30 ngày nữa, Mỹ trả lời Nga về vũ khí siêu thanh

Thời điểm phóng tên lửa siêu thanh được Tướng Heath Collins, Giám đốc Điều hành Chương trình Vũ khí của Lực lượng Không quân Mỹ cho biết.

Hiện nay Mỹ đang gặp khó khăn trong việc phát triển và thử nghiệm tên lửa siêu thanh trong cuộc đua với đối thủ Nga và Trung Quốc. Và Tướng Heath Collins đã gây bất ngờ lớn bằng tuyên bố hôm 5/3, Không quân Mỹ sẽ chính thức phóng tên lửa siêu thanh AGM-183A từ trên không trong vòng chưa đầy một tháng nữa.

Tên lửa siêu thanh AGM-183A.

Tên lửa siêu thanh AGM-183A.

"Trong 30 ngày tới, chúng tôi sẽ chính thức phóng tên lửa siêu thanh AGM-183A từ trên không. Và đến cuối năm 2021, những cuộc thử nghiệm ở cấp độ toàn diện với dòng tên lửa này sẽ được thực hiện", Tướng Mỹ tiết lộ.

Mục tiêu trong lần đầu phóng AGM-183A chỉ nhằm kiểm tra sức mạnh và sự ổn định của động cơ chứ tên lửa chưa được gắn phần chiến đấu siêu thanh. Theo tướng Collins, mục tiêu của Mỹ khi phát triển AGM-183A là tạo ra loại vũ khí có thể đạt tốc độ hơn Mach 5 và là vũ khí đối tối tân hơn Kinzhal của Nga (tốc độ của Kinzhal gần Mach 10).

Được biết, cuộc thử nghiệm lần đầu nhưng không phóng của AGM-183A được thực hiện hồi giữa năm 2020 trên oanh tạc cơ B-52H. Trong lần đầu này, oanh tạc cơ Mỹ mang theo 2 quả AGM-183A.

Theo các nhà phát triển Mỹ, AGM-183A sở hữu những thông số hơn hẳn trên Kinzhal. Dòng tên lửa siêu thanh này của Nga chỉ tương đương với AGM-48 Skybolt của Mỹ (phát triển cách đây 60 năm).

AGM-183A ưu việt hơn Kinzhal ở chỗ nó không đòi hỏi máy bay mang phóng phải leo tới độ cao thật lớn và duy trì vận tốc Mach 2 như Kinzhal mà vẫn dễ dàng đạt tới thông số thiết kế.

Những tuyên bố của Mỹ về AGM-183A đã khá rõ ràng nhưng theo giới quân sự Nga, tên lửa siêu thanh Mỹ không chỉ thua kém Kinzhal của Nga trong tầm bắn, tốc độ, mà còn có những trở ngại đáng kể liên quan đến việc máy bay ném bom B-52 hoặc B-1B Lancer sẽ bắt buộc phải trở thành phương tiện mang vũ khí này.

Chiều dài của AGM-183A khoảng 6,5 - 7m và khối lượng của nó xấp xỉ 2 - 2,5 tấn, khiến loại vũ khí này hoàn toàn vô vọng để tích hợp trên tiêm kích, đặc biệt là việc máy bay mang chúng phải tiếp cận gần mục tiêu mới có thể khai hỏa giúp phòng thủ đối phương dễ dàng đánh chặn ngay cả máy bay mang loại đạn này.

Máy bay ném bom của Không quân Mỹ hiện nay đã lỗi thời về mặt kỹ thuật. Nếu tích hợp vũ khí này lên máy bay B-21 đầy hứa hẹn thì trong trường hợp này, Mỹ sẽ không có vũ khí siêu thanh trước năm 2030 - thời điểm Mỹ đưa máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới này đi vào hoạt động.

Trong khi đó, Nga đã bước vào giai đoạn hoàn thiện và sẵn sàng trang bị Kinzhal. Như vậy, để được coi là đối thủ của tên lửa Nga, có thể Mỹ phải mất nhiều thời gian nữa mới có thể hoàn thiện khả năng chiến đấu cho AGM-183A.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/30-ngay-nua-my-tra-loi-nga-ve-vu-khi-sieu-thanh-3428736/