300 năm và câu chuyện đánh vần 'tròn, vuông, tam giác'

Theo GS Hồ Ngọc Đại, Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục là thành tựu 300 năm nghiên cứu về ngữ âm tiếng Việt, được làm giáo trình cho sinh viên ĐH Tổng hợp Lômônôxốp năm 1977.

GS Hồ Ngọc Đại nói về Công nghệ Giáo dục và đánh vần 'tròn, vuông' GS Hồ Ngọc Đại giải thích việc phân biệt rõ âm và vần trong dạy tiếng Việt cho trẻ lớp 1. Ông cũng khẳng định chương trình Công nghệ Giáo dục sẽ thay thế cách dạy cũ.

Trong buổi tọa đàm "Công nghệ Giáo dục trong kỷ nguyên 4.0" diễn ra ngày 8/9 tại Hà Nội, vị giáo sư có mái tóc bạc trắng độc thoại suốt 2 giờ. GS Hồ Ngọc Đại nói chuyện bằng nội lực mạnh mẽ, say sưa, lúc trăn trở, khi lại bật cười sảng khoái.

Người chủ biên sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục kể ông không bao giờ tự nhận mình là giáo sư, tiến sĩ khoa học, bởi "tất cả chỉ là tào lao". Ông chỉ ký Hồ Ngọc Đại vì quan điểm “không cần bệ đỡ nào cả” hay “một mình đối diện với đời”.

Xây dựng nền tảng

Hồi tưởng quá khứ, GS Hồ Ngọc Đại kể về quá trình ông làm nghiên cứu sinh tâm lý học tại ĐH Tổng hợp Lômônôxốp (nay là Liên bang Nga) từ cuối những năm 1960.

Năm 1971, khi bảo vệ luận án phó tiến sĩ, tình cờ tham gia một hội thảo về dạy Toán cho học sinh lớp 1, ông đã bỏ đề tài cũ với nhiều công sức để theo đuổi vấn đề mới, bất chấp sự can ngăn của nhiều người.

Sau khi hoàn thành đề tài, ông xin đưa vào giảng dạy thử và thành công. Viện Hàn lâm Liên Xô (cũ) cho ông 8 người giúp việc, tạo mọi điều kiện để làm việc, bao gồm thư ký, người đánh máy, nghiên cứu sinh và 3 giáo viên.

Ông bảo mang trong mình áy náy khi đất nước chiến tranh mà còn ngồi đây học, nên chỉ biết cố gắng. GS Hồ Ngọc Đại tự hào kể ở thư viện Lênin, ông nghiên cứu miệt mài, được quay phim đợt kỷ niệm 50 năm thành lập thư viện. Ông đọc sách, bất cứ quyển nào, bất cứ trang nào, lúc lên xe bus, khi mua cơm. Nhiều lúc đọc không hiểu, ông cũng kệ, không bực tức.

“Mỗi thời điểm học sinh đến trường phải có giá trị của nó, cần tận dụng từng giây phút của trẻ trong đời người”, GS Hồ Ngọc Đại nói. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

“Mỗi thời điểm học sinh đến trường phải có giá trị của nó, cần tận dụng từng giây phút của trẻ trong đời người”, GS Hồ Ngọc Đại nói. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Năm 30 tuổi, ông bắt đầu nghiên cứu tư tưởng Marx, rồi mở rộng ra nhiều nhà triết học có ảnh hưởng như Hegel, Kant, Freud, Piaget… Ông học hỏi, suy ngẫm và nghiên cứu để xây dựng nên triết lý giáo dục của riêng mình.

“Tư duy của Marx ảnh hưởng đến tôi rất lớn. Những gì tôi nhận được chỉ qua một câu nói của Marx: Nhà tư bản mua ngang giá, bán ngang giá, tại sao lại có lãi? Marx là người phát hiện ra sức lao động. Qua sức lao động, tiền sẽ trở thành lớn, sức lao động làm nên tất cả. Với giáo dục, cần tổ chức việc học như thế nào khi trẻ con đi học cũng chính là sức lao động, sẽ tạo nên thành tựu”, GS Hồ Ngọc Đại nói.

Với quan điểm triết học là định hướng, tâm lý học là thực thi, ông nhìn nhận lại toàn bộ nền giáo dục cũ.

Phá vỡ nền giáo dục cũ

GS Hồ Ngọc Đại khẳng định ông có nhiều cơ hội làm việc ở nước ngoài nhưng quyết tâm trở về Việt Nam khi là tiến sĩ khoa học. Được lãnh đạo cấp cao hỏi về giáo dục lúc ấy, GS Hồ Ngọc Đại thẳng thắn trả lời: “Cải cách giáo dục mà chúng ta đang làm sẽ thất bại".

Ông cho rằng đề cương cải cách giáo dục đã chuẩn bị 20 năm (từ những năm 1960-1970), khi ấy đất nước đã hòa bình thì không còn phù hợp. Thứ hai, cải cách không có câu nào nói về những học sinh cấp ba ra chiến trường, trong khi đó đáng lẽ phải ưu tiên những người đã "xếp bút nghiên".

GS Hồ Ngọc Đại bảo ông từng từ chối lời mời làm quan chức giáo dục để xin dạy lớp 1. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

GS Đại chia sẻ ông đã từ chối lời mời làm quan chức giáo dục, chỉ có nguyện vọng được dạy lớp 1 với điều kiện mở trường Thực nghiệm. Ông Đại bảo quyết định đó khiến nhiều người tiếc nuối nhưng ông tâm niệm mở trường Thực nghiệm là công việc có trách nhiệm lớn với đất nước, với hàng nghìn học sinh. Ông muốn đất nước có một thế hệ mới.

Trường Thực nghiệm ra đời năm 1978 với lứa học sinh đầu tiên như GS Ngô Bảo Châu, GS Nguyễn Lân Hiếu, mang theo khát vọng ấy của GS Hồ Ngọc Đại.

Luôn cho rằng nền giáo dục cũ không còn phù hợp, phải thay đổi, GS Hồ Ngọc Đại kể câu chuyện trong lịch sử nhân loại ông đánh giá cao chiếc xe đạp. Khi nó mới xuất hiện, ai cũng bảo xe đạp "ngông nghênh" nhưng thực ra đã phá vỡ quãng thời gian hàng triệu năm trước con người chỉ biết đi bộ. Chiếc xe đạp đã giúp con người vứt bỏ quá khứ để sáng tạo một cách đi mới. Để sau đó nửa thế kỷ, con người phát minh ra xe máy, ôtô...

Giáo dục của Hồ Ngọc Đại cũng vậy, ông bảo mình từng viết cuốn sách “Dỡ ra để làm lại" nhưng ngay lập tức bị thu hồi. Phương pháp giáo dục của ông có gặp khó khăn nhưng "thành công ngược", bởi đã phá vỡ quá khứ. Nhiều người chỉ trích Công nghệ Giáo dục nhưng trường Thực nghiệm đã tồn tại 40 năm.

Ông tâm niệm đặc biệt từ thế kỷ 21, phải tạo ra một nền giáo dục chưa hề có. Bởi cuộc cách mạng 4.0 là thời kỳ của trí tuệ nhân tạo, của “máy nghĩ”.

Câu chuyện "vuông, tròn, tam giác"

Theo GS Hồ Ngọc Đại, sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục là sản phẩm của nhiều người, nhưng ở bản thảo cuối cùng được ký tên Hồ Ngọc Đại - người chịu trách nhiệm.

Ông nói đây là thành tựu 300 năm nghiên cứu về ngữ âm tiếng Việt, được tổng kết lại làm giáo trình cho sinh viên năm thứ ba ĐH Tổng hợp Lômônôxốp năm 1977, chứ không phải của riêng ông.

Năm 1978, ông đưa vào lớp 1 dạy khóa đầu tiên, mà học trò khóa đó có GS Ngô Bảo Châu. Trong học kỳ 1, lớp của GS Châu không học chữ mà chỉ học hình vuông, tròn, tam giác.

Triết lý giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại là "Thế hệ trẻ em mới cần một nền giáo dục hoàn toàn mới". Đồ họa: Phượng Nguyễn.

GS Đại phân tích nhiều người không hiểu ngữ âm khác tiếng nói. Học sinh khi phân tích ngữ âm học là chân không về nghĩa, tức là không cần biết đến ý nghĩa của từ, chỉ có âm thôi, như thế mới thay đổi về âm được.

GS Hồ Ngọc Đại cho hay năm 1977, giới nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam tổ chức tổng kết 300 năm nghiên cứu ngữ âm tạo nên cuốn sách Ngữ âm Tiếng Việt. Nói 300 năm bởi thời điểm từ khoảng năm 1677 trở về trước bắt đầu có nghiên cứu về Tiếng Việt, trước khi con người học và nhập môn Tiếng Việt.

Quá trình nghiên cứu từ mơ hồ đến thành tựu được tổng kết và ổn định vào năm 1977.

Tài liệu nghiên cứu này được làm giáo trình chính thức cho sinh viên năm thứ ba chuyên ngành Ngôn ngữ học, ĐH Tổng hợp Lômônôxốp năm 1977. Ông cũng sử dụng tổng kết đó để dạy Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục từ năm 1978.

“Ví dụ, ba chỉ là tiếng ba thôi, chưa cần hiểu nghĩa là gì. Nếu thay âm đầu là c thì thành ca, thay h thì thành ha, hoặc thay vần thì e sẽ thành be, i thành bi. Tức là, các em chưa cần biết nghĩa nhưng phải biết âm.

Khi âm chứa nghĩa sẽ thành từ, không chứa nghĩa là một tiếng. Tiếng đó ban đầu, các em chưa cần nắm nghĩa (dư, dừ, dứ)... Ban đầu, các em chỉ cần nắm âm và cấu trúc ngữ âm. Tôi dạy tiếng Việt cho học sinh thực dụng hơn, không sách vở, làm sao để các em biết đọc, viết và không bị tái mù chữ”, GS Đại bày tỏ.

Theo đánh giá của "cha đẻ" Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục, quan trọng nhất của cuốn sách là tư tưởng và kỹ thuật. Với dư luận, ông chỉ lắng nghe ý kiến đúng đắn và điều chỉnh những gì có ích. Ông nhìn nhận tư duy hiện nay của giáo dục nói chung và một số giáo sư nói riêng còn thấp, lại thêm vụ lợi, chắc chắn sẽ bị cuộc sống loại bỏ.

"Đừng nghĩ Công nghệ Giáo dục là của riêng Hồ Ngọc Đại"

Không hề buồn phiền khi nhắc về việc dư luận đang “lên đồng” chửi bới, GS Hồ Ngọc Đại nói ông hạnh phúc với những điều giản đơn. Ông kể một cô giáo ở Nghệ An rất xúc động khi phát biểu trong kỳ tập huấn: “21 năm dạy lớp 1, từ khi dạy sách Công nghệ Giáo dục, tôi mới có nghề thật sự”.

Trước câu hỏi phải chăng có người muốn "đánh bại" ông và trường Thực nghiệm nên mới tạo nên cuộc tranh luận dữ dội này, GS Hồ Ngọc Đại trầm ngâm trước khi nói nói về việc đất ở trường Thực nghiệm đã được chuyển giao cho người khác. Trước đó, ông rất tự hào khi trường có vị thế đẹp, là nơi cho học sinh học tập.

Sau đó, vị giáo sư nói bằng giọng rắn rỏi khi được hỏi về tương lai của Công nghệ Giáo dục: “Nó sẽ tồn tại vĩnh viễn vì đây là công trình, tiến trình của lịch sử, chứ không phải của cá nhân tôi. Đừng nghĩ đó là chương trình của riêng Hồ Ngọc Đại”.

Giáo viên giải thích phương pháp đánh vần 'vuông, tròn, tam giác' Thầy giáo Nguyễn Thành Nam giải thích cách đánh vần theo phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại.

Quyên Quyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/300-nam-va-cau-chuyen-danh-van-tron-vuong-tam-giac-post875536.html