4.765 học sinh ở Tân Lạc, Kim Bôi (Hòa Bình) được chăm sóc sức khỏe học đường miễn phí

Cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe học đường là ưu tiên của ngành giáo dục. Dự án 'Khỏe mạnh cho một tương lai tốt đẹp hơn' do ChildFund Việt Nam tài trợ được xây dựng và triển khai tại 15 trường Tiểu học và Trung học cơ sở tại huyện Kim Bôi và Tân Lạc, Hòa Bình đã góp phần cải thiện sức khỏe học đường.

Học sinh đến trường đối diện với nhiều nguy cơ

Em Bùi Thị Thu Thúy– 11 tuổi, ở huyện Tân Lạc, Hòa Bình cho biết gần đây mắt của em có hiện tượng mỏi, chảy nước và nhìn có lúc bị nhòe. Khi nhà trường thông báo có đợt khám mắt do ChildFund tổ chức, bố đã đưa em đi khám. Sau khi khám xong, các bác sỹ xác định được tình trạng mắt của em Thúy đã chớm cận, nên đã kê đơn thuốc cũng như đơn kính cho em Thúy. Trong tuần thứ Hai của tháng 9 sau khi hoàn tất việc cắt mắt kính, ban tổ chức thực hiện dự án “Khỏe mạnh cho một tương lai tốt đẹp hơn” sẽ gửi kính về cho em Thúy sử dụng. Em Thúy chỉ là một trong những học sinh được tổ chức ChildFund Việt Nam giúp đỡ khám mắt.

Em Bùi Thị Thu Thúy được bố dẫn đi khám mắt tại Dự án “Khỏe mạnh cho một tương lai tốt đẹp hơn”.

Em Bùi Thị Thu Thúy được bố dẫn đi khám mắt tại Dự án “Khỏe mạnh cho một tương lai tốt đẹp hơn”.

Được biết, tật khúc xạ không được điều trị là một trong năm nguyên nhân chính gây mù lòa và giảm thị lực. Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em mắc tật khúc xạ trong độ tuổi từ 6-15 chiếm từ 20-40% tại thành thị, từ 10-15% tại nông thôn. Điều này có nghĩa là có khoảng 3 triệu trẻ em mắc tật khúc xạ cần được chỉnh kính.

Thêm vào đó, các bệnh phố biến khác như suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì ở trẻ em trong độ tuổi đến truờng đang gia tăng do chế độ dinh dưỡng không phù hợp hoặc không lành mạnh. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh này chiếm từ 15-40%. Bệnh răng miệng ở học sinh ngày càng tăng và chiếm tỷ lệ rất cao khoảng từ 60-90%. Tỷ lệ học sinh hút thuốc (4,7%) , uống rượu bia (22,5%) có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Đánh giá nhanh tại 15 trường trên địa bàn huyện Tân Lạc và Kim Bôi cho thấy điều kiện tại các truờng này cũng tương tự với tình hình cả nước.

Dù nhà trường và chính phủ đã có nhiều nỗ lực liên quan đến các vấn đề sức khỏe trẻ em, nhưng thực tế, việc thực hiện tại các cơ sở giáo dục vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân viên và nhân viên có trình độ cũng như thiếu phương tiện và trang thiết bị cơ bản cho phòng y tế của nhà trường. Trường học cũng thiếu nguồn nhân lực chất lượng.

Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em mắc tật khúc xạ trong độ tuổi từ 6-15 chiếm từ 20-40% tại thành thị, từ 10-15% tại nông thôn.

Tại nhiều trường học, phụ trách y tế học đường chính là các giáo viên làm thêm công tác chăm sóc y tế. Công tác nâng cao năng lực y tế học đường và cơ sở vật chất cho công tác y tế chưa được đầu tư đầy đủ.

Qua thảo luận với ChildFundViệt Nam, cán bộ tại các trung tâm y tế và giáo viên phụ trách y tế hỗ trợ các xã tại huyện Tân Lạc chia sẻ rằng; kiến thức của họ về các vấn đề sức khỏe như sức khỏe sinh sản vẫn chưa đầy đủ, do đó họ gặp khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn cho học sinh hoặc thanh niên trong xã.

Ngoài ra, việc thiếu tài liệu và phương tiện cũng cản trở việc giáo dục sức khỏe trong trường học. 10 trong số 15 trường có phòng y tế nhưng không có tủ thuốc cấp cứu cũng như thiếu thiết bị sơ cứu. Thêm nữa, nhận thức và kiến thức về chăm sóc mắt cho trẻ em của cán bộ y tế, giáo viên và cha mẹ học sinh còn rất hạn chế. Vì các trường hợp học sinh mắc tật khúc xạ không được phát hiện sớm nên chỉ khi trẻ em bị vấn đề nghiêm trọng về mắt, cha mẹ mới đưa con em mình đi thăm khám bác sĩ. Việc điều trị muộn sẽ ảnh hưởng đến thời gian điều trị, khả năng phục hồi và tăng chi phí điều trị, đây cũng là thách thức, đặc biệt với người dân miền núi.

Chăm sóc sức khỏe học đường cho trẻ em tại huyện Kim Bôi và Tân Lạc

Được biết từ đầu năm 2020, ChildFund Việt Nam đã xây dựng và triển khai Dự án “Khỏe mạnh cho một tương lai tốt đẹp hơn” tại 15 trường Tiểu học và Trung học cơ sở tại huyện Kim Bôi và Tân Lạc, Hòa Bình để cải thiện sức khỏe học đường. Đến nay, dự án đã khám cho 4.765 học sinh từ lớp 4 đến lớp 9 tại trường tiểu học và trung học tại hai huyện Kim Bôi và Tân Lạc.

Trong số những em học sinh được khám có khoảng 715 học sinh (chiếm 15%) có tật khúc xạ phải đeo kính. 715 học sinh mắc tật khúc xạ sẽ được cấp kính, chi phí mua kính được dự án hỗ trợ. Danh sách khám mắt đã xác định được hơn 20 học sinh có các vấn đề về mắt phức tạp, cần điều trị chuyên sâu cũng như hỗ trợ lâu dài để hạn chế tình trạng tầm nhìn bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.

Dự án “Khỏe mạnh cho một tương lai tốt đẹp hơn” cấp bảng đo thị lực để sàng lọc mắt và các trang thiết bị y tế cơ bản như giường bệnh, ống nghe y tế, máy đo huyết áp, bộ nẹp sơ cứu gãy xương, tủ thuốc, túi chườm nóng lạnh, que đè lưỡi … cho 15 trường học để tiến hành sơ cứu khi cần.

4.765 học sinh ở Tân Lạc, Kim Bôi (Hòa Bình) được chăm sóc sức khỏe học đường miễn phí.

Dự án hỗ trợ cung cấp trang thiết bị cần thiết như máy chiếu, phông chiếu di động và loa đài cho nhà trường để chiếu các video theo nhu cầu thực tế để phục vụ công tác giáo dục sức khỏe học đường.

Ngoài ra, dự án “Khỏe mạnh cho một tương lai tốt đẹp hơn” đã thực hiện hai khóa tập huấn riêng biệt cho 105 giáo viên, cán bộ y tế học đường. Cụ thể, tập huấn sàng lọc mắt với sự tham gia của giáo viên hoặc nhân viên y tế nhà trường (mỗi trường một người) và nhân viên trung tâm y tế xã (mỗi Trạm y tế 2 người). Tại khóa tập huấn này, giáo viên và cán bộ y tế học đường đã được tập huấn một ngày về chuẩn bị và thực hiện kiểm tra mắt/kiểm tra sàng lọc thị lực cho học sinh.

Tháng 11/2020, dự án sẽ tổ chức các buổi truyền thông giáo dục sức khỏe cung cấp kiến thức cho học sinh tại 15 trường tại Tân Lạc, Kim Bôi.

Dự án tổ chức khóa đào tạo cho nhân viên y tế tại 15 trường (mỗi trường hai giáo viên, một lãnh đạo và một nhân viên y tế) về các vấn đề sức khỏe, đặc biệt liên quan đến năm vấn đề sức khỏe của thanh thiếu niên như chăm sóc mắt, tình dục và sức khỏe sinh sản, hút thuốc, thực phẩm và dinh dưỡng, bệnh truyền nhiễm và rửa tay. Dự án sử dụng mô đun đào tạo do BQL dự án phát triển theo bối cảnh Việt Nam và thích nghi để phù hợp với bối cảnh địa phương.

Sắp tới trong tháng 9-10/2020, ChildFund Việt Nam sẽ tổ chức tập huấn cho giáo viên về truyền thông giáo dục sức khỏe trong trường học. Tháng 11/2020, dự án sẽ tổ chức các buổi truyền thông giáo dục sức khỏe cung cấp kiến thức cho học sinh tại 15 trường. Mỗi lớp sẽ được truyền thông 5 chủ đề sức khỏe, mỗi chủ đề được truyền thông từ 1h-1,5h cho học sinh các lớp từ lớp 6 đến lớp 9 của trường trung học cơ sở.

Phạm Lý

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/4765-hoc-sinh-o-tan-lac-kim-boi-hoa-binh-duoc-cham-soc-suc-khoe-hoc-duong-mien-phi-117017.html