ bức tranh mới là "nghệ".

Chỉ với cách set up đơn giản như vậy, bạn vẫn có bức tranh "so deep" mà không cần đau đầu nghĩ đủ cách tạo dáng. Người yêu nghệ thuật chỉ cần lưu lại khoảnh khắc hòa mình vào tác phẩm, chứ không tìm đủ mọi cách để có được hình ảnh "sống ảo" đâu đúng không?

Chọn góc chụp chéo hay hất từ dưới lên

Cười đùa, nói lớn tiếng trong không gian triển lãm là điều tuyệt đối nên tránh. Trước khi chụp ảnh, bạn nên bàn với người đi cùng về "concept" để không mất nhiều thời gian mà vẫn đạt kết quả như ý.

Việc lựa chọn góc chụp khéo léo sẽ cho ra đời các bức ảnh đẹp. Bạn có thể đứng tập trung nhìn ngắm tranh, tất nhiên, phải đứng cách một khoảng nhất định, "phó nháy" sẽ chụp từ hướng bên tay trái hoặc phải của bạn để tạo chiều sâu.

Nếu muốn mình trông cao hơn, bạn cũng có thể chọn góc chụp hất từ dưới lên.

Góc chụp chéo hay hất từ dưới lên tạo hiệu ứng thú vị cho ảnh check-in. Ảnh: @dang_bao_tram, @windy_yeun, @sunnyiew208, @bintiennguyen.

Chụp tranh bằng sự bình tĩnh, nhẹ nhàng sẽ hiệu quả hơn là ồn ào hay cố tạo dáng gì đó kỳ quặc. Ví dụ như đang có người chụp ảnh cho rồi, bạn không cần giơ điện thoại lên như thể đang "selfie" hay thay vì ngồi lịch sự lại nằm ngả ra ghế ngồi.

Đứng vào những góc không người

Trong lòng trung tâm triển lãm, không gian vốn đã đầy tính nghệ thuật nên bạn không nhất thiết phải chụp ngay sát các bức tranh người ta mới nhận ra bạn đang có mặt ở đó.

Bạn có thể đứng giữa triển lãm, hướng mắt ra xung quanh, hoặc đứng vào góc tường không người cũng đã có ảnh đẹp. Nhiều bạn trẻ áp dụng cách check-in này và đã có ảnh ưng ý đăng lên Facebook.

Bạn có thể đứng giữa triển lãm hay đứng vào góc không người cũng có ảnh đẹp. Ảnh: @thachthao25.7, @thaosn, @giainhan.

Thế mới thấy, check-in ở triển lãm không xấu, quan trọng là bạn đứng ở đâu, khi nào và như thế nào.

Mỗi người khi có nhu cầu chụp ảnh ở không gian nghệ thuật nói riêng hay nơi đám đông nói chung, cần hành xử có ý thức để không làm phiền những người khác, đồng thời không để bị phải định kiến: ''Giới trẻ chỉ biết sống ảo là giỏi''.

"Văn minh" vốn là khái niệm mơ hồ, nhưng có thể thấy rõ, văn minh, chính là "tôn trọng người khác", bao gồm quyền lợi, hành động, suy nghĩ, phát ngôn, không gian.

Bạn không thể nói vì tôi cũng tới đây, "mất tiền mua mâm phải đâm cho thủng", rồi vô tư, thoái mái che chắn tầm nhìn và việc người khác được xem, nhìn, ngắm, thưởng thức nghệ thuật.

Hành xử văn minh hay không chỉ cách nhau 1 chút "cái tâm" và sự nhạy cảm mà thôi!

Thiên Nhi

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/4-luu-y-check-in-o-trien-lam-khong-che-tranh-ma-anh-van-dep-lung-linh-post929356.html