4,3 ha đất Thủ Thiêm thu hồi sai: Xử lý thế nào?

Nếu xác định việc giao đất do thông đồng, bắt tay phải thu hồi và xử lý trách nhiệm nghiêm cả hai bên...

Làm rõ sai phạm để xử lý

ĐBQH Lê Công Nhường ĐBQH đoàn Bình Định cho rằng, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ rõ UBND TP HCM đã tự điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền khiến 4,3 ha đất thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2 bị giải tỏa khi nằm ngoài ranh quy hoạch.

Dân phân tích ranh giới quy hoạch 4,3 ha trái luật. Ảnh: Zing

Trong đó, xác định rõ trách nhiệm thuộc KTS trưởng của thành phố, các sở, ban, ngành và UBND thành phố HCM. Tuy nhiên, diện tích đất thu hồi không đúng đã được giao cho doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án, do đó, việc xử lý đối với diện tích trên cũng khá phức tạp.

ĐB Lê Công Nhường cho rằng, muốn xác định trách nhiệm cũng như để đưa ra được phương án xử lý phù hợp thì cần phải điều tra, làm rõ từng vấn để có liên quan.

Cụ thể ở đây là về phương án giao đất cho doanh nghiệp, được xác định theo hình thức nào? Giao vì mục đích gì? Việc giao đất có tổ chức đấu thầu công khai không? Mức giá giao cho doanh nghiệp là mức giá nào?...

"Nếu xác định TP.HCM giao đất cho doanh nghiệp với giá thấp hơn giá thị trường thì trước hết, UBND TP.HCM phải chịu trách nhiệm trực tiếp.

Tiếp theo, nếu thu hồi đất của dân theo giá dự án tái định cư rồi giao cho doanh nghiệp để thực hiện dự án thương mại để bán ra với giá cao hơn gấp 5, gấp 10 lần cũng là không đúng nữa. Như vậy, trong trường hợp này, rõ ràng, tiền chênh lệch về giá đất đã không chảy về ngân sách gây thất thoát lớn cho nhà nước.

Với trường hợp này, tôi cho rằng, UBND TP.HCM cần phải làm việc lại với doanh nghiệp thống nhất phương án xử lý.

Có 2 phương án xử lý. Một là, cho phép doanh nghiệp tiếp tục thực hiện dự án nhưng phải tính toán lại chi phí, giá thành bán đất để bồi hoàn lại cho nhà nước. Giá đất phải được tính toán dựa trên giá của thị trường tại thời điểm hiện tại, phần chênh lệch sẽ thu nộp về ngân sách. Về phía nhà nước, sẽ sử dụng số tiền trên để giải quyết các nhu cầu ăn, ở, ổn định đời sống cho người dân.

Phương án 2, trong trường hợp xác định, chứng minh được có sự thông đồng, bắt tay hay cấu kết giữa bên giao đất và bên nhận đất thì phải xử lý trách nhiệm cả hai, đồng thời thu hồi ngay diện tích đất đã giao sai cho doanh nghiệp. Thiệt hại hai bên tự chịu.

Đây là lợi ích có được từ cơ chế ưu đãi, từ những cơ chế đặc quyền, đặc lợi, từ sai phạm mà có thì phải xử lý thật nghiêm để răn đe", vị đại biểu đoàn Bình Định nói rõ.

Cũng bàn về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương đoàn Quảng Bình thì cho rằng, đất đã giao cho doanh nghiệp, doanh nghiệp đã triển khai dự án rồi thì phải xem xét phương án xử lý thỏa đáng, bảo đảm quyền và lợi ích của các bên.

Giải pháp khả thi nhất là, UBND TP.HCM phải cùng với chủ đầu tư họp bàn, thỏa thuận với người dân về trách nhiệm của các bên. Trên cơ sở đó, có thể xác định lại mức giá đất tại thời điểm hiện tại để định lại giá đất đã giao cho doanh nghiệp làm cơ sở bồi hoàn cho người dân.

"Kiểu gì cũng phải bảo đảm lợi ích cho người dân, phải đáp ứng được yêu cầu về nơi ăn, chốn ở cho người dân ổn định đời sống. Về trách nhiệm, sẽ căn cứ trên những sai phạm, ai sai phải xử lý nghiêm người đó, không thể bao che, xuê xoa, xử lý cho xong", vị đại biểu đoàn Quảng Bình thẳng thắn.

Ký theo chỉ đạo...

Liên quan tới câu chuyện đẩy đưa trách nhiệm theo kiểu giải thích: "chữ ký của mình nhưng do cấp trên chỉ đạo" của vị KTS trưởng TP.HCM, cả hai ĐBQH đều cho rằng đây là vấn đề "nhạy cảm".

Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương, việc này có liên quan tới cơ chế điều hành quản lý của các cơ quan, sở, ban ngành. Về nguyên tắc, để ban hành ra một văn bản hành chính đều phải tuân theo quy trình chặt chẽ, theo đúng trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền quyết định.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn ghi nhận có những trường hợp ban hành văn bản mà chỉ theo chỉ đạo miệng, chỉ đạo nóng.

"Vì thế, giải thích của ông KTS trưởng thành phố có thể đúng với một vài trường hợp. Tuy nhiên, khi xảy ra sai phạm, để xem xét trách nhiệm thì người có chữ ký trực tiếp trên văn bản chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch này chính là ông KTS trưởng và ông ta phải chịu trách nhiệm trực tiếp, không thể đổ lỗi cho ai.

Trong trường hợp KTS trưởng muốn chứng minh ký đúng quy trình, đúng chỉ đạo thì phải có chứng cứ xác đáng, không thể nói suông", ông Phương nói.

Đồng tình với nhận định trên, ĐBQH Lê Công Nhường cũng cho rằng, để cho ra một văn bản chỉ đạo hành chính phải theo quy trình, cấp dưới tham mưu trình xin ý kiến, cấp trên phê duyệt, cho ý kiến và cấp dưới thực hiện. Cũng có những trường hợp, cấp trên gợi ý, chỉ đạo, cấp dưới trình lên để cấp trên quyết định hoặc ủy quyền cho cấp dưới quyết định.

Sai phạm Thủ Thiêm do 'lãnh đạo bảo ký':Không đổ thừa

Vì thế, ông Nhường cho rằng, để xem xét trách nhiệm của các trong trường hợp này TTCP cần phải điều tra rất rõ từng bước, từng khâu trong quá trình ban hành quyết định phê duyệt thay đổi quy hoạch trên đã được thực hiện theo quy trình nào? Có chỉ đạo ngầm, chỉ đạo không theo quy trình không?... tất cả phải rất thận trọng để tránh oan sai.

"Tuy nhiên, về phía vị KTS trưởng, anh là người ký thì phải chịu trách nhiệm trực tiếp rồi, không thể đổ lỗi cho ai.

Còn về phía UBND thành phố sẽ phải làm rõ trách nhiệm liên quan, cụ thể là trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp hay là trách nhiệm về mặt quản lý không tốt... Sai phạm tới đâu sẽ phải xử lý tới đó", ông Nhường nói rõ.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/43-ha-dat-thu-thiem-thu-hoi-sai-xu-ly-the-nao-3365599/