31 năm Gạc Ma bị Trung Quốc cưỡng chiếm: Những hồi ức bi tráng

Sáng 14.3.1988, bộ đội Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng chủ quyền trên cụm đảo chìm Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin thì lính Trung Quốc bất ngờ đưa quân và tàu chiến đến ngăn cản. Trong cuộc chiến không cân sức đó, 64 chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã hy sinh. Tàu HQ 505 bị bắn cháy đã lao hết tốc lực lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền Cô Lin.

Gác lại chuyện riêng vì nhiệm vụ chung

Tốt nghiệp lớp 10, chàng thanh niên mới lớn Trần Văn Phương (quê ở Bố Trạch, Quảng Bình) nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, lên đường nhập ngũ. Anh được cử đi học lớp kế toán trinh sát pháo binh của Quân chủng Hải quân Việt Nam. Sau đó, anh được bổ sung về làm Khẩu đội trưởng pháo thuộc Tiểu đoàn 562, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân. Cuối năm 1985, Trần Văn Phương được cử đi học trường Quân chính Quân khu 7, được bổ nhiệm chức vụ Trung đội trưởng và đề bạt quân hàm thiếu úy...

Tết Nguyên đán năm 1988, thiếu úy Trần Văn Phương được nghỉ phép về quê đón Tết với gia đình. Anh về phép cưới vợ được mấy ngày thì nhận được điện của đơn vị nên phải gấp rút lên đường.

“Thời đó gia đình nghèo lắm, toàn phải nhịn đói nên lúc nó về chẳng có gì ăn. Nó nói với tôi: Má ơi có khoai vằm (khoai lang thái nhỏ, phơi nắng) thì nấu cho con ăn với. Tôi nghe mà cảm thấy tội”, bà Hồ Thị Đức (mẹ thiếu úy Phương) sau này kể lại.

Đồng hương với thiếu úy Phương, hạ sĩ Lê Văn Đông cũng khoác ba lô rời nhà chỉ sau đêm tân hôn với vợ. Và còn nhiều chiến sĩ khác trên con tàu HQ 604 tiến ra bãi đá Gạc Ma để xây dựng chủ quyền năm ấy đã gác lại câu chuyện riêng tư: Chuyện gia đình, chuyện yêu đương, chuyện học hành dang dở để lên đường phục vụ cho Tổ quốc.

Tượng đài tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa). (Ảnh: Công Tâm)

Tượng đài tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa). (Ảnh: Công Tâm)

Tháng 3.1988, sau bữa cơm chiều, các chiến sĩ tập trung lên tàu, sắp xếp tư trang hành lý và chỗ nghỉ ngơi. Khoảng 20h ngày 11.3.1988, tàu HQ 604 kéo hồi còi, rẽ sóng rời khỏi vịnh Cam Ranh vài hải lý đã trở nên nhỏ nhoi, như chiếc lá trước biển cả mênh mông.

Màn đêm bao trùm mặt biển, chỉ còn những đốm sáng từ những con thuyền đánh cá lấp lóa phía xa. Sóng biển dạt dào vỗ quanh tàu, lòng những người lính trẻ có chút háo hức, xen lẫn với nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền.

Mới rời cảng biển chưa được bao lâu thì tàu HQ 604 gặp thời tiết xấu, sóng rất to, gió quật và nước tràn lên mạn tàu. Nhiều anh em mới đi biển say sóng mệt nhừ, nhất là anh em công binh đã vất vả mấy ngày bốc xếp vật liệu.

Sau thời gian lênh đênh, tàu tới vùng biển Trường Sa, cách đất liền khoảng 500km. Đảo chìm Gạc Ma lúc đó chỉ là những bãi đá san hô nổi lên giữa biển khi triều xuống. Lúc này tàu HQ 505 của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đang làm nhiệm vụ tại đảo Đá Lớn trong tình trạng nước ngọt đã gần cạn, thực phẩm chỉ đủ cho vài ba ngày.

Tối 12.3.1988, sau khi tàu HQ 604 và HQ 505 gặp nhau tại bãi Đá Lớn, chỉ huy hai tàu đã trao đổi, họp giao ban trong vòng 2 tiếng. Trung tá Trần Đức Thông kết luận: "Tình hình khu vực Trường Sa đang rất nóng, khả năng tranh chấp các bãi đá ngầm rất có thể xảy ra, thời gian để tiếp cận và triển khai xây dựng được tính bằng giờ".

Sau đó tàu HQ 604 tiến về Gạc Ma, còn tàu HQ 505 đi về phía Cô Lin. Cũng trong khoảng thời gian này, ngày 12.3.1988, tàu HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125 do Thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn chỉ huy xuất phát từ Đá Đông đến trấn giữ Len Đao.

Chiều 13.3.1988, tàu HQ 604 đến bãi đá Gạc Ma. Cả hai tàu HQ 604 và HQ 505 thả neo để anh em chỉ huy tranh thủ nghiên cứu phương án đưa vật liệu xuống đảo thì 3 chiếc tàu của Trung Quốc chạy về phía Gạc Ma mỗi lúc một gần.

Trên tàu, binh lính Trung Quốc đi lại, tàu được trang bị dàn tên lửa cùng rất nhiều súng pháo. Hai tàu của Trung Quốc chạy theo hình chữ V rồi áp sát chiếc tàu HQ 604 của Việt Nam. Từ trên boong, binh lính Trung Quốc dùng loa gọi sang khiêu khích. Không dừng ở đó, chúng tỏ rõ thái độ hung hăng, tiếp tục chạy quanh bãi Gạc Ma uy hiếp tàu Việt Nam.

Trước tình hình căng thẳng do Hải quân Trung Quốc gây ra, lúc 21h ngày 13.3.1988, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân chỉ thị cho trung tá Trần Đức Thông, thiếu tá Vũ Huy Lễ và đại úy Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội quyết giữ vững Gạc Ma, Cô Lin, khẩn trương thả xuồng máy, xuồng nhôm, chuyển vật liệu làm nhà lên bãi đá ngay trong đêm 13.3.

Cưỡng chiếm Gạc Ma

Khoảng 2h sáng 14.3.1988, thấy thủy triều đã xuống, tổ công tác đầu tiên của đơn vị Công binh E83 gồm bảy, tám người bắt đầu hạ xuồng nhôm từ tàu vào bá đá Gạc Ma để đào lỗ định vị làm nhà và dựng cột kéo cờ...

Đến khoảng 5h30, quân Trung Quốc bắt đầu xuất hiện, kèm theo là 3 tàu hộ vệ tên lửa tiến lại gần tàu Việt Nam, lần lượt 3 tàu áp sát tàu HQ 604. Lúc này, các chiến sĩ trên tàu Việt đều nhận ra cả 3 tàu đều là tàu chiến, mọi người đều tập trung quan sát từng động thái của đối phương.

Tàu Trung Quốc sau khi tới đã lập tức thả ba chiếc xuồng máy chở khoảng năm mươi người tiến vào bãi đá Gạc Ma. Chúng được trang bị súng AK, băng đạn và có dao lê thủ sẵn. Viên chỉ huy toán quân bước xuống tàu sau cùng và đứng gần chỗ bộ đội Công binh Việt Nam đang nắm giữ dây cáp.

Khi đặt chân lên đảo, lính Trung Quốc xì xồ nói chuyện với nhau và duy trì đội hình vòng cung, bao vây xung quanh với khoảng cách xa dần, người đứng gần nhất công binh Việt Nam là khoảng 1,5m. Không khí căng thẳng theo từng bước chân của đối phương dạo quanh bãi đá Gạc Ma.

Lúc này phía Việt Nam, trung sĩ Lê Hữu Thảo nhận nhiệm vụ quan sát đối phương, anh thống kê có khoảng 58 người, ngoài 50 người đang bao vây ở phía bãi đá, trên tàu còn có khoảng 8 người đứng trên 3 xuồng máy. Một chiếc xuồng được trang bị đại liên chạy vòng quanh tàu HQ 604 và chĩa súng khiêu khích.

Linh tính sẽ có cuộc giằng co xảy ra, trung sĩ Lê Hữu Thảo báo cáo tình hình với Trung đội trưởng Nguyễn Mậu Phong về số lượng vũ khí và sự chênh lệch binh lực giữa hai bên.

Trên tàu HQ 604 khi thấy binh lính Trung Quốc đã tiếp cận bãi đá, chỉ huy cụm đảo là trung tá Trần Đức Thông liền ra lệnh cho các thủy thủ và lực lượng công binh ai biết bơi lập tức nhảy khỏi tàu vào hỗ trợ, phối hợp cùng các đồng đội hình thành tuyến phòng thủ để đối phương không thể tiến lên.

Mặc dù đối phương vẫn hung hăng bao vây áp sát đảo, lực lượng công binh đang làm nhiệm vụ vận chuyển vẫn ké xuồng nhôm cấp tốc bốc dỡ nhanh các vật liệu lên bãi đá. Xuồng máy Trung Quốc đã chạy quanh và cắt phăng sợi dây nối. Lúc này, hạ sĩ Nguyễn Văn Lục đang nắm giữ sợi dây vận tải chuyển hàng từ tàu ra vị trí tập kết liền lao tới giằng co với lính Trung Quốc để giữ lại sợi dây.

Bà Hà Thị Liên xúc động bên hình ảnh của con tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. (Ảnh: C.T)

"Đó là lần đầu tiên có súng chĩa thẳng vào đầu tôi. Lúc đó chúng nói rất to, rất rõ bằng tiếng Việt chứ không phải tiếng Trung: "Mày mà nối dây là tao bắn chết", hạ sĩ Nguyễn Văn Lục sau này kể lại.

Sau khi khống chế được hết lực lượng công binh Việt Nam, lính Trung Quốc trên xuồng máy đồng loạt chĩa súng lên tàu HQ 604 khiêu khích.

Sau khi viên chỉ huy của Trung Quốc cầm súng ngắn bắn chỉ thiên mấy phát, tiếng đạn bắn vào không trung chát chúa, đồng loạt 50 lính của Trung Quốc xông vào cướp lấy cờ. Bắt đầu một cuộc giằng co giáp lá cà giữa hai bên.

Lực lượng Việt Nam khi ấy chỉ có 25 người, trong đó chỉ có 5 chiến sĩ của phân đội tác chiến thuộc Lữ đoàn 146 là có kinh nghiệm chiến đấu, còn lại là lính công binh chưa có kinh nghiệm, với chỉ cuốc, xẻng, xà beng... Quân Trung Quốc hùng hổ dùng lưỡi lê xông thẳng vào đâm lực lượng bộ đội Việt Nam.

Từ trên tàu HQ 604, chỉ huy cụm đảo là trung tá Trần Đức Thông ra lệnh cho lính công binh từ tàu vượt sóng bơi vào bãi đá hỗ trợ. Nhưng có người chưa bơi được tới bờ đã bị phía địch chặn lại.

Lá cờ Tổ quốc sáng hôm ấy đã được những chiến sĩ trên bãi đá Gạc Ma chuyền tay nhau, quyết bảo vệ trong cuộc chiến giáp lá cà. Sau khoảng 5-6 phút tấn công bằng lưỡi lê nhưng không uy hiếp được chiến sĩ Việt Nam, quân Trung Quốc giãn vòng vây và rút quân về tàu. Từ trên tàu, chúng đồng loạt nổ súng máy xối xả thắng vào bộ đội Việt Nam trên bãi cạn.

Trong lá thư cuối cùng của thiếu úy Trần Văn Phương gửi người vợ, anh viết: "Em thân yêu! Đi chuyến công tác này về anh sẽ xin xuất ngũ. Anh về sẽ chỉ ở nhà để giữ nhà cho em…”. Ước nguyện của anh đã không trở thành hiện thực, anh Phương cùng đồng đội đã ngã xuống, quyết bảo vệ lá cờ của Tổ quốc, giữ vùng biển đảo quê hương.

Lúc này lá cờ được những người lính công binh chuyền tới tay thiếu úy Trần Văn Phương. Giữa lúc anh cố tìm cách giữ cờ thì bị bắn vào bụng. Anh Phương bị ngã ngửa, khi ấy tay vẫn cầm chặt lá cờ. Chúng vẫn bắn thêm và khi bị ngã ra, thiếu úy Phương vẫn còn bị dính thêm mấy phát đạn nữa. Lá cờ rơi xuống đất, thấm ướt máu của thiếu úy Phương.

Nhưng một người ngã xuống lại có người khác tiếp tục tiến lên bảo vệ lá cờ Tổ quốc. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh chạy đến chỗ thiếu úy Phương, ôm lá cờ vùng chạy đến chỗ cắm cờ. Nhiều chiến sĩ Việt Nam đã bị thương nhưng không ai rời bỏ vị trí, vẫn tiếp tục xếp thành vòng tròn, chiến đấu để bảo vệ lá cờ.

Cuộc xả súng diễn ra khoảng 7-8 phút, lính Trung Quốc vẫn không đẩy lùi được "vòng tròn bất tử", chúng rút hẳn lên tàu chiến, rồi xả nhiều loạt đạn 12,7mm vào những chiến sĩ Việt Nam.

Trong cuộc chiến không cân sức hôm đó, tổng cộng 64 chiến sĩ hy sinh, 9 người bị bắt. Tàu HQ 505 bị bắn cháy đã lao hết tốc lực lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền Cô Lin. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao. Còn Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm trái phép từ đó.

Anh Phương hy sinh khi chị Mai Thị Hoa mang thai con đầu lòng một tháng. Cô con gái được đặt tên là Thủy - nghĩa là nước với ước mong “mạch nguồn” ngọt ngào ấy sẽ chảy mãi, gắn kết anh chị lại với nhau. Năm 1992, hài cốt anh được đưa về an nghỉ tại quê nhà Quảng Trạch, Quảng Bình. Nhưng trong trận chiến đó, vẫn còn nhiều liệt sĩ mà hài cốt của họ 31 năm qua vẫn nằm dưới lòng biển.

Cùng Dân Việt nhìn lại toàn cảnh cuộc cưỡng chiếm Gạc Ma của Trung Quốc qua Infographic dưới đây:

Lam Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/31-nam-gac-ma-bi-trung-quoc-cuong-chiem-nhung-hoi-uc-bi-trang-962589.html