3M cùng WWF-Việt Nam trồng 8.000 cây xanh, cam kết phát triển bền vững

Hoạt động này góp phần phục hồi sinh cảnh rừng của Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân ở vùng đệm Khu bảo tồn.

Ngày 23/4 vừa qua, 3M cùng với WWF-Việt Nam tổ chức hoạt động trồng cây tại Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen (gọi tắt là KBT Láng Sen), tỉnh Long An trong khuôn khổ dự án Phục hồi sinh cảnh đất ngập nước dựa vào cộng đồng ở Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen.

Tiến sĩ Trịnh Thị Long-WWF và Đại diện Khu bảo tồn giới thiệu về Khu Bảo tồn Ngập nước Láng Sen và thuyết trình về sự quan trọng đa dạng sinh học (Nguồn: WWF-Việt Nam).

Tiến sĩ Trịnh Thị Long-WWF và Đại diện Khu bảo tồn giới thiệu về Khu Bảo tồn Ngập nước Láng Sen và thuyết trình về sự quan trọng đa dạng sinh học (Nguồn: WWF-Việt Nam).

Với nguồn tài trợ trị giá 25.000 đô la Mỹ từ 3MGives — một tổ chức thuộc 3M được thành lập để đầu tư vào những dự án hoặc sáng kiến xã hội trong các lĩnh vực như giáo dục, môi trường và cộng đồng nhằm hỗ trợ phát triển bền vững, dự án nhằm mục đích khôi phục lại hệ sinh thái đang bị suy thoái ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và nhờ đó, cải thiện sinh kế của người dân địa phương.

Tọa lạc giữa vùng Đồng Tháp Mười ở đồng bằng sông Cửu Long, Láng Sen là nơi cư trú của nhiều loài cá và 20.000 loài chim nước, nhiều loài trong số đó là những loài hiếm trên thế giới và có nguy cơ tuyệt chủng như già đẫy lớn (Leptoptilos dubius) hay sếu đầu đỏ (Grus antigone). Trong số 87 loài cá ở Láng Sen, có 27 loài được ghi nhận chỉ sống ở hạ lưu sông Mekong, trong đó bao gồm 2 loài cá quý hiếm là cá da trơn khổng lồ (Pangasianodon gigas) và cá hô (Catlocarpio siamensis).

Đường vào khu vực trồng cây (Nguồn: WWF-Việt Nam).

Tuy nhiên, giống như nhiều khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, Láng Sen cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu và các hoạt động xây dựng các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn khiến cho dòng chảy tự nhiên bị thay đổi và sự bồi tích hàng năm sụt giảm nghiêm trọng.

Gần đây, những khu rừng tự nhiên của Khu Bảo tồn — nơi cư trú của hơn 80.000 cá thể chim nước — đang bị suy thoái, do sự biến đổi nhanh chóng của các yếu tố khí hậu và chế độ thủy văn của sông Mekong. Với những người dân sinh sống ở đây, điều này đồng nghĩa với việc khó khăn chồng chất khó khăn khi họ đang phải chống chọi với các biến đổi bất thường của khí hậu. Đứng trước thực trạng này, 3M quyết định hành động nhằm giúp giảm thiểu tác hại mà người dân cũng như Khu Bảo tồn đang phải gánh chịu.

Chúng tôi rất vinh dự khi được góp phần vào quá trình phục hồi rừng ở Láng Sen. Hoạt động này là một trong những nỗ lực của 3M trong việc hướng tới xây dựng một tương lai phát triển bền vững. Tôi cũng rất vui mừng khi nhiều nhân viên của 3M đã cùng chung tay tham gia hoạt động tình nguyện trồng cây hỗ trợ dự án ý nghĩa này” - ông Jacky Kang, Giám đốc của 3M Việt Nam cho biết.

Kết quả từ những khảo sát của WWF-Việt Nam đã rung lên hồi chuông cảnh báo về những mối hiểm họa mà Láng Sen và đồng bằng sông Cửu Long gặp phải khi môi trường sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, những nỗ lực từ 3M và WWF-Việt Nam cũng mang đến niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho vùng đất này. Hai bên đã chuẩn bị rất kỹ và lên kế hoạch rõ ràng cho dự án này, bao gồm hoạt động trồng cây, nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học, tầm quan trọng của các loài cây trong tự nhiên và các kỹ thuật phục hồi cần thiết.

Bình luận về sự hợp tác với 3M, bà Nguyễn Thanh Nga, Giám đốc Chương trình Hợp tác Doanh nghiệp của WWF-Việt Nam cho biết: “Trong nỗ lực xây dựng một tương lai nơi con người có thể sống hòa hợp với thiên nhiên của WWF, các đối tác doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc nỗ lực bảo tồn toàn cầu bằng cách chứng minh cam kết xã hội của họ đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các hệ sinh thái. Sự hợp tác lần này giữa hai bên sẽ đóng góp vào quá trình phục hồi rừng ở Láng Sen, nhấn mạnh mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi dành cho những vấn đề toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển bền vững. WWF-Việt Nam rất vui mừng được làm việc với 3M trên sứ mệnh bảo tồn thiên nhiên và mong đợi vào những kết quả tích cực mang lại cho Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen từ dự án này”.

Tổng cộng đã có 8.000 cây xanh được trồng trên diện tích 7 ha của Láng Sen. Trước khi sự kiện diễn ra, người dân địa phương cũng đã được nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và sức khỏe hệ sinh thái, vốn là chìa khóa để giải quyết những vấn đề ở địa phương một cách bền vững. Dự tính sẽ có khoảng 15.000 người dân được hưởng lợi (trực tiếp hay gián tiếp) từ diện tích rừng được phục hồi.

Người dân địa phương sẽ ứng phó tốt hơn với những bất thường từ thiên nhiên, nhờ vào diện tích che phủ rừng được tăng thêm và khả năng tích trữ nguồn nước được cải thiện và qua đó giảm thiểu tác hại của lũ lụt và hạn hán cho vùng Đồng Tháp Mười và hạ lưu sông Mekong. Quá trình phát triển của khu vực rừng mới trồng cũng sẽ được theo dõi, giám sát và chăm sóc kỹ.

Hoạt động trồng cây tại Láng Sen (Nguồn: WWF-Việt Nam).

Dự án phục hồi sinh cảnh đất ngập nước ở đồng bằng sông Cửu Long một lần nữa khẳng định giá trị quan trọng của 3M trong việc khuyến khích phát triển bền vững, góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân địa phương. 3M hy vọng rằng với những kiến thức được cung cấp trong quá trình đào tạo, người dân ở Láng Sen sẽ có thể chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Công ty cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân cho những hoạt động sắp tới, với niềm tin rằng hoạt động kinh doanh của công ty sẽ có thể đi song song với việc hợp tác với người dân để giải quyết những vấn đề nan giải của nhân loại.

Quỳnh Chi

Nguồn VTC: https://vtc.vn/3m-cung-wwf-viet-nam-trong-8-000-cay-xanh-cam-ket-phat-trien-ben-vung-ar609312.html