4 đứa con chết không lý do, người mẹ buộc ngồi tù vì tội giết người nhưng sự thật sau đó mới gây choáng

Lần lượt 4 đứa con nhỏ qua đời không rõ lý do đẩy người mẹ vào sự nghi ngờ của tòa án. Cô phải ngồi 30 năm dù không có bằng chứng rõ ràng cho thấy đây là một tội ác.

Kathleen Folbigg ngồi tù 18 năm qua vì tội ác kinh khủng: giết cả 4 đứa con của mình. Nhưng bằng chứng khoa học mới cho thấy đó không phải là điều thực sự đã xảy ra. Thử nghiệm gen cho thấy ít nhất hai trong số những đứa trẻ của Folbigg có khả năng chết do một đột biến gen chưa được phát hiện trước đó dẫn đến các biến chứng về tim. Điều này đồng nghĩa là Folbigg có thể đã bị bỏ tù oan trong gần hai thập kỷ.

Phát hiện này đã khiến 90 nhà khoa học - trong đó có hai người Úc đoạt giải Nobel - yêu cầu thống đốc bang New South Wales ân xá cho Folbigg và để cô được tự do. Nếu điều này xảy ra, câu chuyện của Folbigg sẽ là một trong những vụ án oan sai tồi tệ nhất lịch sử nước Úc.

Trong khi các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu về nguyên nhân của hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) - một thuật ngữ chung để chỉ trường hợp trẻ nhỏ chết bất ngờ không rõ nguyên nhân - những phát hiện trong trường hợp của Folbigg có thể giúp các phụ huynh đang đau buồn trước sự ra đi bất ngờ của con mình hiểu thêm lý do.

Cuộc đời bi kịch từ nhỏ

Ngay từ những năm tháng đầu, cuộc đời của Folbigg đã đầy những bi kịch. Năm 18 tháng tuổi, cha của Folbigg đâm chết mẹ và phải ngồi tù 15 năm vì tội giết người trước khi bị trục xuất sang Anh. Theo một cuộc điều tra năm 2019 về bản án của Folbigg, người mẹ này từng là một đứa trẻ hay gây rối với các vấn đề về hành vi - điều có thể do ảnh hưởng từ việc bị cha lạm dụng ngày nhỏ. Cuối những năm 1980, Folbigg kết hôn với Craig Folbigg sau lần gặp tại một vũ trường ở thành phố Newcastle của Úc. Họ chào đón đứa con đầu lòng khi cô 21 tuổi. Cậu bé tên là Caleb.

Kathleen Folbigg rời Tòa án Maitland sau khi bị từ chối bảo lãnh vào ngày 22/3/ 2004.

Kathleen Folbigg rời Tòa án Maitland sau khi bị từ chối bảo lãnh vào ngày 22/3/ 2004.

"(Cô ấy) nói bản thân cảm thấy hài lòng, với một người chồng, ngôi nhà và một đứa con", cuộc điều tra từng tiết lộ. Khi mới 19 ngày tuổi, Caleb qua đời. Nguyên nhân cái chết được đưa ra là SIDS - về cơ bản, không có bằng chứng về bất kỳ nguyên nhân nào khác.

Folbigg sớm mang thai lần nữa, và vào năm 1990, cô có thêm một cậu con trai tên là Patrick. Các xét nghiệm cho thấy cậu bé bình thường và khỏe mạnh. Nhưng khi được 4 tháng, cậu bé mắc chứng ALTE (một sự kiện đe dọa đến mạng sống rõ ràng) khiến bé bị tổn thương não và co giật. Bốn tháng sau, Patrick qua đời sau cơn động kinh. Đứa con thứ ba của Folbigg qua đời khi 10 tháng tuổi, với nguyên nhân được chẩn đoán là do SIDS. Khi con gái thứ 4 của cô, Laura, qua đời vào ngày 1/3/1999, cảnh sát bắt đầu vào cuộc điều tra.

Trải qua biến cố khi những đứa con lần lượt ra đi, cuộc hôn nhân của cặp đôi này tan vỡ. Sau khi Folbigg rời đi, chồng cô là đã tìm thấy nhật ký của vợ và đọc được thông tin khiến anh ta "cảm thấy kinh khủng". Chồng của Folbigg đưa cuốn nhật ký này cho cảnh sát vào ngày 19/5/1999.

Ngày 19/4/2001, Folbigg bị bắt và bị cáo buộc với 4 tội danh giết người. Người bạn thân nhất thời thơ ấu của cô, Tracy Chapman, miêu tả Folbigg là "một người yêu động vật" và là một "người mẹ thực sự tốt".

Tuy nhiên, trong phiên tòa xét xử năm 2003, bên công tố cho rằng Folbigg đã bóp ngạt chết các con của cô. Không có bằng chứng pháp y thuyết phục nào được đưa ra khi đó. Các công tố viên chỉ ra điều trên dựa vào một câu nói được bác sĩ nhi khoa người Anh Roy Meadow đưa ra: "Việc một trẻ sơ sinh đột tử có thể là do thảm kịch, hai là do sự nghi ngờ và ba là do giết hại cho đến khi điều ngược lại được chứng minh". Công tố viên so sánh so sánh khả năng những đứa trẻ chết vì nguyên nhân tự nhiên là "điều không tưởng".

"Chưa bao giờ trong lịch sử y học, các chuyên gia của chúng tôi lại gặp trường hợp nào như thế này. Thật phi lý. Đó không phải là một nghi ngờ hợp lý. Đó là một điều viển vông và tất nhiên là không xảy ra", công tố viên nói với bồi thẩm đoàn trong phiên tòa năm 2003.

Bên công tố chỉ ra những câu chữ trong cuốn nhật ký của Folbigg mà họ cho rằng đó là sự nhận tội ảo. "Tôi cảm thấy mình là người mẹ tồi tệ nhất trên trái đất này, sợ hãi rằng (Laura) sẽ rời bỏ tôi bây giờ, giống như Sarah đã làm. Tôi biết tôi đôi khi nóng tính và tàn nhẫn với con bé và con bé đã rời đi", Folbigg viết. "Nó không thể xảy ra một lần nữa. Tôi xấu hổ về bản thân. Tôi không thể nói với (chồng tôi) về điều đó vì anh ấy sẽ lo lắng".

Người chồng Craig Folbigg trả lời truyền thông bên ngoài Tòa án Tối cao vào ngày 21/5/2001.

Folbigg không nhận tội, không có động cơ rõ ràng, và không ai khẳng định đã nhìn thấy người mẹ này giết con mình. Nhưng bồi thẩm đoàn đã kết tội Folbigg liên quan việc giết ba đứa trẻ và ngộ sát một bé. Folbigg cuối cùng bị kết án 30 năm tù với thời hạn không ân xá là 25 năm. Vào thời điểm đủ điều kiện để được ân xá, Folbigg 60 tuổi.

Cuộc chiến minh oan cho người mẹ

Thuật ngữ SIDS được đưa ra vào năm 1969 như một cách để phân loại những điều không thể giải thích được. Vào những năm 1980, các trường hợp có thể đã được xếp vào loại giết người trong quá khứ được cho là do SIDS, nhà nghiên cứu bệnh học nhi Anh John L. Emery ghi nhận trong một bài báo năm 1985. Vào những năm 1990, các nhà khoa học đã phát triển một mô hình chứng minh một loạt các yếu tố dẫn đến SIDS, bao gồm tiếp xúc với khói thuốc và tư thế ngủ.

Tuy nhiên, trong hai thập kỷ qua, ngày càng có nhiều thông tin về các yếu tố di truyền liên quan tới SIDS . Một trong những nghiên cứu đầu tiên về vấn đề này được đưa ra vào năm 2001, khi bác sĩ tim mạch nhi khoa Michael Ackerman và một nhóm các nhà khoa học tìm sự liên kết của một đột biến trong gen SCN5A với SIDS.

Như vậy, các bác sĩ phát hiện ra các biến thể di truyền trong hơn 30 gen khác nhau có liên quan đến SIDS và đột tử không mong muốn ở trẻ em (SUDC) - một thuật ngữ chỉ trẻ em chết khi được hơn một tuổi. Các nghiên cứu hiện nay chỉ ra rằng có đến 35% các trường hợp SIDS có thể được giải thích bởi các yếu tố di truyền, mặc dù nguyên nhân của phần lớn các trường hợp vẫn chưa rõ ràng.

Năm 2015, thời hạn kháng cáo đã hết, các luật sư của Folbigg đệ trình một bản kiến nghị lên thống đốc bang New South Wales, yêu cầu ông chỉ đạo một cuộc điều tra về những cáo buộc nhằm vào thân chủ của họ. Theo các luật sư, những thông tin ngày càng nhiều về SIDS cho thấy các cáo buộc nhằm vào Folbigg là đáng nghi ngờ. Nếu cựu chánh án Tòa án quận NSW, Reginald Blanch, người đứng đầu cuộc điều tra, đồng ý, ông có thể chuyển vụ việc trở lại Tòa phúc thẩm hình sự.

Kathleen Folbigg lại bị thẩm vấn về cái chết của 4 đứa con trong cuộc điều tra vào năm 2019.

Trong khuôn khổ cuộc điều tra mới, nhóm pháp lý của Folbigg đã tiếp cận với Giáo sư Carola Vinuesa, đồng giám đốc Trung tâm Miễn dịch học Cá nhân hóa tại Đại học Quốc gia Úc, để yêu cầu bà giải trình tự bộ gen của trẻ em để xem liệu có một đột biến gen nào có thể gây ra SIDS .

Có cơ hội - mặc dù đó có thể chỉ là sự phỏng đoán - rằng (Folbigg) đang mang một thứ gì đó có thể được truyền lại cho lũ trẻ", bà Vinuesa nói. "Theo hiểu biết của tôi, đây là trường hợp đầu tiên một tòa án (hay bất cứ nơi nào trên thế giới) sử dụng toàn bộ trình tự bộ gen để tìm bằng chứng về nguyên nhân cái chết".

Trong quá trình điều tra, Vinuesa và nhóm của bà đã giải trình tự bộ gen của Folbigg và tìm thấy một biến thể chưa được báo cáo trước đây trong gen CALM2 kiểm soát cách vận chuyển canxi vào và ra khỏi tế bào tim. Nghiên cứu phát hiện ra các biến thể trong gen CALM 2 có thể gây ra các vấn đề về tim ở trẻ nhỏ, có nghĩa là chúng là một trong những nguyên nhân rõ nhất gây ra SIDS và SUDC.

Khi giải trình tự bộ gen của cả 4 đứa trẻ, họ nhận thấy cả hai cô con gái của Folbigg đều mang đột biến CALM2 giống mẹ chúng. Sau khi cuộc điều tra kết thúc, nhiều bằng chứng được đưa ra, khiến Vinuesa và nhóm của bà viết thư cho thẩm phán để thông báo, có khả năng các con gái của Folbigg chết do biến thể. Mặc dù có phát hiện mới, thẩm phán Blanch quyết định không mở lại cuộc điều tra. Sau khi xem xét tất cả các bằng chứng - bao gồm cả nhật ký -, Blanch nói rằng ông vẫn giữ quan điểm Folbigg đã làm ngạt Sarah và Laura.

Những tình tiết mới

Tháng 11 năm ngoái, các nhà khoa học công bố nhiều bằng chứng thuyết phục hơn. Được dẫn dắt bởi giáo sư người Đan Mạch Michael Toft Overgaard, một nhóm chuyên gia của hơn 6 quốc gia đã tìm thấy biến thể CALM2 ở Folbigg và hai cô gái của cô có thể gây bệnh - giống như các biến thể CALM2 khác.

Họ kết luận biến thể này đã làm thay đổi nhịp tim của các bé gái, khiến chúng dễ mắc các bệnh về tim - đặc biệt là khi sử dụng thuốc. Trước khi tử vong, Sarah đang dùng thuốc kháng sinh để trị ho, trong khi Laura được điều trị bằng paracetamol và pseudoephedrine vì nhiễm trùng đường hô hấp. Laura bị viêm cơ tim khi tử vong.

Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 11/2020 trên tạp chí y tế EP Europace, các nhà nghiên cứu lý giải: “Chúng tôi cho rằng biến thể này (CALM2) có khả năng dẫn đến cái chết tự nhiên của hai bé gái".

Còn với hai con trai của Folbigg, các nhà khoa học tìm thấy những biến thể khác: BSN, còn được gọi là Bassoon - một biến thể thừa hưởng từ mẹ và biến thể còn lại có thể từ cha.

Khi cả hai bản sao của gen BSN bị lỗi ở chuột, nó có thể khiến chúng chết từ lúc nhỏ trong các cơn động kinh. Các nhà khoa học vẫn đang điều tra xem liệu biến thể này có thể gây ra cái chết của hai cậu bé hay không. Bé Patrick đã trải qua những cơn động kinh trước khi chết.

Được biết, hiện chỉ 75 người trên thế giới mang đột biến gen CALM1, CALM2 hoặc CALM3 đã được chứng minh là có thể gây tử vong ở trẻ em. Tuy nhiên, trong khi các đột biến gen gây ra SIDS có thể hiếm gặp trong dân số nói chung, một khi cha hoặc mẹ có đột biến gen thì khả năng cao là họ sẽ truyền cho con cái, theo giáo sư Vinuesa.

Vinuesa cho biết vụ án cho thấy trái ngược với những gì đã được đề xuất tại phiên tòa. “Các bệnh lý đã cho chúng tôi biết có những nguyên nhân khác nhau", Vinuesa nói.

Vào năm 2019, thẩm phán Blanch cho biết sau khi thu thập tất cả bằng chứng, ông vẫn tin rằng Kathleen Folbigg đã làm ngạt Sarah và Laura.

Nghiên cứu vẫn chưa khiến Folbigg được tự do, nhưng nó đã tác động tới nhiều bên liên quan.

Các luật sư của Folbigg đã kiện lên Tòa án phúc thẩm New South Wales, lập luận rằng ủy viên của cuộc điều tra năm 2019 đã áp dụng sai luật cho các quyết định của mình. Những phát hiện về bộ gen cũng thúc đẩy một bản kiến nghị với hơn 90 chữ ký gửi đến thống đốc bang New South Wales vào đầu tháng này.

"Điều đáng lo ngại sâu sắc là bằng chứng y tế và khoa học đã bị bỏ qua, thay vào đó là những giả thiết tình huống. Giờ đây, chúng tôi có một lời giải thích thay thế cho cái chết của những đứa trẻ của cô Folbigg", Giáo sư Fiona Stanley, người được công nhận về những công trình chăm sóc sức khỏe trẻ em, cho biết trong một tuyên bố tại thời điểm kiến nghị.

Người phát ngôn của Thống đốc Margaret Beazley cho biết tổng chưởng lý của tiểu bang đang xem xét đơn thỉnh cầu và sẽ tư vấn cho bà. Theo Bộ Cộng đồng và Tư pháp của New South Wales, rất ít người từng được tiểu bang ân xá. Ngay cả khi Folbigg được trả tự do, cuộc chiến pháp lý của cô có thể vẫn chưa kết thúc. Cô sẽ cần phải đến Tòa án phúc thẩm hình sự để lật lại lời kết tội - và lại là một vấn đề pháp lý khác nếu bà mẹ này muốn được bồi thường cho những năm cô ở trong tù.

Trường hợp của Folbigg là một phần của bức tranh lớn hơn - sự hiểu biết ngày càng tăng về SIDS - làm thay đổi về ý nghĩa của nhiều trường hợp tử vong trong một gia đình và sự chỉ trích rộng rãi hơn về việc áp dụng khoa học trong phòng xử án.

Trong một vụ việc tương tự với Folbigg, người phụ nữ Úc Carol Matthey bị buộc tội giết 4 đứa con của mình từ năm 1998 đến năm 2003, nhưng vụ án chống lại cô ấy đã bị hủy do thiếu bằng chứng.

Những câu trả lời về di truyền

Những tiến bộ trong thử nghiệm di truyền - bao gồm cả những phát hiện trong trường hợp của Folbigg - cũng có thể giúp đưa ra câu trả lời cho những người khác đối phó với cái chết không rõ nguyên nhân của con họ. Giáo sư Vinuesa cho biết, khả năng trong vài năm tới, những gia đình khác từng trải qua SIDS sẽ phát hiện ra một đột biến gen là nguyên nhân đằng sau những cái chết trong gia đình họ.

"Trong hầu hết các gia đình từng có người tử vong do SIDS, chưa ai quay lại và giải mã bộ gen của những đứa trẻ", nữ giáo sư nói. "Khi khám nghiệm tử thi phân tử trở nên phổ biến hơn, sẽ có nhiều giải thích di truyền hơn cho những cái chết không rõ nguyên nhân. Điều đó có thể giúp các gia đình tìm kiếm câu trả lời. Nhiều gia đình sống trong cảnh sợ hãi, vì họ đã có từ hai con trở lên chết và họ lo lắng rằng một ngày nào đó sẽ bị cảnh sát gõ cửa điều tra. Bây giờ chúng ta biết rằng khi bạn mắc một tình trạng di truyền ... điều này không phải là hiếm".

Song Long

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/the-gioi/giai-ma-gen-minh-oan-nguoi-phu-nu-bi-ket-toi-giet-4-dua-con-202103221608219731.html