4 điều thú vị ít người biết về công nghệ V.A.R đang 'gây bão' tại World Cup 2018

Không phải ngẫu nhiên mà người ta lại gọi kì World Cup 2018 tại Nga là một giải đấu của công nghệ.

Trong những ngày đầu trái bóng Telstar 18 lăn tại Nga, công nghệ V.A.R (Video Assistant Referee, tạm dịch: trợ lý trọng tài thông qua video) đang được nhắc đến và gây tranh cãi khá nhiều.

Một số người cho rằng áp dụng V.A.R tại World Cup đang mang đến những tác động tích cực bởi nó đảm bảo tính công bằng của giải đấu, đề cao tinh thần fair-play. Tuy nhiên, không ít người lại chia sẻ những thứ công nghệ như thế này sẽ giết chết cảm xúc trong bóng đá.

Dẫu sao đi chăng nữa, V.A.R vẫn sẽ được áp dụng tại World Cup 2018 và sẽ còn tiếp tục là một nhân tố sẽ ảnh hưởng đến kết quả và cục diện của không ít trận đấu.

Vậy bạn đã biết 4 sự thật thú vị về V.A.R dưới đây chưa?

World Cup 2018 đánh dấu lần đầu tiên công nghệ V.A.R được áp dụng tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, thực tế, công nghệ này không mới. Người hâm mộ có thể tìm thấy sự hiện diện của V.A.R tại nhiều giải đấu lớn như Series A (Ý), Bundesloga (Đức), Major League Soccer (Mỹ), Primera Liga (Bồ Đào Nha), K League (Hàn Quốc) và A-League (Úc). Hà Lan và Bỉ cũng sử dụng công nghệ này trong một số trận đấu quan trọng trong khi đó Hà Lan cũng áp dụng V.A.R trong các trận đấu tranh cúp. Trong mùa hè năm 2017, V.A.R cũng được dùng tại Cúp Liên đoàn các Châu Lục và World Cup U20.

Theo The Guardian, tại Anh, V.A.R đã được sử dụng tại một số trận đấu trong khuôn khổ FA Cup và các trận từ tứ kết trở đi của giải Carabao Cup.

Trong một cuộc họp diễn ra tại Bogotá, Colombia vào trung tuần tháng 3 năm nay, FIFA đã bật đèn xanh cho công nghệ này ở World Cup 2018 và thực tế thì công nghệ này đã chính thức được áp dụng tại Nga.

Theo thông tin chính thức được đăng tải trên website của FIFA, nhóm V.A.R tại World Cup 2018 sẽ bao gồm trợ lý trọng tài thông qua video (V.A.R) cùng ba trợ lý của ông là AVAR1, AVAR 2 và AVAR3.

Mặc dù không ra sân nhưng nhóm trọng tại V.A.R đều được yêu cầu mặc trang phục như của trọng tài trên sân trong thời gian tác nghiệp. “Các trọng tài qua video sẽ ngồi trước màn hình TV và cũng đổ mồ hôi vì áp lực. Họ không thể đến đó như một thư kí với áo sơ mi, cà vạt và áo vest được,” ông Pierluigi Collina, trưởng ban trọng tài FIFA chia sẻ.

“Họ sẽ đảm nhận một công việc cực kì căng thẳng và vì thế chúng tôi muốn họ cũng mặc đồ chính thức,” ông nói thêm.

Nhóm V.A.R sẽ được truy xuất thông tin từ 33 camera khác nhau, 8 trong số đó là các camera quay chậm và 6 trong số đó là các camera quay siêu chậm. Nhóm này sẽ chỉ liên hệ với trọng tài chính trên sân khi có các tình huống lỗi rõ ràng, nghiêm trọng đã bị bắt sót hoặc khi trọng tài chính trên sân chủ động ra hiệu tham khảo video từ nhóm V.A.R..

Nhóm V.A.R sẽ hỗ trợ trọng tài trên sân từ một phòng vận hành video tập trung gọi là VOR được đặt ở Trung tâm Truyền thông Quốc tế IBC ở Moscow. Tất cả các luồng thông tin camera có liên quan sẽ được chuyển từ 12 sân vận động World Cup tới V.AR. thông qua hệ thống cáp quang. Trọng tài trên sân và VAR sẽ liên lạc với nhau bằng một thiết bị audio kết nối bằng cáp quang.

T. Sơn

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/cong-nghe/4-dieu-thu-vi-it-nguoi-biet-ve-cong-nghe-v-a-r-dang-gay-bao-tai-world-cup-2018-3038638.html