4 giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tâm lý

Từ thực tế triển khai công tác tư vấn tâm lý trong trường phổ thông, nhận diện rõ khó khăn, thách thức, ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ, chia sẻ những giải pháp của địa phương nhằm thực hiện tốt công tác quan trọng này trong trường học.

Khó khăn nhất là đội ngũ làm công tác tư vấn

Học sinh phổ thông đặc biệt, cấp THCS, THPT là lứa tuổi tâm sinh lý đang phát triển, nhận thức các vấn đề trong cuộc sống chưa đầy đủ. Vì vậy, khi đối mặt với các sang chấn tâm lý, căng thẳng trong học tập, quan hệ xã hội, các em dễ có hành vi tiêu cực. Công tác tư vấn tâm lý học đường có vai trò vô cùng quan trọng, hỗ trợ học sinh rèn luyện kỹ năng sống, tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, có thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội và hoàn thiện nhân cách; đồng thời phát hiện, tư vấn giúp học sinh có hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tư vấn tâm lý, ông Nguyễn Minh Tường cho biết, Phú Thọ đã triển khai thành lập và kiện toàn tổ tư vấn tâm lý hỗ trợ học sinh với thành phần gồm đại diện lãnh đạo nhà trường làm tổ trưởng; thành viên là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học, cán bộ, giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội, đại diện cha mẹ học sinh và một số học sinh là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Đội.

Phòng tư vấn tâm lý bố trí phòng riêng hoặc ghép chung với văn phòng Đoàn, Đội hoặc phòng y tế trong trường học tùy vào điều kiện thực tế mỗi nhà trường. Tùy thuộc vào từng cấp học, tổ tư vấn tâm lý xây dựng nội dung tư vấn theo chuyên đề phù hợp với tâm sinh lý cho học sinh; biên soạn các nội dung cần tư vấn cho học sinh thành các bài giảng riêng hoặc tích hợp trong hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp dưới hình thức sân khấu hóa, nói chuyện theo chuyên đề...

Sở GD&ĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch công tác tư vấn tâm lý năm học; xây dựng lịch tư vấn chi tiết từng tuần, tháng, học kỳ, năm học với 2 hình thức tư vấn chính, đó là tư vấn định hướng chung và tư vấn riêng, trực tiếp đến từng đối tượng cần tư vấn, đảm bảo các thông tin tư vấn luôn được giữ bí mật.

“Hàng năm, chúng tôi đều tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán trực tiếp phụ trách công tác tư vấn tâm lý tại nhà trường. Chế độ cho giáo viên kiêm nhiệm làm công tác tư vấn tâm lý được triển khai theo Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/07/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT” - ông Nguyễn Minh Tường cho biết thêm.

Tuy nhiên, nói đến khó khăn trong việc triển khai công tác tư vấn tâm lý tại địa phương, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho rằng, vướng mắc lớn vẫn nằm ở đội ngũ. Đội ngũ làm công tác tư vấn tâm lý là kiêm nhiệm, không có chuyên môn sâu, trong khi đó các tình huống tư vấn đôi khi phát hiện và tư vấn rất phức tạp (chẳng hạn đối với trẻ bị tự kỷ..), đòi hỏi phải có đội ngũ được đào tạo bài bản. Việc có được đội ngũ làm công tác tư vấn phải được đào tạo bài bản, phải có nghệ thuật nói chuyện, phải giữ được uy tín với các em.

4 giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tâm lý

Để thực hiện hiệu quả công tác tư vấn tâm lý, chia sẻ kinh nghiệm của Sở GD&ĐT Phú Thọ, ông Nguyễn Minh Tường nhấn mạnh vai trò của công tác tập huấn đội ngũ. “Chúng tôi luôn thực hiện nghiêm túc việc tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ cho cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp thực hiện công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Gần đây nhất, tháng 8/2018, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ cho 122 giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý cả 3 cấp tiểu học, THCS, THPT của tỉnh” - ông Nguyễn Minh Tường chia sẻ.

Giải pháp thứ 2 được Phú Thọ thực hiện có hiệu quả là tăng cường phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan (cán bộ tư vấn tâm lý tại trung tâm y tế, khoa tâm lý tại bệnh viện hoặc các thầy cô giáo bộ môn Tâm lý của các trường CĐ, ĐH trên địa bàn), tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh trong các nhà trường, chú ý các trường hợp đặc biệt.

Giải pháp thứ 3 là quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho công tác tư vấn, cũng như chế độ chính sách về vật chất, tinh thần cho cán bộ, giáo viên chủ nhiệm và số người làm cộng tác viên. Nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động mô hình ta vấn tâm lý ở các trường phổ thông.

Cuối cùng, phối hợp với Sở LĐ, TB&XH làm tốt hơn nữa công tác tư vấn hướng nghiệp; thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường lao động cần thiết cho các trường làm đầu mối cho các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ tham vấn học đường về hướng nghiệp. Xây dựng cổng thông tin kết nối với các trường THCS, THPT với các doanh nghiệp, các trường ĐH, CĐ, trường nghề.

Được biết, mỗi năm có khoảng 12,7 triệu tấn rác thải nhựa được đổ xuống biển, tương đương mỗi phút trôi qua có lượng rác thải nhựa đổ xuống biển tương đương với 1 xe tải và lượng rác thải nhựa trên biển đủ để xếp vòng quanh trái đất 400 lần! Với đặc tính bền vững, rác thải nhựa phải mất 450 – 1000 năm mới phân hủy được và Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia thải nhựa ra môi trường nhiều nhất – 8 triệu tấn/năm. Ô nhiễm chất thải nhựa đã thực sự trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng và xã hội trên phạm vi toàn cầu.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/4-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-tu-van-tam-ly-3957358-b.html