37 điểm sạt lở bờ sông, kênh rạch Sài Gòn nằm ở đâu?

Theo báo cáo mới nhất của Sở GTVT, TP.HCM có 37 điểm sạt lở nằm rải rác ở 9 quận, huyện, trong đó có 22 vị trí được xếp loại 'đặc biệt nguy hiểm'.

Kết quả rà soát, đánh giá phân loại các vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn TP.HCM cho thấy thành phố xuất hiện 5 điểm sạt lở mới. Các vị trí được phân loại thành mức độ đặc biệt nguy hiểm và mức độ nguy hiểm.

Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải, với diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, trong mùa mưa bão 2018, dự báo trên địa bàn tình hình sạt lở bờ sông tiếp tục gia tăng.

Quận Thủ Đức có 4 vị trí sạt lở nằm quanh tuyến sông Sài Gòn. Trong đó có vị trí số 2 (nằm ở cuối đường số 7, khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, cách cầu Bình Phước khoảng 1.000 về phía hạ lưu), xếp loại đặc biệt nguy hiểm. Năm 2015, cũng ở ngay khu vực này, sạt lở đã nhấn chìm 2 căn nhà cùng đoạn bờ kè có diện tích khoảng 2.000 m2 xuống sông Sài Gòn.

Quận Bình Thạnh có 3 địa điểm sạt lở, nằm rải rác ở phường 27 và 28, thuộc tuyến sông Sài Gòn. Cả 3 điểm này đều xếp loại đặc biệt nguy hiểm. Cách đây nhiêu năm, phường 27 từng đã xảy ra 4 vụ sạt lở làm mất hơn 1.000 m2 đất, trong đó có 4 căn nhà đổ ập xuống dòng sông trong đêm.

Quận 2 có 5 điểm sạt lở. Trong đó, vị trí số 12 (nằm ở bờ trái sông Sài Gòn, cách cầu Sài Gòn 4,5 km về phía thượng lưu, khu vực khu đất số 61 Trần Ngọc Diện, phường Thảo Điền) là vị trí sạt lở mới, mức độ sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Nơi đây đang được thực hiện các thủ tục về dự án đầu tư xây dựng bờ kè.

Quận 7 có duy nhất một vị trí sạt lở, nằm ở tuyến sông Rạch Đĩa - Rạch Rơi, sông Phú Xuân, được xếp loại nguy hiểm.

Vị trí sạt lở ở quận 8 thuộc kênh Tàu Hủ - Lò Gốm, trước kho 277-289, bến Bình Đông, phường 14. Còn nhớ năm 2010, một đoạn bờ kè sát ở vị trí này bị nứt toác, tạo thành rãnh sâu khiến mặt bờ kè sụt lún, bị kéo xô ra phía kênh, ảnh hưởng việc di chuyển và cuộc sống của người dân.

Huyện Bình Chánh có 4 địa điểm sạt lở. Trong số đó, có vị trí số 17 (nằm bờ phải sông Chợ Đệm - Bến Lức, xã Tân Kiên) được phát hiện mới, mức độ đặc biệt nguy hiểm. Đầu năm nay, thành phố đã chỉ đạo UBND huyện Bình Chánh có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng, cơi nới các công trình phụ trợ sát bờ làm gia tăng tải trọng, gây nguy cơ sạt lở tại tuyến sông này.

Huyện Nhà Bè là nơi có nhiều vị trí sạt lở nhất, 12 điểm. Trong đó có tới 8 nơi được xếp hạng đặc biệt nguy hiểm. Năm 2017, một vụ sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra ở khu vực ven sông Kinh Lộ, đoạn gần cầu Kinh Lộ thuộc xã Hiệp Phước, khiến 5 căn nhà bị hư hại nghiêm trọng, hàng chục người phải sơ tán khẩn cấp.

Huyện Cần Giờ có 6 vị trí sạt lở, 4 trong số đó đặc biệt nguy hiểm. Gần đây nhất, tháng 6/2018, tại dự án xây dựng kè bảo vệ khu dân cư Tắc Sông Chà (Ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh) đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng khiến 160 m kè dọc theo bờ sông bị cuốn theo dòng nước. Vụ việc khiến 4 hộ dân phải di dời khẩn cấp ra khỏi vùng bị ảnh hưởng.

Huyện Hóc Môn mới phát sinh 1 địa điểm sạt lở trong năm nay ở bờ phải rạch Tra, xã Tân Hiệp, đường vào Nhà máy Tân Hiệp. Dự án chống sạt lở tại địa điểm này đã được UBND TP.HCM cho phép triển khai, với tổng mức đầu tư hơn 130 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2020.

Phượng Nguyễn - Ngân Giang

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/37-diem-sat-lo-bo-song-kenh-rach-sai-gon-nam-o-dau-post872408.html