39 ngày qua, Việt Nam không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng

Bản tin sáng 11-10 của Ban Chỉ đạo Quốc gia cho biết, Việt Nam không có thêm ca mắc Covid-19 mới. Đến nay đã 39 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng.

Bản tin sáng 11-10 của Ban Chỉ đạo Quốc gia cho biết, Việt Nam không có thêm ca mắc Covid-19 mới. Đến nay đã 39 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng.

Tính đến 6 giờ ngày 11-10, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25-7 đến nay là 551 ca tại 15 tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng (389), Quảng Nam (96), Hải Dương (16), Hà Nội (11), TP. Hồ Chí Minh (tám), Quảng Trị (bảy), Bắc Giang (sáu), Quảng Ngãi (năm), Lạng Sơn (bốn), Đắk Lắk (ba), Đồng Nai (hai), Thái Bình (một), Hà Nam (một), Thanh Hóa (một) và Khánh Hòa (một).

Đến hôm nay, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 39 không ghi nhận ca bệnh Covid-19 ngoài cộng đồng.

Các ổ dịch đã được kiểm soát ở tất cả các địa phương ghi nhận ca bệnh. Đến nay, đã 54 ngày, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19 ngoài cộng đồng. Tại TP Hồ Chí Minh, đến nay, đã 71 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19 ngoài cộng đồng.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 15.887 người,

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chữa khỏi 1.024 bệnh nhân/1.107 bệnh nhân Covid-19. Nước ta không còn trường hợp bệnh nhân Covid-19 nào nặng.

Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là năm ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là năm ca, số ca âm tính lần 3 là 10 ca.

Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (ba) và Quảng Trị (một).

UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các sở ngành, quận huyện, phường, xã, thị trấn tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trước nguy cơ dịch bệnh. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm các biện pháp như đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đến các địa điểm và trên phương tiện giao thông công cộng. Hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc.

Các cấp các ngành, đơn vị phải tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, bảo đảm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi quản lý, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, chú trọng công tác phòng, chống dịch tại địa bàn tập trung đông người như khu dân cư, trường học, bệnh viện, chợ, siêu thị, cơ sở cách ly.

UBND TP đặc biệt giao trọng trách cho ngành y tế TP chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để tiếp nhận các chuyến bay thương mại quốc tế nhằm bảo đảm an toàn phòng chống dịch, không để xảy ra “làn sóng dịch bệnh thứ ba” trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới, đảm bảo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.

- Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng vừa đề nghị Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An và Tiền Giang đón chuyên gia về địa phương cách ly theo quy định, không cách ly tại TP Hồ Chí Minh. Theo đó, nhằm tạo điều kiện, tránh phát sinh thủ tục không cần thiết trong tổ chức cách ly y tế cho chuyên gia người nước ngoài do đơn vị, doanh nghiệp của các tỉnh, thành mời vào làm việc khi nhập cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất, Sở Y tế đưa ra phương án cách ly đối với từng nhóm tỉnh thành sau:

+ Đối với các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị Sở y tế địa phương chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố phối hợp với đơn vị chuyên gia vào làm việc tổ chức đón chuyên gia về địa phương cách ly theo quy định.

Đồng thời thông báo cho Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP Hồ Chí Minh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh biết về thời gian chuyến bay về đến sân bay Tân Sơn Nhất để được hỗ trợ. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh không giải quyết hồ sơ đề nghị phương án cách ly đối với các đơn vị mời chuyên gia thuộc các tỉnh, thành phố nêu trên.

+ Đối với các tỉnh, thành phố khác có đơn vị mời chuyên gia vào làm việc nhưng có nguyện vọng cách ly tại TP Hồ Chí Minh (do nhập cảnh sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất) thì UBND tỉnh, thành phố phải có văn bản gửi UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị cách ly tại TP Hồ Chí Minh. Khi có văn bản đồng ý hỗ trợ cách ly của UBND TP Hồ Chí Minh hoặc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, các địa phương làm thủ tục nhập cảnh cho chuyên gia và liên hệ khách sạn được thành phố chỉ định để đăng ký cách ly.

Sau khi được cấp phép nhập cảnh, các đơn vị gửi hồ sơ về Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP Hồ Chí Minh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, Trung tâm y tế quận, huyện để tổ chức cách ly theo quy định.

LAM NGỌC

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/39-ngay-qua-viet-nam-khong-co-ca-lay-nhiem-covid-19-trong-cong-dong-619957/