300 khán giả và dấu hiệu phục sinh những 'khán đài chết' ở TP.HCM

300 khán giả đã lấp kín trận đá tập giữa CLB TP.HCM và Sài Gòn FC, con số này nói lên điều gì?

1. Trận đấu giữa CLB TP.HCM và HAGL, vòng áp chót V-League 2019. HAGL được hưởng quả phạt đền, Minh Vương bước lên chấm 11m. Trên khán đài sân Thống Nhất, CĐV hò hét, ủng hộ cho... đội khách ghi bàn thắng này.

"Thả đi, thả cho HAGL trụ hạng đi", một CĐV hét lớn. Minh Vương chạy đà, bóng nằm gọn trong lưới. CĐV TP.HCM bùng nổ khi đội nhà bại trận. Một cảnh tượng "điếng người", khi khán giả nhà cổ vũ cho đội khách.

Tiếng hò reo của khán giả còn lớn hơn nữa khi hồi còi mãn cuộc vang lên. HAGL đả bại CLB TP.HCM trong ngày đội chủ sân Thống Nhất được trao huy chương bạc V-League lịch sử, nhưng thất bại ấy không thấm vào đâu so với bàn thua đau đớn CLB đội chủ nhà phải nhận trên khán đài.

CLB TP.HCM chưa thu hút nhiều CĐV dù là đương kim á quân V-League.

CLB TP.HCM chưa thu hút nhiều CĐV dù là đương kim á quân V-League.

2. Chủ tịch Hữu Thắng dẫn cầu thủ đi vòng quanh sân tri ân khán giả. Sau điệu vỗ tay kiểu Viking quen thuộc, ông Thắng cùng toàn đội dừng lại ở khán đài D, cúi đầu nhóm CĐV cuồng nhiệt. Khoảng vài chục CĐV hò hét cả trận. Đó là nhóm CĐV dù nắng hay mưa, dù đối thủ là HAGL hay một đội ít tên tuổi ở V-League, họ vẫn luôn có mặt.

Trong buổi chia sẻ với VTC News, Chủ tịch của CLB TPHCM tâm tư: "Tại sao nhiều đội bóng khác có lực lượng CĐV đông đảo, hùng hậu, còn TP.HCM có đầy đủ mọi tiềm năng phát triển bóng đá, người dân hâm mộ không kém địa phương khác, mà CLB lại ra sân với số khán giả chỉ là 100, 200 người?".

CLB TP.HCM thừa hiểu, sân Thống Nhất cũng có lúc đông, nhưng là khi đội nhà gặp Hà Nội FC hay HAGL - những đội bóng thuộc mẫu "thần tượng", có nhiều tuyển thủ Quốc gia. Khán giả đến sân để xem đội khách hơn là đội nhà.

Rất ít khán giả đến theo dõi Sài Gòn FC.

Cựu HLV Toshiya Miura của CLB TP.HCM từng "sốc" khi dẫn quân ra Nam Định đá ở Thiên Trường. Khán đài hôm ấy chỉ có 1 CĐV của CLB TP.HCM. Một thực tế không hiếm gặp với các đại diện bóng đá phía Nam.

Sài Gòn FC từng nỗ lực làm hình ảnh để xóa nhòa hình ảnh đội bóng "con rơi", khi cựu Chủ tịch Nguyễn Giang Đông tự tay in từng chiếc áo đấu đội bóng bán cho người hâm mộ. Đội bóng của HLV Nguyễn Đức Thắng khi ấy cũng đá đẹp, thắng nhiều, 2 mùa giải đầu đứng ở nửa trên bảng xếp hạng, mà khán đài thì vẫn "lèo tèo".

Nếu khán giả "quay lưng" với Sài Gòn FC vì đây là đội "nào đó" từ phía Bắc chuyển vào, không phải "đại diện của Thành phố", việc CLB TP.HCM - với đầy đủ cơ ngơi và sự đầu tư bài bản, gặp khó khăn để đưa khán giả đến sân, đấy lại là bài toàn khó lý giải. Phải chăng CĐV Sài Thành quá... khó tính.

3. Vấn đề dường như không nằm ở "gốc gác". HAGL thu hút đông đảo CĐV cả nước, đá đến đâu, khán giả đầy sân đến đó dù có rất ít (hoặc không có) cầu thủ gốc Gia Lai nào trong đội hình.

Thành công của HAGL trên khía cạnh hình ảnh cho thấy không cần một đội hình đậm chất địa phương, đội bóng vẫn có sức hút riêng. Cái HAGL hơn nhiều đội bóng là dàn cầu thủ trẻ trung, lối chơi tận hiến, đẹp mắt. Dù những yếu tố này có mai một, ấn tượng đầu khó phai vẫn giúp HAGL "đông khách".

Đó cũng là cái đích CLB TP.HCM hay Sài Gòn FC hướng đến. Một lộ trình bài bản, những gương mặt thương hiệu để kéo khán giả đến sân.

CLB TP.HCM hướng đến yếu tố đầu với HLV Chung Hae Soung, và hướng đến yếu tố sau với Công Phượng, Tiến Dũng. Tiềm lực kinh tế lớn giúp đội chủ sân Thống Nhất không thiếu điều kiện chiêu mộ "ngôi sao" đúng nghĩa, mà theo BLV Quang Huy thì bản hợp đồng của Công Phượng với CLB TP.HCM có thể là "thắng lợi cho tất cả".

Công Phượng sẽ giúp CLB TP.HCM có thêm khán giả?

Lối đá chặt chẽ, cống hiến cùng phong thái chuyên nghiệp không chỉ mang lại thành tích, mà còn giúp đội bóng này dần thay đổi hình ảnh trong mắt khán giả, không còn "chém đinh chặt sắt" như thời HLV Miura. Cộng với những cú hích từ cầu thủ lớn, CLB TP.HCM hy vọng giống như Hà Nội FC, phần nào lấp đầy khán đài, hay thiết lập được đội ngũ CĐV trung thành như HAGL.

Sài Gòn FC chưa mang về gương mặt "lớn" nào, song Tân Chủ tịch Vũ Tiến Thành cũng khẳng định khát vọng đưa khán giả đến sân theo dõi đội bóng nhiều hơn. Rõ ràng, hai đại diện TP.HCM phải ý thức rõ: không thể ngồi yên đợi khán giả đến sân, hay đợi một hiệu ứng nào đó từ ĐTQG để mong chờ "nhiệm màu".

Khán giả không tự nhiên đến, mà các đội bóng phải đấu tranh, giành giật. Bằng thứ bóng đá đẹp, cách làm bóng đá chuyên nghiệp và tinh thần phục vụ khán giả. Đã đến lúc bóng đá phía Nam phải là một "dịch vụ", thế lực đúng nghĩa sau những năm tháng ảm đạm.

Cuộc so tài giữa CLB TP.HCM và Sài Gòn chiều qua có 300 khán giả. Trợ lý hai đội phải nhắc CĐV không ngồi sát sân ảnh hưởng đến cầu thủ. Nhiều CĐV chịu đau (bị bóng va trúng người), vẫn có mặt để theo dõi một trận đá tập. Đó là tín hiệu vui cho bóng đá TP.HCM sau những cố gắng được ghi nhận. Các CLB, ông bầu, Chủ tịch, cầu thủ phải bám vào đó để tiếp tục kiên trì với hướng đi hiện tại.

Để sân Thống Nhất có thể sống lại những năm tháng hoàng kim. Để lần tái đấu tới với HAGL, CĐV TP.HCM sẽ ăn mừng bàn thắng của Phi Sơn hào hứng, phấn khởi hơn ăn mừng bàn thắng của Minh Vương.

Hồng Nam

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bong-da-viet-nam/300-khan-gia-va-dau-hieu-phuc-sinh-nhung-khan-dai-chet-o-tphcm-ar519206.html