350 văn bản pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện có khoảng 350 văn bản pháp luật quy định về chính sách quản lý và kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu gồm: 39 Luật, 77 Nghị định của Chính phủ và Quyết định/Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 240 Thông tư/Quyết định của bộ, ngành.

CBCC Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng kiểm tra hàng hóa NK. Ảnh: N.Linh

Với vai trò là đơn vị đầu mối, phối hợp với các bộ liên quan triển khai thực hiện Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, từ năm 2017 đến nay, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh cải cách, đổi mới phương thức quản lý và KTCN.

Cụ thể, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chủ động nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật về quản lý và KTCN để kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc; tập hợp những vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp và hải quan địa phương, tổng hợp, phản ánh và kiến nghị các đơn vị chuyên môn thuộc các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý và KTCN; tham gia, góp ý vào các dự án xây dựng văn bản nghị định, thông tư liên quan đến công tác KTCN do các bộ, ngành xây dựng, ban hành.

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị chuyên môn thuộc các bộ, ngành (làm việc tập trung cùng với công chức hải quan) rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về KTCN còn bất cập, vướng mắc, chưa đáp ứng được theo chỉ đạo tại Quyết định 2026/QĐ-TTg và các Nghị quyết 19 năm 2015, 2016, 2017 của Chính phủ.

Trong tháng 8/2018, Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp với một số đơn vị chuyên môn thuộc các bộ, ngành tổ chức đợt làm việc tập trung để rà soát văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, rà soát mã số HS.

Tháng 9/2018, Bộ Tài chính đã có các công văn gửi 5 Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường thúc đẩy các bộ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và KTCN.

Chủ trì tổ chức, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, chuẩn hóa Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu kèm mã số HS phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Đồng thời, rà soát chỉ rõ các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu chồng chéo trong quản lý và kiểm tra, đang phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục, chịu nhiều hình thức quản lý, KTCN trước thông quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất, kiến nghị một số giải pháp cụ thể.

Đặc biệt, thời gian qua Tổng cục Hải quan được Bộ Tài chính giao chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định quy định về thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong đó quy định rõ trách nhiệm của các bộ quản lý chuyên ngành trong việc thực hiện các quy định về KTCN.

Trong đó các vấn đề quan trọng được đưa vào dự thảo Nghị định gồm: Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong KTCN; Ban hành Danh mục hàng hóa thuộc đối tượng KTCN trước thông quan phải đảm bảo các tiêu chí: Có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để kiểm tra (trường hợp chưa có/không có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phải có chỉ tiêu kiểm tra), quy trình, thủ tục, cơ quan kiểm tra, có mã số HS; Chỉ được đưa vào danh mục hàng hóa KTCN trước thông quan đối với hàng hóa có nguy cơ rủi ro cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường, an ninh quốc phòng; Quy định thống nhất các đối tượng được miễn KTCN trước thông quan...

Cũng trong năm 2018, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chủ trì tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại”. Sau hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1254/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 – 2020. Tại Quyết định giao các bộ, ngành thực hiện các giải pháp cụ thể nhằm cải cách công tác quản lý và KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi thương mại.

N.Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/co-khoang-350-van-ban-phap-luat-ve-quan-ly-kiem-tra-chuyen-nganh.aspx