4 lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam dễ bị kiện

Hội nghị đưa ra bức tranh tổng quát về tình hình giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước Việt Nam.

Hội nghị tổng kết và triển khai công tác của Bộ Tư pháp sáng 24-12 tại Hà Nội đưa ra một bức tranh tổng quát về tình hình giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước Việt Nam.

Theo đó, xu hướng phía Việt Nam bị kiện có gia tăng và tranh chấp phát sinh chủ yếu ở bốn lĩnh vực: Đăng ký doanh nghiệp; giao đất và thu hồi đất; thu hồi giấy chứng nhận đầu tư; các nội dung liên quan đến thực hiện thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng, khai khoáng…

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Bạch Quốc An cho biết nhà đầu tư nước ngoài thường bám vào các cam kết của phía Việt Nam để kiện. Chẳng hạn dựa vào nghĩa vụ đối xử quốc gia (NT), đối xử tối huệ quốc (MFN), đối xử công bằng và thỏa đáng (FET), bảo hộ an toàn và đầy đủ (FSP), tước quyền sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp với tài sản của nhà đầu tư.

Nguyên nhân phát sinh tranh chấp thì đến từ hai phía nhưng vấn đề cần lưu ý là phía Việt Nam. Chẳng hạn chính quyền các cấp, cả địa phương và trung ương khi tiến hành quảng bá, xúc tiến đầu tư nhiều khi đưa ra các cam kết, ưu đãi vượt quá quy định của pháp luật. Tới khi nhà đầu tư vào triển khai dự án thì các cam kết ấy gặp vướng.

Trong nhiều trường hợp, nhất là cấp địa phương đã ký thỏa thuận, hợp đồng đầu tư chưa chặt chẽ, sơ hở, dẫn tới nhà đầu tư trục lợi, thậm chí đe dọa kiện.

Việc áp dụng pháp luật không thống nhất giữa cơ quan, cán bộ nhà nước nhiều khi gây phản ứng cho nhà đầu tư, dân tới khiếu nại. Việc giải quyết sau đó chưa đúng trình tự thủ tục, nhà đầu tư không được giải tỏa bức xúc, cũng có thể dẫn tới kiện tụng.

Cũng theo ông An, việc sàng lọc nhà đầu tư chưa tốt cũng dẫn tới cấp phép cho cả những đối tác không thiện chí hoặc có lý lịch đầu tư không lành mạnh, thậm chí từng vi phạm pháp luật ở nước ngoài… Những nhà đầu tư như vậy cũng là rủi ro cho phía Việt Nam.

Rút kinh nghiệm từ các vụ việc đã xảy ra, đang giải quyết, Vụ trưởng Bạch Quốc An cho rằng các cấp, các ngành phải triệt để thực hiện công tác phòng ngừa tranh chấp. Bởi thực tế là cả nhà đầu tư và phía Việt Nam đều cực chẳng đã mới đâm đơn kiện.

Hiện Bộ KH&ĐT đang xây dựng một cơ chế phòng ngừa như vậy nhưng để phát huy hiệu quả cần sự tham gia tích cực, chủ động của UBND các tỉnh, thành.

Một khi đã bị khởi kiện thì cơ quan bị kiện cần tích cực tham gia. Tuyệt đối tránh tâm lý mặc kệ, bởi không tham gia vụ kiện tức là phía Việt Nam từ bỏ quyền tự bảo vệ của mình. Tiến trình tố tụng vẫn được tiến hành và hậu quả pháp lý bất lợi cho phía Việt Nam là có thể xảy ra.

Khi bước vào giải quyết tranh chấp, các cơ quan chủ trì, luật sư đại diện pháp lý, các cơ quan quản lý ở địa phương cần phối hợp chặt chẽ với nhau. Cần tránh hành chính hóa các công việc phục vụ cho quá trình giải quyết tranh chấp, để đảm bảo thời gian, tính kịp thời của phía Việt Nam trước thủ tục trọng tài, tố tụng quốc tế vốn rất chặt chẽ về thời hạn.

983 vụ tranh chấp toàn cầu

Số liệu tại hội nghị LHQ về thương mại và phát triển cho thấy tính đến tháng 8, số vụ tranh chấp giữa chính phủ các nước với nhà đầu tư nước ngoài trên toàn cầu là 983 vụ. Trong đó 647 vụ đã giải quyết xong, 332 vụ đang giải quyết và bốn vụ chưa rõ kết quả. Riêng năm 2018 phát sinh 76 vụ và sáu tháng đầu năm 2019 phát sinh 31 vụ.

Trong 181 vụ mà phán quyết tuyên phía chính phủ phải bồi thường thì 35 vụ có số tiền bồi thường 100-499 triệu USD, bốn vụ 500-999 triệu USD và 14 vụ chính phủ phải bồi thường mức tiền trên 1 tỉ USD. Đình đám nhất là vụ tập đoàn dầu khí - hóa lọc dầu Yukos thắng kiện chính phủ Nga hơn 40 tỉ USD.

Bộ Tư pháp chưa công bố số lượng các vụ kiện mà cơ quan nhà nước, Chính phủ Việt Nam là bên bị kiện.

NGHĨA NHÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/bon-linh-vuc-ma-chinh-phu-viet-nam-de-bi-kien-879518.html