4 bài học cứu hộ cho các quốc gia Thái Bình Dương sau vụ chìm tàu ngầm ở Indonesia

Vụ chìm tàu ngầm vừa qua tại Indonesia đặt ra bài toán cho các quốc gia Thái Bình Dương cần phải nâng cao năng lực cứu hộ tàu ngầm để ngăn chặn những tai nạn tương tự trong tương lai.

Tàu ngầm KRI Nanggala 402 của Indonesia bị gặp nạn hôm 21/4 sau cuộc tập trận ngư lôi. (Nguồn: AP)

Tàu ngầm KRI Nanggala 402 của Indonesia bị gặp nạn hôm 21/4 sau cuộc tập trận ngư lôi. (Nguồn: AP)

Hải quân Indonesia ngày 24/4 đã thay đổi thông báo tình trạng của tàu ngầm KRI Nanggala 402 từ “mất tích” sang “bị chìm dưới đáy biển”. Thông báo trên đã làm tiêu tan hy vọng cứu sống 53 thành viên thủy thủ đoàn của tàu ngầm KRI Nanggala 402.

Trước đó, các phương tiện tìm kiếm đã xác định được vật thể “có lực từ tính cao” lơ lửng ở độ cao 160-320 feet dưới mực nước biển cũng như vết dầu loang gần vị trí cuối cùng được biết đến của tàu ngầm. Những dấu hiệu này làm le lói triển vọng tìm thấy con tàu.

Tuy nhiên, các nỗ lực điều tra và cứu hộ gần khu vực con tàu mất tích chỉ thu được “những bằng chứng xác thực được cho là từ tàu ngầm”, gồm chất bôi trơn kính tiềm vọng, một thiết bị bảo vệ ngư lôi và thảm cầu nguyện.

Việc tìm thấy mảnh vỡ tàu ngầm buộc Indonesia phải khép lại 3 ngày tìm kiếm con tàu 44 năm tuổi bị mất liên lạc hôm 21/4 trong một cuộc tập trận ngư lôi.

Nguyên nhân của vụ chìm tàu vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn. Các quan chức hải quân Indonesia cho rằng sự cố về điện có thể đã khiến con tàu không thể thực hiện được các thủ tục khẩn cấp khi nó chìm xuống dưới mực nước biển gần 2.000 feet hoặc sâu hơn.

Xu hướng cạnh tranh dưới đáy biển

Vụ tai nạn đáng lo ngại này xảy ra trong bối cảnh diễn biến tình hình khu vực ngày càng phức tạp. Cuộc chạy đua vũ trang, tranh chấp lãnh thổ và các chiến dịch chống tiếp cận kéo dài hàng thập kỷ tại châu Á-Thái Bình Dương đã kích hoạt hoạt động mua sắm và hiện đại hóa tàu ngầm trong khu vực.

Do đó, xu hướng cạnh tranh dưới đáy biển đang ngày càng rõ rệt khi các quốc gia đẩy mạnh hợp tác và nâng cao nhận thức an ninh trên biển cũng như các giao thức an toàn tàu ngầm, các kỹ thuật và công cụ tìm kiếm và cứu nạn trên biển (SAR).

Tháng 1/1917, cuộc giải cứu tàu ngầm đầu tiên trên thế giới đã được thực hiện. Gần Argyll, Scotland, tàu ngầm HMS K13 mới được đưa vào hoạt động đã bị chìm trong quá trình thử nghiệm trên biển. Một ống dẫn khí sau đó đã được nối với tàu ngầm K13 và cứu được 48 thủy thủ.

Tuy nhiên, thành công vẫn chưa thể lấn át được các thảm kịch. Ngày 10/4/1963, tàu ngầm USS Thresher bị chìm trong cuộc lặn thử nghiệm cách bờ biển Cape Cod, Massachusetts 354 km khiến tất cả 129 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng.

Thảm họa đã thúc đẩy Hải quân Mỹ bắt tay vào chế tạo hai tàu cứu hộ biển sâu tiên tiến (DSRV) Mystic và Avalon.

Phương tiện cứu hộ chìm sâu của (DSRV) Mystic của Hải quân Mỹ. (Nguồn: Wiki)

Bất chấp những tiến bộ này, thảm họa vẫn tồn tại. Năm 2000, tàu ngầm Kursk của Nga bị chìm gần Biển Barents cướp đi sinh mạng của 118 thủy thủ sau khi một quả ngư lôi phát nổ và tạo phản ứng dây chuyền cho những quả khác.

Ba năm sau, 70 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng trên tàu ngầm Trung Quốc trong một cuộc tập trận. Bốn năm sau đó, vào năm 2017, tàu ngầm San Juan của Argentina cũng bị chìm trên biển trong quá trình huấn luyện.

Những thập kỷ tới sẽ chứng kiến tình trạng triển khai và mua sắm tàu ngầm gia tăng, do đó nguy cơ xảy ra tai nạn và chìm tàu vẫn tiếp tục hiện hữu.

Trong giai đoạn từ năm 2000-2021, số lượng tàu ngầm được sử dụng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tăng 31%. Con số này sẽ tiếp tục tăng khi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở thành trung tâm “cạnh tranh giữa các cường quốc”.

Hợp tác đa quốc gia là chìa khóa

Khi các quốc gia Thái Bình Dương chế tạo nhiều tàu ngầm hơn, thành công của SAR sẽ phụ thuộc vào sự hợp tác đa quốc gia.

Trong vụ chìm tàu ngầm ở Indonesia, để giúp xác định vị trí tàu ngầm bị mất tích, Hải quân Australia đã cử hai tàu chiến, trong đó có một tàu khu trục nhỏ được trang bị thiết bị dò tìm bằng sóng siêu âm.

Ngoài ra, hải quân Mỹ cũng cử máy bay P-8 Poseidon để xác định vị trí của tàu ngầm và 3 máy bay C-17 với thiết bị SAR dưới nước.

Trong tương lai, Mỹ và các đồng minh ở Thái Bình Dương có thể tăng cường tìm kiếm, cứu hộ tàu ngầm theo 4 cách sau đây.

Thứ nhất, cần thành lập chi nhánh vệ tinh của Văn phòng liên lạc cứu hộ và thoát hiểm tàu ngầm quốc tế (ISMERLO) ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Sau thảm họa Kursk năm 2000, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thành lập ISMERLO để điều phối các nỗ lực SAR với tàu ngầm quốc tế. Tổ chức này là một nhóm công tác đa quốc gia gồm các chuyên gia SAR có chức năng thiết lập các quy trình quốc tế về cứu hộ và đưa ra những thông tin tư vấn về đào tạo và mua sắm tàu ngầm.

Thứ hai, cần xây dựng Hệ thống cứu hộ tàu ngầm ASEAN.

Năm 2008, Vương quốc Anh, Na Uy và Pháp đã thành lập Hệ thống cứu hộ tàu ngầm NATO (SRS) ba bên nhằm mục đích giải cứu thủy thủ đoàn trong vòng 72 giờ thông qua các phương tiện cứu hộ tàu ngầm và hệ thống triển khai và thu hồi di động.

Các quốc gia ASEAN nên làm việc với ba thành viên NATO này và với Mỹ để chia sẻ các công nghệ nền tảng và phương tiện cũng như thiết lập SRS cho riêng mình. Điều này sẽ giúp thời gian phản ứng khẩn cấp diễn ra nhanh chóng.

Thứ ba, Mỹ nên tổ chức các cuộc tập trận SAR cho tàu ngầm với các đối tác ở Thái Bình Dương.

Năm 2017, Washington cùng 8 thành viên NATO khác đã tiến hành Chiến dịch Dynamic Monarch, tập trung vào các quy trình huấn luyện thoát hiểm và cứu hộ tàu ngầm. Mỹ nên tổ chức các cuộc tập trận Dynamic Monarch theo định dạng ở Thái Bình Dương và mời các đối tác khác ngoài khu vực làm quan sát viên.

Thứ tư, Lầu Năm Góc nên hợp tác với các đồng minh ở Thái Bình Dương bằng cách chia sẻ hệ thống giải cứu tàu ngầm (SRDRS) của mình.

Đây là hệ thống không người lái, thay thế cho Mystic và Avalon, có thể triển khai nhanh chóng, chuẩn bị các điều kiện gần khu vực tàu bị chìm, có khả năng lặn sâu gần 2.000 feet và có thể cứu hộ được 155 thủy thủ cùng một lúc. Chia sẻ công nghệ này với các quốc gia khác sẽ giúp họ phát triển được các hệ thống cứu hộ của riêng mình và giảm thiểu các sự cố trong tương lai.

Thảm kịch tàu ngầm Indonesia là lời cảnh tỉnh với tất cả các lực lượng hải quân rằng công nghệ tiên tiến không phải là liều thuốc chữa bách bệnh cho các thảm họa.

Trong bối cảnh xu hướng cạnh tranh dưới biển ngày càng gia tăng, các quốc gia Thái Bình Dương cần tổ chức các khóa đào tạo, thiết lập các quy trình và hợp tác đa quốc gia để ngăn chặn những tai nạn tương tự trong tương lai.

(theo The Diplomat)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/4-bai-hoc-cuu-ho-cho-cac-quoc-gia-thai-binh-duong-sau-vu-chim-tau-ngam-o-indonesia-144166.html