30 phút trò chuyện với chủ nhân cây mai 2 tỷ.

Ba năm liên tục đưa 'cụ mai' trăm tuổi, trị giá 2 tỷ, từ Gia Lai xuống Đà Nẵng, dù có người trả giá gần với yêu cầu nhưng Trương Hoài Phong vẫn chưa 'gật'. Bởi theo Phong, bán thì được tiền nhưng bán thì… tiếc lắm vì không dễ gì để có thể tìm được một cây như thế.

Cây “ biểu tượng” của nghề.

Dù rất bận rộn với việc chăm sóc, cắt tỉa và tiếp khách mua mai, Trương Hoài Phong vẫn ưu tiên dành cho tôi hơn 30 phút trò chuyện về cây mai mà anh coi như biểu tượng nghề làm mai của anh và gia đình cũng như những chuyện ít người biết về nghề trồng mai Tết rất lắm nhiêu khê.

Trương Hoài Phong bên cây mai " Biểu tượng" của mình. ảnh: Giang Sơn

Trương Hoài Phong bên cây mai " Biểu tượng" của mình. ảnh: Giang Sơn

Với cây mai mà anh coi như biểu tượng, Phong cho biết đây là giống mai hồng diệp giống cúc, cao gần 4m, được gia đình anh mua về chăm sóc cách đây 20 năm của một người dân ở Gia Lai, và đã gắn bó với gia đình họ qua 3 đời. Tính đến thời hiện tại, cây mai đã 100 năm tuổi. Phong cho biết thêm, điểm độc đáo của gốc mai này là thân gồm 5 nhánh lớn đều nhau, mang ý nghĩa là trực sinh, ngũ phúc. Cây mai này búp to và đều. Điều đặc biệt là 20 năm nay, nhờ tính toán và chăm sóc kỹ lưỡng mà cây mai này năm nào cũng nở hoa đúng dịp Tết, bất kể thời tiết có đỏng đảnh nắng mưa hay giá lạnh.

Yêu lắm cái nghề làm mai Tết.

33 tuổi với 16 năm làm nghề trồng mai Tết, Trương Hoài Phong cũng đã trải qua rất nhiều những ngọt, bùi, đắng, cay của nghề. Từ niềm đam mê, anh đã đến với nghề và coi đây như một cái nghiệp. Từ học hỏi những người đi trước đến nghiên cứu tìm tòi và ứng dụng vào từng cây mai, từng khoảng thời gian, từng sự thay đổi của thời tiết, khí hậu đến nay Trương Nam Phong tự tin khẳng định mình có thể xử lý được những vấn đề về kỹ thuật, mỹ thuật đối với các giống mai, loại mai.

Thời tiết luôn là vấn đề người làm mai Tết phải đặc biệt quan tâm. G. S

Tuy vậy, anh cũng cho biết, không ai có thể đảm bảo đến 80% là mai nở đúng dịp Tết với chất lượng tốt nhất. Chính vì vậy, để có được những chậu mai tốt nhất bán vào dịp Tết và có thể “ móc” được tiền của những vị khách khó tính thì cả năm trời người làm mai phải bỏ ra rất nhiều công sức và cả trí tuệ với bề dày kinh nghiệm. Bắt đầu từ lựa chọn mai giống, không phải mua giống là mua đại trà mà Phong phải trực tiếp lặn, lội đi khắp nơi tìm những vườn mai được chăm sóc cẩn thận bởi những người có nghề, uy tín, rồi mới lựa chọn từng cây từ 3 năm tuổi trở lên, tuyển từ loại mai, bộ rễ, thế cây đến “sức khỏe” của từng cây, chấp nhận mua với giá cao đưa về chăm sóc, uốn, tỉa. Việc chăm sóc, uốn, tỉa cũng cực kỳ công phu. Trước hết là phải chăm sóc cho cây đủ mạnh để chống chọi với thời tiết và đủ sức để cho ra những nụ, những hoa to nhất, tươi nhất và nhiều nhất. Cắt, tỉa phải đảm bảo những nguyên tắc về thẩm mỹ, về phong thủy và đặc biệt “kỵ” về lỗi. Có những cây mai mới nhìn thì tưởng là rất đẹp, hoa nhiều nhưng dáng và cành bị lỗi thì cũng vứt, bởi những người chơi mai sành điệu không bao giờ họ bỏ qua chi tiết này. Đến những ngày giáp Tết, đây là thời điểm quyết định thắng, bại của cả năm. Việc ăn, ngủ của người làm mai Tết thì thế nào cũng được, thực đơn bữa ăn đối với họ: không quan tâm, nhưng thời tiết thì họ phải theo dõi, cập nhật liên tục để đưa ra những quyết định về thời điểm tuốt lá, bón phân, tưới nước như thế nào để đảm bảo cho mai nở đúng Tết.

Rất cởi mở, chất phác Trương Hoài Phong chia sẻ: Để có những chậu mai tốt nhất đưa ra thị trường, Phong phải tuyển chọn thêm một lần nữa với nguyên tắc: đúng chuẩn. Thường là chỉ khoảng từ 70- 80% của cả vườn.

Phong luôn phải quan tâm, tỷ mỉ chăm sóc từng chi tiết cho cây mai. Ảnh: Giang Sơn

Bốn năm liên tục, từ Gia Lai đưa mai về Đà Nẵng tham gia Hội hoa Xuân, Trương Hoài Phong đã tạo được tên, tuổi trong giới làm mai Tết. Ngoài việc đầu tư, đấu giá để có được vị trí đắc địa tại chợ hoa Xuân thì tên tuổi, thương hiệu của Phong không phải là thông qua những giải thưởng hay những màn quảng cáo rầm rộ mà tên tuổi được chính những khách hàng ghi nhận bởi tính thẩm mỹ, chất lượng, giá cả và đặc biệt là chính sự quan tâm, chăm sóc khách hàng của Phong. Phong kể: Khi khách mua mai lựa chọn xong, em cho số điện thoại, chỉ bày cẩn thận cách chăm sóc để mai luôn tươi, đẹp trong dịp Tết và có thể ra hoa tốt, đúng dịp Tết của các năm sau. Mỗi năm em nhận hàng chục cuộc điện thoại của khách hàng để hỏi, tư vấn về việc chăm sóc mai. Bao giờ em cũng chỉ, bày một cách chu đáo nên rất nhiều khách hàng tin cậy, lựa chọn. Những người chơi mai truyền thống họ coi cây mai ngày Tết như vận mệnh của cả năm, vì vậy mình phải coi trọng từ khâu chăm sóc đến việc sẵn sàng đổi lại nếu cây mai của họ có “điềm” không tốt.

Năm nay thời tiết thuận lợi, mai Bình Định được mùa, giá mai nhìn chung có thể giảm hơn so với năm ngoái nhưng Phong vẫn tin là với thương hiệu của mình thì năm nay vẫn là một năm thành công.

Giang Sơn

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/30-phut-tro-chuyen-voi-chu-nhan-cay-mai-2-ty-d70250.html