4.0 trong nông nghiệp: không chỉ bằng cái nút bấm

Cách mạng công nghiệp 4.0 áp dụng trong nông nghiệp không chỉ bằng cái nhấn nút là mọi thứ sẽ xuất hiện. Nó là sự kết hợp của quá trình thực hành nông nghiệp theo hướng hiện đại, giảm tỷ lệ sử dụng nước, phân bón... nhưng vẫn tăng được thu nhập cho người nông dân.

Những công nghệ tốt ở thời điểm hiện tại chưa phù hợp với nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Thành Hoa

Đây là thông điệp được chia sẻ tại Diễn đàn tăng trưởng châu Á diễn ra giữa tháng 9-2018. Sự kiện này được tổ chức bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN được tổ chức tại Hà Nội mới đây.

Áp dụng công nghệ thông qua PPP

Diễn đàn tăng trưởng châu Á bàn nhiều về tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) tới nông dân và cách trang bị kiến thức cũng như công nghệ cho người nông dân. Các đại biểu đều thống nhất, việc thực hiện nông nghiệp công nghệ cao qua mô hình đối tác công tư (PPP) là một trong những cách hiệu quả để kết hợp với người nông dân hiện đại hóa chuỗi sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu đầu vào và tăng thu nhập cho nông dân.

Việt Nam đã thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước và khối tư nhân thông qua các nhóm công tác PPP ngành hàng. Tới nay, đã có bảy nhóm công tác PPP gồm cà phê, chè, rau quả, thủy sản, hồ tiêu và gia vị, lúa gạo và hóa chất nông nghiệp. Mỗi nhóm công tác đều có sự tham gia của khu vực công là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chính quyền địa phương, các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp trong nước và đặc biệt là người nông dân.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá, PPP đã và đang mang lại nhiều kết quả tốt thông qua việc xây dựng chuỗi giá trị khép kín, tăng chất lượng sản phẩm cũng như nâng cao thu nhập cho nông dân. PPP trong nông nghiệp của Việt Nam được quốc tế đánh giá là mô hình thành công.

Lấy rau quả là ví dụ cụ thể về thành công của PPP thời gian qua, theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2010, nhóm này đã hỗ trợ nông dân tại Lâm Đồng về kỹ thuật canh tác, sử dụng giống khoai tây FL2215, FL2007 kháng bệnh và trồng được cả trong mùa mưa.

Đến nay, hai giống khoai tây FL2215 và FL2007 của Công ty PepsiCo đã được Bộ NN&PTNT công nhận là giống khoai tây mới và được phổ biến trong sản xuất. Bên cạnh đó, nhóm còn sử dụng hệ thống tưới phun sương làm tăng năng suất khoai tây của người nông dân lên gấp gần 3 lần.

Năm 2007 năng suất khoai tây chỉ là 7-8 tấn/ha, nhưng chỉ sau 10 năm, đến năm 2017, năng suất đã lên tới 22 tấn/ha, năm 2018 năng suất 24 tấn/ha. Năm 2017, hơn 5.100 tấn khoai tây trong nước đã được chế biến tại nhà máy của PepsiCo.

Hay đối với nhóm PPP về cà phê với tập đoàn đa quốc gia Nestlé. Nhóm này đã triển khai được hơn 250 mô hình vườn mẫu và 3 hợp tác xã PPP tại khu vực Tây Nguyên. Kết quả cho thấy, năng suất cà phê vườn mẫu tăng thêm 17% trong giai đoạn 2015-2016; thu nhập trung bình của người nông dân trồng cà phê tăng lên khoảng 14%; mô hình giúp giảm 55% lượng phát thải nhà kính nhờ sử dụng phân bón hợp lý.

Một cái bấm nút không có nghĩa mọi thứ thay đổi

Chia sẻ về thành công của dự án, ông Ganesan Ampalavanar, Tổng giám đốc công ty Nestlé Việt Nam, đơn vị hợp tác với Bộ NN&PTNT trong ngành hàng cà phê cho hay, Nestlé hiện nay đã xây dựng được hệ sinh thái khép kín bao gồm Chính phủ, Nestlé, doanh nghiệp địa phương và người nông dân. Đưa thương hiệu cà phê Robusta Việt Nam lên bản đồ cà phê thế giới.

Tại các vườn cà phê hợp tác với Nestlé, nông dân đã sử dụng ứng dụng (app) để kiểm tra giá cà phê, dự báo thời tiết. Nestlé đã xây dựng một phần mềm giúp nông dân có thể ghi chép các thực hành nông nghiệp của mình khi nào tưới nước, bón phân…

Tại Diễn đàn tăng trưởng châu Á, các đại biểu nói nhiều về công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, robot, dữ liệu lớn... Theo ông Ganesan Ampalavanar, đây đều là những công nghệ tốt nhưng tại thời điểm này chưa phù hợp với nông nghiệp Việt Nam. “4.0 không có nghĩa rằng khi ấn nút là một điều mới sẽ xuất hiện vì nông nghiệp có đặc thù riêng biệt so với những ngành khác”, ông cho biết. Cách mà Nestlé làm mất nhiều thời gian nhưng theo hướng lấy con người làm trọng tâm, và mục đích cuối cùng là nâng cao thu nhập cho nông dân. Có như vậy thì mô hình mới bền vững.

Cùng chung cách tiếp cận như vậy, bà Krista Pilot, Phó chủ tịch, Phụ trách quan hệ đối ngoại vùng Trung Đông, Bắc Phi của PepsiCo, cho hay, Chính phủ Việt Nam muốn thông qua PPP để thu hút nhiều hơn vốn đầu tư vào nông nghiệp, mở ra cơ hội tiếp cận công nghệ mới, nhưng điều quan trọng vẫn phải đặt trọng tâm vào người nông dân.

PepsiCo, đơn vị tham gia PPP trong nhóm rau quả, đã đặt ra những tiêu chuẩn quy trình sản xuất, đồng thời tập huấn nâng cao năng lực cho nông dân. Bởi vì, theo bà Krista Pilot: “Chỉ khi nông dân có năng lực sản xuất tốt hơn mới có thể tham gia vào chuỗi sản xuất mà chúng tôi đang vận hành”.

Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp vật tư đầu vào, đặc biệt là hai giống khoai tây chất lượng, thu nhập của nông dân tham gia hợp tác với PepsiCo đã tăng cao và bền vững. Hiện nay, bình quân 1 héc ta của nông dân cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng chỉ trong 3 tháng canh tác.

Theo PepsiCo, đối với nông nghiệp, việc áp dụng thực hành tốt, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, quan trọng hơn so với việc áp dụng công nghệ hiện đại. Bởi nếu như các nước, áp dụng máy móc hiện đại trên một thửa ruộng lớn là sẽ cho năng suất cao. Nhưng với điều kiện đất đai manh mún như Việt Nam sẽ cần phải cách tiếp cận khác.

Mục tiêu mà Bộ NN&PTNT đưa ra là nhân rộng mô hình hợp tác PPP ra 10 mặt hàng chủ lực quốc gia, tiến tới nhân rộng ra các nhóm mặt hàng cấp tỉnh và nhóm các mặt hàng địa phương. “Chúng tôi mời gọi các tập đoàn kinh tế lớn, các doanh nghiệp cùng với Bộ NN&PTNT khai thác tiềm năng lợi thế của Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói tại Diễn đàn Tăng trưởng châu Á.

Tuy nhiên, việc này là không dễ. Việt Nam từ năm 2009, đã thành lập một số nhóm công tác ngành hàng nông nghiệp theo hình thức PPP. Nhưng đến hết năm 2017, mới có trên 80.000 nông hộ tham gia dự án PPP thí điểm với khoảng 97.000 héc ta. Thậm chí, trong bảy nhóm ngành hàng đang thực hiện, theo Bộ trưởng Cường, cũng có nhóm làm tốt, nhóm làm chưa tốt.

Để các dự án thành công, rất cần sự tham gia của cơ quan nhà nước, đặc biệt là trong việc đơn giản thủ tục hành chính. Theo Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam, kinh nghiệm của các nước cho thấy, để khuyến khích PPP, cần giảm thiểu các thủ tục hành chính và tăng cường tính minh bạch trong quá trình thực hiện chính sách, đơn giản hóa các quy trình thủ tục để tạo điều kiện dễ dàng cho khu vực tư nhân tham gia khai thác các cơ hội thị trường.

Sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đề ra mục tiêu nâng cao sản lượng nông nghiệp lên 20%, giảm lượng phát thải carbon 20% và giảm tỷ lệ đói nghèo xuống 20% sau mỗi thập kỷ cho đến năm 2050. Những mục tiêu này được thực hiện thông qua việc gắn kết sự tham gia của các bên liên quan là Chính phủ, doanh nghiệp và người nông dân, đặc biệt là thông qua mô hình nhóm công tác PPP.

Thùy Dung

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/283082/40-trong-nong-nghiep-khong-chi-bang-cai-nut-bam.html