36 sự kiện tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội (Kỳ6)

Trân trọng giới thiệu tiếp cuốn sách 36 sự kiện tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội của PGS TS Cao Văn Liên do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2010.

CVL Kỳ 6

Sự kiện thứ 5: Hà Nội-Đại La-Thủ phủ của thời kỳ tự chủ.

Cuối thế kỷ VIII, nhà Đường suy yếu. Nhân cơ hội đó, các hào trưởng của giai cấp phong kiến Việt Nam nổi dậy giành quyền tự chủ. Năm 766, Phùng Hưng quê ở Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây - Hà Nội ngày nay) đã kéo quân chiếm được thành Đại La. Viên quan nhà Đường là Cao Chính Bình lo sợ mà chết. Đại La thành Thủ phủ của nền tự chủ của Phùng Hưng được 7 năm. Nhân dân ta tôn Phùng Hưng là Bố-Cái Đại Vương (vua cha-vua mẹ).[1]. Năm 773 Phùng Hưng mất, con là Phùng Hải thay. Năm 791, nhà Đường phản công. Phùng Hải thất bại. Thành Đại La lại rơi vào tay nhà Đường sau 25 năm duy trì nền tự chủ. Năm 806 Dương Thanh cùng 3000 quân khởi nghĩa chiếm thành Đại La, giết chết Tiết độ sứ nhà Đường. Khởi nghĩa bị tướng nhà Đường Quế Trọng Vũ đàn áp.

Năm 906 nhân cơ hội nhà Đường sụp đổ, Trung Quốc bước vào cục diện năm đời mười nước suy yếu, rối loạn. Nhân cơ hội đó, Khúc Thừa Dụ, một hào trưởng ở đất Hồng Châu (nay thuộc Hải Dương) lại quật khởi giành lại quyền tự chủ, xưng là Tiết độ sứ. Thành Đại La thành trung tâm của chính quyền tự chủ của họ Khúc. Năm 907, Khúc Thừa Dụ mất, con là Khúc Hạo thay cha. Khúc Hạo đã tiến hành cải cách hành chính, chia nước ta thành lộ, phủ, châu, hương, giáp, xã. Khúc Hạo như vậy là người đầu tiên của nước ta cải cách hành chính, xây dựng một chính quyền tự chủ thống nhất mà Đại La là trung tâm. Dù chỉ xưng là Tiết độ sứ của nhà Đường và sau này là của nhà Hậu Lương (sách lược mềm dẻo của ta khi đó) nhưng nhân dân ta đã nắm được toàn bộ quyền cai quản đất nước. Ách thống trị của phong kiến Trung Quốc 1000 năm trên đất nước ta thực tế đã chấm dứt.

Năm 917 Khúc Hạo mất, con là Khúc Thừa Mỹ lên thay cha nắm quyền. Năm 923 nhà Nam Hán, một trong 10 nước ở phía nam Trung Quốc do hậu duệ nhà Hán lập nên, lãnh thổ Quảng Đông, Kinh đô Phiên Ngung (Quảng Châu), sai tướng Lý Khắc Chính sang xâm lược, Khúc Thừa Mỹ thất bại và bị bắt. Thành Đại La lại rơi vào tay quân xâm lược. Năm 931, Dương Đình Nghệ, một hào trường ở đất Ái Châu (Thanh hóa ngày nay), vốn là tướng của họ Khúc đã đánh bại quân Nam Hán, giành lại quyền tự chủ. Năm 937, Dương Đình Nghệ bị một tùy tướng là Kiều Công Tiễn giết chết để đoạt chức Tiết độ sứ và cầu cứu quân Nam Hán để bảo vệ địa vị của mình. Nam Hán liền huy động hai đạo quân thủy bộ tiến vào nước ta. Vua Nam Hán Lưu Cung đích thân chỉ huy đạo bộ binh đóng ở Hải Môn, Bác Bạch, Quảng Đông sẵn sàng chi viện cho đạo thủy quân do Hoàng Thái tử Hoàng Thao tiến vào sông Bạch Đằng. Nền tự chủ non trẻ vừa giành được bị đe dọa bởi thù trong giặc ngoài.

Tranh minh họa: Trận Bạch Đằng năm 938 (trưng bày tại Bảo tàng lịch sử). Nguồn: Internet.

Trong tình hình nguy ngập, tháng 11 năm 938, Ngô Quyền quê ở Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây Hà Nội ngày nay) khi đó là quan trấn thủ Ái Châu, con rể Dương Đình Nghệ, gấp rút kéo quân ra thành Đại La, giết chết tên phản bội Kiều Công Tiễn. Tiếp đó, Ngô Quyền sai lấy cọc gỗ vót nhọn bịt sắt đóng xuống cửa sông Bạch Đằng, bố trí trận địa mai phục, dụ thủy quân Nam Hán lọt vào và tiêu diệt toàn bộ, tướng giặc Lưu Hoàng Thao bị giết chết. Nghe tin thủy quân đại bại, con bị giết, Lưu Cung khiếp sợ khóc ròng vội vã lui về Phiên Ngung, từ bỏ âm mưu xâm lược. Trận quyết chiến lược Bạch Đằng đã cứu Đại La khỏi một thảm họa. Kiều Công Tiễn bị giết là do thành Đại La không phải là nơi dung thân cho kẻ phản bội dân tộc. Chiến thắng Bạch Đằng của anh hùng dân tộc Ngô Quyền đã kết thúc hơn 1000 năm thống trị của phong kiến Trung Quốc, mở ra một thời đại mới cho lịch sử dân tộc, thời kỳ xây dựng quốc gia phong kiến độc lập lâu dài.

(Còn nữa)

CVL

---------------------------

[1] .Lăng thờ Phùng Hưng nay còn ở Kim Mã, đền thờ Phùng Hưng ở Quảng Bá, Thịnh Hào,Triều Khúc, Hà Nội.

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/36-su-kien-tieu-bieu-cua-thang-long--ha-noi-ky6-82109