35% F0 ở Trung tâm ICU BV Bệnh nhiệt đới trong tình trạng rất nặng, nguy kịch

Được giao thiết lập Trung tâm ICU 500 giường nhưng thực tế, hiện số F0 tầng 3 ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tăng lên 570 ca với hơn 200 ca nặng, nguy kịch.

Sau gần 1 tháng vừa điều trị F0 tầng 3, vừa sửa sang "cuốn chiếu", theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2) đã chuyển đổi hoàn toàn công năng thành Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 với quy mô 500 giường ICU. Đây là cơ sở điều trị nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch nhất miền Bắc từ trước tới nay.

Dù được giao thiết lập Trung tâm ICU 500 giường bệnh, nhưng thực tế với áp lực F0 tăng nhanh ở nhiều tỉnh/thành dẫn tới số bệnh nhân tầng 3 tăng, Bệnh viện tiếp nhận tới 570 bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch từ các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung bộ chuyển về điều trị. Đây là những bệnh nhân vượt quá khả năng chăm sóc, điều trị ở tuyến dưới. Riêng Hà Nội có gần 140 bệnh nhân chuyển lên Bệnh viện này.

Tới sáng 20/1, có hơn 200 ca (chiếm hơn 35% tổng bệnh nhân) phải hỗ trợ hô hấp từ mức phải thở oxy, oxy dòng cao (HFNC) đến thở máy, ECMO (tim phổi nhân tạo - hiện có 6 ca), tăng hơn gấp đôi so với cách đây hơn 1 tháng. Số còn lại là những bệnh nhân tầng 3 tiên lượng nặng, đây là nhóm bệnh nhân mắc bệnh lý nền, đang có thai, vừa trải qua phẫu thuật…

Chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Đức Duy

Chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Đức Duy

Theo BSCK2 Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện, những ca nặng tại đây hầu hết là người lớn tuổi, có bệnh nền, chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine... Vẫn có một nhóm trẻ tuổi là người mắc ung thư, chạy thận nhân tạo (khoảng 20 ca) chuyển từ các tỉnh về. Ngoài ra, có khoảng 30 trường hợp F0 là thai phụ, sản phụ. Trong số này có khoảng 14 thai phụ và hơn 10 sản phụ bị suy hô hấp, phải thở oxy trở lên.

Hiện cơ sở này có hơn 400 nhân viên y tế cơ hữu, ngoài ra có lượng học viên từ các tỉnh hay lượng bác sĩ nội trú về học tập. Sau khi lượng bệnh nhân tầng 3 tăng lên, bệnh viện đã báo cáo Bộ Y tế và đã được các tỉnh, đơn vị hỗ trợ nhân lực. Thực tế, Đại học Điều dưỡng Nam Định đã cử 60 sinh viên năm cuối đã tốt nghiệp, Cao đẳng Y tế Bạch Mai chi viện 30 học viên, 8 nữ hộ sinh ở Hưng Yên cũng được tăng cường về Trung tâm ICU này để hỗ trợ điều trị F0 tầng 3.

"Với lực lượng thầy thuốc cơ hữu, tình nguyện viên và các thầy thuốc hỗ trợ hiện nay chúng tôi vẫn sẵn sàng đảm đương được số bệnh nhân COVID-19 nặng tại viện. Hơn nữa, mặt bằng bệnh viện rộng nên chúng tôi chưa đến mức quá tải. Tuy nhiên nếu số bệnh nhân nặng/nguy kịch tăng lên (khoảng 700-800 F0) thì chúng tôi phải tiếp tục báo cáo Bộ Y tế để được tăng cường nhân lực, đảm bảo chăm sóc, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân" - BS Cấp cho hay.

Sau khi chuyển đổi công năng thành Trung tâm ICU hoàn chỉnh, hiện tất cả các khoa phòng (như khoa Nội tổng hợp, Virus ký sinh trùng, Viêm gan, Cấp cứu...) tại cơ sở 2 Bệnh viện này đều vận hành như các đơn vị hồi sức tích cực. Theo BS Cấp, việc duy trì cơ cấu khoa là để các đơn vị kiểm soát không quá 80 bệnh nhân nặng/khoa, người đứng đầu không bỏ sót bệnh nhân. Chỉ riêng hai đơn vị là ngoại sản và nhi sẽ tiếp nhận riêng nhóm bệnh nhân sản, nhi hay ngoại (chấn thương, gẫy xương... từ các nơi chuyển về.

Võ Thu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//35-f0-o-trung-tam-icu-bv-benh-nhiet-doi-trong-tinh-trang-rat-nang-nguy-kich-169220120123809158.htm