4 Dự án đường sắt đô thị đang triển khai tại Hà Nội đều gặp khó

Theo quy hoạch, trên địa bàn Hà Nội có 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài hơn 400km. Hiện đang triển khai 4 dự án nhưng đều gặp khó khăn, trục trặc.

Phối cảnh cửa lên xuống số 1 nhà ga ngầm C9

Dư luận bức xúc

4 Dự án đường sắt đô thị đang triển khai đầu tư đã nhiều lần điều chỉnh tiến độ, trong đó, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông là "nổi tiếng" nhất. Mặc dù Hà Nội đã tích cực thực hiện công tác chuẩn bị tiếp nhận vận hành khai thác nhưng Dự án có nhiều vướng mắc, bị chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện gây bức xúc trong dư luận.

Với Dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 3) đoạn Nhổn - ga Hà Nội, được Phó Thủ tướng Trịnh đình Dũng đánh giá cao nỗ lực của Thành phố thúc đẩy tiến độ Dự án. Nhưng do Dự án phải điều chỉnh; vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xem xét, xử lý, trình cấp có thẩm quyền gia hạn, bổ sung hiệp định vay kịp thời và theo đúng quy định pháp luật.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xem xét bố trí vốn năm 2019 và những năm tiếp theo, xử lý kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc bổ sung kế hoạch vốn ODA cho Dự án theo đúng quy định. Bộ Xây dựng sớm hướng dẫn chủ đầu tư một số vấn đề liên quan đến hợp đồng, công tác nghiệm thu bàn giao.

Ý kiến trái chiều

Với Dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 2) đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, gặp khó khăn khi Hà Nội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến khác nhau về vị trí đặt ga C9.

Hà Nội giữ nguyên quan điểm đặt ga ngầm C9 dưới đường Đinh Tiên Hoàng và một phần vào vườn hoa, cách hồ Gươm 10 mét, cách Tháp Bút 36 mét. Trong khi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị tịnh tiến ga C9 về phía lòng đường Đinh Tiên Hoàng.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, UBND thành phố Hà Nội khẳng định phương án của Hà Nội là "tối ưu" vì ga nằm ở vị trí rộng nhất của bờ hồ, không gây lún và các tác động khác khi thi công xây dựng, vận hành khai thác. Còn Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trong văn bản mới nhất ngày 3/10 cảnh báo phương án của Hà Nội vi phạm Luật Di sản Văn hóa.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp khẩn trương có ý kiến bằng văn bản về phương án thiết kế, thi công ga ngầm C9 để UBND thành phố Hà Nội hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Với Dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) Yên Viên - Ngọc Hồi, sắp tới Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ chủ trì họp về kế hoạch thực hiện và trình tự, thủ tục điều chỉnh Dự án.

Đông Triều

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/4-du-an-duong-sat-do-thi-dang-trien-khai-tai-ha-noi-deu-gap-kho-66093.htm