318 đại biểu Quốc hội không đồng ý tăng giờ làm thêm

Sát ngày thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) quan điểm của các vị đại biểu Quốc hội vẫn rất khác nhau về quy định giờ làm thêm...

 Có ý kiến đại biểu đề nghị ban hành danh mục đầy đủ các loại nghề, công việc theo nhóm quy định mức tăng giờ làm thêm hợp lý.

Có ý kiến đại biểu đề nghị ban hành danh mục đầy đủ các loại nghề, công việc theo nhóm quy định mức tăng giờ làm thêm hợp lý.

Sát giờ thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) quan điểm của các vị đại biểu Quốc hội vẫn rất khác nhau về quy định giờ làm thêm.

Phục vụ việc bấm nút thông qua bộ luật rất quan trọng này vào sáng 20/11, cả kết quả xin ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo và báo cáo tiếp thu giải trình dự thảo bộ luật đều đã được gửi đến đại biểu Quốc hội.

Tranh luận nảy lửa đến tận phiên thảo luận cuối cùng, quy định về mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa đã được xin ý kiến đại biểu qua phiếu với hai phương án.

Phương án 1: Giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ luật Lao động hiện hành, nhưng cần ghi rõ nâng thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.

Phương án 2: Nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ trong một năm theo đề xuất của Chính phủ.

Kết quả: có 318 vị đồng ý phương án 1, bằng 79,30% tổng số phiếu và 65,84% tổng số đại biểu Quốc hội.

Có 83 vị đồng ý phương án 2, bằng 20,70% tổng số phiếu và 17,18% tổng số đại biểu Quốc hội. 15 đại biểu đồng ý một trong hai phương án. 5 đại biểu không đồng ý phương án nào cũng không có ý kiến khác.

Trong số các vị đồng ý phương án 1, có ý kiến đề nghị ban hành danh mục đầy đủ các loại nghề, công việc theo nhóm quy định mức tăng giờ làm thêm hợp lý, trong đó xác định rõ số giờ cao nhất làm thêm ban ngày và ban đêm vì đây là hai khoảng thời gian khác nhau, tác động khác nhau lên người lao động nhằm tránh lạm dụng, tranh chấp và rủi ro cho người lao động và cả doanh nghiệp.

Có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về làm việc theo giờ (hợp đồng theo hình thức thỏa thuận ngoài hợp đồng lao động). Theo đó đơn vị, cá nhân có nhu cầu sử dụng lao động theo giờ có trách nhiệm: đăng ký hoặc thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động nhu cầu sử dụng lao động trả lương theo giờ. Ký hợp đồng làm việc theo giờ với người lao động có nhu cầu làm việc theo giờ. Trang bị bảo hộ lao động theo quy định, mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động theo giờ (khi có luật này Chính phủ cần quy định các đơn vị kinh doanh bảo hiểm phải có trách nhiệm cung ứng sản phẩm bảo hiểm theo loại hình làm việc theo giờ).

Đồng thời, đại biểu cho rằng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu để Chính phủ ban hành quy định về mức lương tối thiểu theo nguyên tắc thu nhập trả gộp và thay đổi theo khung giờ. Nếu có quy định này sẽ bảo vệ được hàng triệu người làm việc tự do ngoài doanh nghiệp.

Từ kết quả nói trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội chỉ đạo chỉnh lý quy định về làm thêm giờ tại dự thảo bộ luật trình Quốc hội thông qua.

Điều 107. Làm thêm giờ

1. Thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.

2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:

a) Phải được sự đồng ý của người lao động;

b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;

c) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp sau đây:

a) Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản;

b) Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;

c) Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời;

d) Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn, do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước do hậu quả thời tiết, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất;

đ) Trường hợp khác do Chính phủ quy định.

4. Khi tổ chức làm thêm giờ theo quy định tại khoản 3 Điều này, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

(Nguồn: Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8)

Nguyễn Lê

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/318-dai-bieu-quoc-hoi-khong-dong-y-tang-gio-lam-them-20191119223421561.htm