320 năm hình thành vùng đất cù lao Ông Chưởng - Chợ Mới

Hôm nay (24-7), Huyện ủy, UBND huyện Chợ Mới (An Giang) long trọng tổ chức kỷ niệm 320 năm vùng đất cù lao Ông Chưởng - Chợ Mới hình thành, phát triển và lễ công bố công trình khoa học sách lịch sử 'Cù lao Ông Chưởng - Chợ Mới 320 năm hình thành và phát triển (1700 - 2020)'.

Bí thư Huyện ủy Chợ Mới Võ Nguyên Nam chia sẻ: “Lịch sử vùng đất cù lao Ông Chưởng - Chợ Mới 320 năm hình thành và phát triển là niềm tự hào chung của tất cả những người con của quê hương thế hệ hôm nay. Là quãng thời gian nối tiếp biết bao thế hệ được sinh ra, lớn lên và trưởng thành luôn bám đất giữ làng. Làm cho vùng đất và con người nơi đây càng thấm đậm tình người và luôn khắc sâu về cội nguồn lịch sử.

Tiếp nối truyền thống này, huyện sẽ đột phá đẩy nhanh phát triển các lĩnh vực, tiếp tục tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất chế biến chuyên sâu gắn chuỗi giá trị; phát triển các tiểu khu cụm công nghiệp; tạo mọi điều kiện thu hút đầu tư. Quan tâm ổn định an ninh trật tự, phát triển văn hóa xã hội, nâng cấp quy mô các lễ hội truyền thống dân gian... để sớm hoàn thiện bức tranh của huyện giàu truyền thống cách mạng, đạt chuẩn nông thôn mới (NTM)”.

Hội thảo góp ý hoàn chỉnh công trình khoa học

Cù lao Ông Chưởng là địa danh gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của huyện Chợ Mới ngày nay từ buổi đầu khai phá; là vùng đất được khai phá đầu tiên trong tỉnh An Giang. Đó là năm Canh Thìn - 1700, tháng 4, sau khi đánh dẹp loạn Nặc Thu, trên đường trở về Gia Định, Nguyễn Hữu Cảnh dừng chân ở Châu Sao Mộc (tức cù lao Cây Sao, nay là cù lao Ông Chưởng), mở ra cơ hội cho lưu dân người Việt khai phá, định cư, lập làng, tiến tới xác lập chủ quyền trên thực tế ở vùng đất này.

Cù lao Ông Chưởng - Chợ Mới là vùng đất giàu truyền thống: yêu nước, cách mạng, cần cù, sáng tạo. Qua các thời kỳ lịch sử, những truyền thống tốt đẹp ấy được giữ gìn, phát huy trong các thế hệ, góp phần làm nên những kỳ tích đầy tự hào trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cũng như trong xây dựng và phát triển quê hương.

Chợ Mới là nơi thành lập Chi hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đầu tiên trong tỉnh; nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Long Xuyên và cả vùng Long Xuyên - Châu Đốc. Lịch sử đã trao cho Chợ Mới vai trò “chiếc nôi cách mạng” của tỉnh.

Qua các cao trào cách mạng trong 15 năm đấu tranh giành chính quyền (1930-1945), Chợ Mới đã góp phần xứng đáng vào các cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù; là một trong những lò lửa nóng bỏng của phong trào đấu tranh ở Nam Kỳ những năm 1930-1931; giữ gìn và phát triển lực lượng nhanh chóng trong giai đoạn 1932-1935; là vùng điểm chỉ đạo của tỉnh trong cao trào đấu tranh dân chủ, với cuộc tiếp đón nghị sĩ Honel vào tháng 7-1937 gây tiếng vang khắp Tây Nam Kỳ; là vùng điểm chỉ đạo của tỉnh trong Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 và trong Cách mạng Tháng Tám 1945, góp sức giành chính quyền tại tỉnh lỵ Long Xuyên.

Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Ngô Hoàng Hiếu tặng giấy khen các cá nhân có thành tích đóng góp xây dựng nông thôn mới

Trong mặt trận chính trị, binh vận, Chợ Mới nổi lên với nhiều cuộc đấu tranh bền bỉ, kiên trì, với niềm tin son sắt vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng do Đảng, Bác Hồ lãnh đạo. Nhờ niềm tin son sắt ấy, cán bộ, đảng viên không màng hy sinh, gian khổ, quyết bám đất, bám dân hoạt động. Nhân dân không sợ tù đày, đánh đập, sẵn lòng nuôi chứa, đùm bọc, giúp cán bộ cách mạng, mặc cho ngụy quân, ngụy quyền và bọn phản động núp bóng tôn giáo kìm kẹp, khủng bố.

Nhờ niềm tin son sắt ấy, Đảng bộ và nhân dân huyện Chợ Mới đã chiến đấu và chiến thắng ngay trong lòng địch. Chợ Mới là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh, nhưng là địa phương giải phóng sau cùng ở miền Nam. Điều đó càng nhắc nhở cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân trên “chiếc nôi cách mạng” về một thời ác liệt, không ít đau thương nhưng vô cùng vẻ vang, đầy tự hào.

Con số 5 danh hiệu tập thể và 10 danh hiệu cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 99 mẹ Việt Nam Anh hùng; hơn 1.200 liệt sĩ; hơn 1.500 Huân, Huy chương kháng chiến các loại... đủ nói lên sự oanh liệt, vẻ vang của những người con trên quê hương Chợ Mới có lịch sử hình thành 320 năm.

Nhờ cần cù, sáng tạo, mà các thế hệ tiền nhân đã biến vùng đất sình lầy, hoang vu thành ruộng đồng tươi tốt. Từ năm 1980, nhân dân Chợ Mới đã hoàn toàn làm lúa 2 vụ, không cần cấp trên cứu trợ lương thực mà còn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ lương thực cho nhà nước. Không chỉ đi đầu trong chuyển 2 vụ lúa, Chợ Mới còn đi đầu của tỉnh trên mặt trận thủy lợi, hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo công-thương nghiệp... sau giải phóng.

Đặc biệt, nhờ cần cù, sáng tạo, từ năm 1979, huyện Chợ Mới thực hiện công trình đê bao chống lũ thí điểm tại xã Kiến An, được cố Thủ tướng Đỗ Mười hết lời khen ngợi khi đến khảo sát thực địa. Từ Kiến An, mô hình đê bao ngăn lũ được nhân rộng toàn huyện với hệ thống đê bao kiểm soát lũ cho 75 tiểu vùng, đảm bảo làm lúa 3 vụ ăn chắc; cũng như nhân rộng mô hình đê bao trên khắp ĐBSCL. Mô hình đê bao kiểm soát lũ đã tạo “cú hích” để Chợ Mới đột phá phát triển kinh tế - xã hội vào cuối thế kỷ XX. Ngày 7-11-2000, huyện Chợ Mới được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.

Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Nguyễn Hồng Viễn đánh giá công tác phát triển du lịch cù lao Giêng

Truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động giúp nhân dân Chợ Mới luôn nhạy bén, tích cực trong đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, làm giàu cho xã hội. Ngày nay, Chợ Mới là địa phương đi đầu toàn tỉnh về chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ lúa kém hiệu quả sang rau màu và cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao. Trái cây của Chợ Mới đủ tiêu chuẩn để xuất qua Mỹ, Úc. Cù lao Giêng - “Doanh Châu của hạ giới” đang từng bước chuyển mình, tham gia vào chuỗi phát triển du lịch. Xay xát, đóng tàu, gạch ngói, cơ khí sửa chữa, cơ khí nông cụ... và 13 làng nghề tiểu thủ công nghiệp trong tổng số gần 3.500 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cùng hơn 600 doanh nghiệp và hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ - du lịch đã và đang đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của huyện nhà. 9/16 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã và 2 thị trấn đạt chuẩn đô thị. Thu nhập bình quân của người dân đạt 52,4 triệu đồng/người/năm.

Chợ Mới đa dạng về tín ngưỡng - tôn giáo, phong phú của hệ thống nghi lễ và kiến trúc của các cơ sở thờ tự. Toàn huyện có hơn 100 cơ sở thờ tự tín ngưỡng-tôn giáo. Nhà thờ cù lao Giêng có lịch sử hình thành hàng trăm năm, được xây dựng chỉ sau nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn, là niềm tự hào của giáo dân trong toàn vùng Chợ Mới. Huyện còn có 3/16 đình làng, 2 phủ thờ và 3 dinh thờ được công nhận di tích lịch sử và di tích văn hóa cấp tỉnh. Riêng chùa Bà Lê (Phước Hội tự, Hội An) là di tích lịch sử cấp quốc gia. Điểm đặc biệt là những cơ sở thờ tự được công nhận di tích đều có lịch sử gắn liền với sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân địa phương.

Chợ Mới là vùng đất hiếu học. Từ thời mở đất, lập làng, ổn định cuộc sống, một số dòng tộc trên vùng đất này đã bỏ công mời “thầy Quảng, thầy Huế” vào dạy chữ cho con cháu. Nay, Chợ Mới cũng đi đầu trong phong trào khuyến học, khuyến tài của tỉnh, với hơn 39.000 gia đình được công nhận gia đình học tập, 97 dòng họ học tập (trên 1.500 thành viên). Nhân dân Chợ Mới luôn tự hào về quê hương “địa linh nhân kiệt”, sản sinh ra nhiều danh nhân thành đạt trên các lĩnh vực, từ chính trị cho đến làm ăn kinh tế, từ danh tướng thời nhà Nguyễn cho đến Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội; nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhà biên khảo, soạn giả, đạo diễn, ca sĩ nổi tiếng, nghệ sĩ ưu tú, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân... như: Thư Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thư, danh tướng thời Chúa Nguyễn; Châu Văn Liêm, Bí thư liên tỉnh Gia Định - Chợ Lớn; Lương Văn Cù, Bí thư liên Tỉnh ủy Long Xuyên; Lê Triệu Kiết, Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ; Thầy thuốc nhân dân, GS.BS Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế; nghệ sĩ Nguyễn Thế Đoàn, nhà quay phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam ở Nam Bộ; anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng; Nguyễn Văn Hơn, Trương Công Thận, nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang...

Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Ngô Hoàng Hiếu chia sẻ: “Các thế hệ cư dân Chợ Mới luôn tự hào được sinh ra và lớn lên trên vùng đất được khai phá đầu tiên trong tỉnh. Nhân dân Chợ Mới càng ghi nhớ công đức khai mở của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Trong niềm tự hào to lớn ấy, huyện Chợ Mới tổ chức biên soạn công trình khoa học này.

Sách sơ thảo được xuất bản dài gần 400 trang và 107 hình ảnh, chia làm 3 phần, 8 chương, trình bày về lịch sử hình thành, địa giới hành chính, điều kiện tự nhiên - dân cư; các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội qua các thời kỳ lịch sử, từ năm 1700 đến năm 2020; 9 sự kiện tiêu biểu: dấu mốc hình thành và xác lập vùng đất cù lao Ông Chưởng - Chợ Mới, chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hủ (1833 - 1834), thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên (4-1930), Khởi nghĩa Nam Kỳ tại Chợ Mới (12-1940), giải giáp quân Nhật tại cù lao Giêng (9-1945), chiến thắng Chưn Đùng (7-1947), chống càn tại xã Hội An (12-1964), giải phóng Tây An cổ tự (5-1975)… cùng 10 di tích lịch sử - cách mạng và kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu được xếp hạng: chùa Bà Lê, cột Dây Thép, phủ thờ Nguyễn Tộc, phủ thờ họ Dương, đình Long Kiến, đình Tấn Mỹ, đình Chợ Thủ, chùa Long Hòa, dinh Nguyễn Hữu Cảnh ở Kiến An và thị trấn Chợ Mới.

Công trình là thành quả tâm huyết của tập thể lãnh đạo huyện, với sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành; sự đóng góp quý báu của nguyên lãnh đạo Huyện ủy, UBND qua các thời kỳ và các nhà nghiên cứu, giảng viên, giáo viên và nhân dân. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chợ Mới sẽ nỗ lực phấn đấu không ngừng để xứng đáng kế thừa, lớp hậu sinh khả úy; tập trung nâng cao thi đua lao động, sáng tạo, góp phần vào công cuộc kiến tạo, phát triển, hội nhập của đất nước, của tỉnh và huyện. Những người con sinh ra từ vùng đất cù lao Ông Chưởng tiếp nối truyền thống vẻ vang, thực hiện công cuộc dựng xây, phát triển huyện cù lao gắn liền với sự nghiệp hiển hách của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Thành quả cuối cùng, có ý nghĩa quan trọng nhất chính là chất lượng cuộc sống của nhân dân, của huyện NTM, với những phúc lợi xã hội phục vụ con người, phục vụ nhân dân; đi cùng hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, mang lại hệ sinh thái đầu tư, khởi nghiệp hấp dẫn ngay trên vùng đất cù lao trung dũng, anh hùng, thủy chung, giàu tình nghĩa”.

HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/320-nam-hinh-thanh-vung-dat-cu-lao-ong-chuong-cho-moi-a279102.html