4 chuyện lớn chi phối cục diện thế giới thời gian tới

Thượng đỉnh G20 Argentina cho thấy, quan hệ Nga-Mỹ không có cải thiện, trong khi đó, Bắc Kinh đã phải xuống thang trước Washington.

Thượng đỉnh G20: Nga hài lòng nhưng chưa mãn ý

Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Argentina trong mấy ngày qua đã thông qua tuyên bố chung. Tuy nhiên hầu hết những ‘góc nhọn’ (những vấn đề gai góc trên trường quốc tế) trong văn kiện này đều đã được mài cho mềm mại đi.

Trong quá trình chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh và trong quá trình thảo luận, các vấn đề được tập trung chú ý nhất là chuyển đổi kỹ thuật số, sự bùng nổ của chủ nghĩa bảo hộ, thậm chí đến mức chiến tranh thương mại, vấn đề nợ quốc gia của nhiều nước, số phận của hệ thống thương mại tự do đa phương và nhiều vấn đề khác.

Ngoài ra, vấn đề độ tin cậy của đồng tiền dự trữ, lệnh trừng phạt, việc áp dụng các loại thuế quan khác nhau cũng được đề cập tới.

Nga đã lên tiếng bày tỏ sự nghi ngờ về năng lực làm việc của định dạng G20, vì Moscow cho rằng, phương Tây không sẵn sàng thảo luận các quy tắc toàn cầu trên cơ sở bình đẳng giữa các cường quốc trên thế giới và xu hướng và hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia.

Theo giới phân tích quốc tế, Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina mặc dù đã ra được tuyên bố chung và được coi là “thành công”, nhưng những vấn đề bên lề của nó mới là những điều được giới phân tích quan tâm lưu ý.

Sau đây là 4 vấn đề lớn nổi lên trong Hội nghị thượng đỉnh G20, sẽ tiếp tục chi phối đến cục diện chính trị, kinh tế của thế giới trong thời gian tới.

Hội nghị thượng đỉnh G20 2018 ở Argentina được coi là thành công và đã ra được tuyên bố chung

Mỹ lạc lõng giữa các đồng minh và đối thủ

Ông Boris Mezhuyev, tổng biên tập trang web Politanalytic ngày 02/12 đã nhận định về sự lạc lõng của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Argentina.

Theo ông, chương trình nghị sự của ông chủ Nhà Trắng đã không nhận được sự đồng tình ủng hộ tại hội nghị thượng đỉnh G20, ông Trumg đã bị cô lập.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không tổ chức họp báo, bỏ dở chương trình sự kiện của mình để bay về Mỹ dự lễ tang cựu Tổng thống George Bush (cha). Tuy nhiên, ông Boris Mezhuyev không ngoại trừ khả năng ông Trump đã rời diễn đàn này không chỉ vì đám tang, mà còn vì chương trình nghị sự của ông không nhận được sự đồng tình ủng hộ từ phía các nước khác.

"Trump cảm thấy phần nào bị cô đơn không chỉ giữa các quốc gia đồng minh châu Âu, mà cả giữa các nước được coi là bạn bè ở châu Á. Chính tại hội nghị thượng đỉnh này, nhà lãnh đạo Mỹ đã có cảm giác rõ ràng về sự tách biệt của Mỹ đối với thế giới" - nhà khoa học chính trị giải thích.

Theo ông, G-20 được tổ chức chủ yếu bởi Hoa Kỳ và một khi người được coi là “Nhà lãnh đạo thế giới” bị cô lập, điều này cho thấy Mỹ đang mất dẫn vai trò thống trị thế giới, không có đủ khả năng kết nối các đồng minh và thu hút các nước đang phát triển theo quỹ đạo của Mỹ.

Thượng đỉnh G20 hay tập hợp của các cuộc Hội đàm song phương?

Ông Boris Mezhuyev, tổng biên tập trang web Politanalytic nhận định rằng, Hội nghị G20 ở Argentina năm nay không còn đúng nghĩa là Hội nghị thượng đỉnh của các nguyên thủ quốc gia “Nhóm các nền kinh tế lớn” (20 nền kinh tế lớn, gồm 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất và Liên minh châu Âu - EU).

“Theo cách nhìn nhận của tôi thì hội nghị thượng đỉnh không thành công. Hầu như không ai chú ý đến hội nghị thượng đỉnh, mọi người chỉ chú ý đến các cuộc họp song phương giữa các vị lãnh đạo - trước hết là các nhà lãnh đạo Nga và Mỹ hoặc Nga với Trung Quốc” - vị chuyên gia nói.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/4-chuyen-lon-chi-phoi-cuc-dien-the-gioi-thoi-gian-toi-3370372/