4 cách bảo quản chanh đào để dùng quanh năm

Vỏ mỏng, ruột hồng, mọng nước, quả chanh đào là vị thuốc quý phòng và chữa nhiều bệnh thông thường trong gia đình. Mùa chanh đào thường bắt đầu từ khoảng tháng 8 và kéo dài đến tháng 11. Tham khảo 5 cách bảo quản sau đây, bạn có thể sử dụng quả chanh đào được quanh năm.

Chanh đào là một loại quả thuộc họ chanh, lớp vỏ có màu xanh nhạt, mỏng hơn quả chanh bình thường. Khi chín già, vỏ quả chuyển sang màu vàng nhạt. Đặc biệt, ruột chanh có màu hồng nhạt (còn gọi là màu đào), ít hạt, nhiều nước.

Quả chanh đào được sử dụng như một vị thuốc quý trong tự nhiên

Quả chanh đào được sử dụng như một vị thuốc quý trong tự nhiên

Thành phần chính của quả chanh đào gồm protein, carbonhydrat, chất vô cơ, canxi, sắt và nhiều loại nguyên tố vi lượng khác... Đây cũng là một trong những loại quả chứa lượng vitamin C rất dồi dào, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Có nhiều cách để bảo quản và sử dụng quả chanh đào quanh năm

Trong Đông y, chanh đào được các thầy thuốc đánh giá là một loại quả quý, vị chua, tính bình có tác dụng long đờm, cầm ho giải nhiệt, kích thích tiêu hóa, phòng ngừa, chữa các bệnh về họng như: chữa viêm họng, ho khan, ho có đờm, đau rát cổ họng và chữa một số chứng bệnh thông thường như nôn ọe, sốt cao, chảy máu chân răng, chảy máu cam…

Để có thể sử dụng được quanh năm, bạn có thể bảo quản quả chanh đào theo những cách dưới đây:

Bảo quản chanh đào trong thời gian ngắn

Bọc chanh đào trong giấy báo hoặc nylon bọc thực phẩm chuyên dụng, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, có thể giữ chanh tươi trong khoảng 15 ngày.

Nếu bảo quản đúng cách, có thể giữ chanh đào tươi được tới 3 tháng

Bảo quản chanh đào tươi trong khoảng 3 tháng

Bọc chanh đào vào giấy bản, xếp từng lớp chanh đào vào thùng cát khô, để nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời, có thể giữ chanh tươi được từ 2 đến 3 tháng.

Bảo quản chanh đào để dùng quanh năm

Chanh đào thường có theo mùa, muốn sử dụng chanh để làm thuốc quanh năm, bạn có thể bảo quản chanh theo những cách sau đây:

Chanh đào ngâm mật ong - đường phèn là một trong những vị thuốc quen thuộc trong mỗi gia đình

- Chanh đào ngâm mật ong:

Dùng 1kg chanh đào, khoảng 800gr mật ong, 200gr đến 500gr đường phèn tán thành bột mịn. Chanh đào rửa sạch, lau khô, xếp vào hũ, lần lượt một lớp chanh đào, một lớp đường phèn, sau đó đổ mật ong ngập mặt chanh và đậy kín.

Sau khoảng 6 tháng, chanh tiết ra nước hòa tan cùng mật ong, đường phèn thành hỗn hợp như siro là có thể dùng được.

Để sử dụng ngay, bạn thái chanh đào thành các lát mỏng xếp vào hũ, cứ khoảng 2 lớp chanh rắc 1 lớp đường mỏng, rồi cho thêm mật ong, đậy nắp kín, bảo quản trong nhiệt độ bình thường.

Ngâm muối, ngâm đường hay nấu thành cao cũng là những cách bảo quản quả chanh đào để dùng quanh năm

- Chanh đào ngâm đường:

Rửa sạch, lau khô từng quả, ngâm cùng đường theo tỉ lệ 1kg chanh: 1kg đường, để nơi khô thoáng, dùng dần.

- Chanh đào ngâm muối:

Chọn loại chanh đào già, rửa sạch để ráo, cho vào lọ, dùng một chiếc vỉ nén chặt. Đun nước muối thật mặn để nguội, đổ ngập mặt chanh. Cách này giúp chanh không bị mốc, dùng ngậm khi bị đau họng hoặc làm nước giải khát

- Làm cao chanh đào:

Vắt quả chanh lấy nước cốt, lọc qua rây cho sạch bã, cho vào đĩa sứ hoặc khay men đem phơi nắng hoặc sấy ở nhiệt độ thấp (40 - 50 độ C) cho tới khi đặc như keo, cất vào lọ thủy tinh sạch dùng dần.

Một số bài thuốc từ quả chanh đào:

- Phòng và chữa các chứng bệnh về họng: dùng 2-3 thìa cà phê nước siro chanh đào - mật ong, pha cùng nước ấm, uống mỗi buổi sáng. Lưu ý, chanh đào ngâm mật ong, chỉ nên dùng cho người lớn và các bé lớn. Nếu muốn dùng cho bé dưới một tuổi, bạn thay mật ong bằng đường phèn và hấp cách thủy siro chanh đào trước khi cho bé uống.

- Chữa nôn ọe: Rửa sạch chanh đào, thái thành từng lát, ngâm một chút muối hoặc mật ong, ngậm và nuốt nước.

- Chữa sốt cao: Vắt nước quả chanh đào cho uống liên tục từng ngụm nhỏ một kết hợp với dán lát chanh vào thóp, gan bàn chân, lòng bàn tay.

- Giảm đau họng: Dùng nước cốt một quả chanh đào tươi, 1 thìa cà phê muối, pha cùng 250ml nước ấm để súc miệng 3 lần/ngày. Khi súc miệng nên ngậm dung dịch trong cổ họng khoảng 1 phút để giảm đau.

- Kích thích tiêu hóa, giúp ăn uống ngon miệng: Dùng một vài lát chanh đào pha với nước và uống thường xuyên vào mỗi buổi sáng.

- Chữa chảy máu cam: Dùng tăm bông thấm vào nước chanh và lau bên trong mũi, thấm liên tục đến khi cầm máu.

- Chữa chảy máu răng: nhỏ một chút nước cốt chanh vào chỗ nướu bị chảy máu, vừa giúp ngăn chặn chảy máu thêm vừa loại bỏ các vi khuẩn trong miệng, cho hơi thở thơm tho, dễ chịu.

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/an-toan-thuc-pham/4-cach-bao-quan-chanh-dao-de-dung-quanh-nam-post50104.html