4 cách giúp mẹ cho con ăn dặm kiểu Nhật rảnh rang

Ăn dặm là bước chuyển lớn từ chế độ ăn hoàn toàn bằng sữa sang làm quen với thực phẩm mới lạ. Đây là giai đoạn quan trọng của bé để hoàn thiện hệ thống tiêu hóa, phát triển trí não và tầm vóc cơ thể.

Rất nhiều cha mẹ lúng túng trong việc nên bắt đầu cho bé ăn dặm từ khi nào? Cách cho trẻ ăn dặm kiểu Nhật như thế nào? Hãy cùng tham khảo những thông tin dưới đây để có kế hoạch cho trẻ ăn dặm khoa học tốt cho sự phát triển của con sau này.

1. Nên cho bé ăn dặm từ tháng tuổi nào?

Ở Việt Nam, cách đây vài thập kỷ, việc cho trẻ ăn nước cơm, nước đường, mật ong là chuyện không phải hiếm (nhất là khi mẹ chưa có sữa về hoặc sữa mẹ không đủ bú). Khi đến khoảng 2-3 tháng tuổi là các mẹ bắt đầu chính thức cho bé ăn bột như một bữa ăn chính. Việc cho trẻ ăn dặm quá sớm sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hệ tiêu hóa còn non nớt của bé mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện ở trẻ.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, nên cho bé bắt đầu ăn dặm từ khoảng 6 tháng tuổi. Khi nhu cầu dinh dưỡng của bé tăng lên, mẹ cần chuẩn bị hành trang cho bé bắt đầu ăn dặm là phù hợp. Tuy nhiên ở giai đoạn đầu này, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chủ yếu. Ăn dặm là để cho bé bắt đầu làm quen với thức ăn ngoài, cảm nhận mùi vị thực phẩm.

Khuyến cáo là vậy nhưng mỗi bé sẽ có tốc độ phát triển khác nhau. Nhiều bé đã có biểu hiện của việc sẵn sàng ăn dặm từ 4-5 tháng tuổi. Mẹ có thể tham khảo thêm dấu hiệu sau đây để biết chính xác thời điểm con sẵn sàng cho một bước chuyển mới.

2. Những dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng ăn dặm?

- Sau khi bú no sữa, em bé của bạn vẫn còn khóc và đòi bú thêm.

- Em bé có vẻ không muốn đợi đến lần bú kế tiếp và trở nên cáu kỉnh hoặc mút tay.

- Trước đây em bé của bạn ngủ suốt đêm, bây giờ thì bé lại thức dậy đòi bú.

- Những giấc ngủ ban ngày cũng trở nên thất thường, ngủ không yên hoặc thức dậy sớm sau khi ngủ chợp mắt.

- Em bé của bạn trông rất hứng khởi khi bạn ăn, và dường như muốn đưa tay với lấy thức ăn mà bạn đang cầm.

- Bé có thể giữ thẳng đầu. Nghĩa là khi mẹ đặt bé ngồi vào ghế ăn, bé đã có thể ngồi vững và tự giữ thẳng đầu.

3. Cho trẻ ăn dặm kiểu Nhật như thế nào?

Hiện nay phương pháp ăn dặm kiểu Nhật đang được đông đảo các bà mẹ Việt áp dụng. Bởi đây là phương pháp có nhiều ưu điểm rất phù hợp với cơ địa của các em bé Việt Nam và tốt cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Phương pháp này ưu tiên việc cho bé có thời gian làm quen với từng vị thức ăn cũng từ đó bố mẹ định hình sở thích ăn uống của bé. Bé được tập ăn thô để tạo phản xạ nhai và nuốt cho bé ở các giai đoạn khác nhau.

Chính vì mục đích đó, ban đầu bạn có thể cho bé ăn thô bằng các loại thức ăn mềm, dễ nuốt và cũng dễ tiêu như gạo, rau, củ, quả… Quan sát phản ứng của con qua mỗi lần cho ăn và tăng dần mức độ thô của thức ăn. Tiếp theo sẽ đến bước trộn cháo, nhằm tập cho bé ăn cháo có độ thô hơn, mẹ hãy trộn một lượng cháo xay rối nhỏ vào cháo nhuyễn của bé và tăng mức độ lên dần. Chú ý tăng độ thô thật chậm để hạn chế tình trạng bé bị nôn do chưa quen. Đích đến của bé là ăn được cháo nguyên hạt hầm nhừ, rau xay và thịt bằm nhuyễn khi được 9 tháng tuổi.

Khuyến cáo dành cho các mẹ là tuyệt đối không được nêm nếm các loại gia vị muối, mắm, bột canh, bột ngọt… sẽ gây hại thận cho bé. Tốt nhất nên sử dụng các loại gia vị chuyên dụng để kích thích vị giác của bé, giúp bé ăn ngon miệng hơn.

4. Mẹ không có thời gian có thể áp dụng ăn dặm kiểu Nhật được không?

Ăn dặm kiểu Nhật khi bé đi làm là mối quan tâm của nhiều bố mẹ. Với quỹ thời gian hạn hẹp, liệu bố mẹ có thể áp dụng được phương pháp này trọn vẹn hay không. Câu trả lời là hoàn toàn có thể nếu mẹ biết cách sắp xếp thời gian và lựa chọn các loại cháo ăn dặm Nhật có sẵn hỗ trợ mẹ.

Mẹ có thể lên thực đơn cho bé cả tuần sau đó chế biến sẵn vào ngày rảnh rỗi, cấp đông và sau đó mỗi bữa ăn dặm mang ra nấu lại là có ngay món ăn dặm cho bé.

Quang Vũ

Theo: ttvn.vn

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus.vn/nuoi-con/4-cach-giup-me-cho-con-an-dam-kieu-nhat-ranh-rang-22947.html