30 năm vịnh Hạ Long được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới: Khẳng định các giá trị ngoại hạng toàn cầu
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày vịnh Hạ Long - di sản đầu tiên tại Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ nhất (17/12/1991-17/12/2024), phóng viên TTXVN có cuộc phỏng vấn ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long về công tác bảo vệ, phát huy giá trị mang tính toàn cầu, tiêu biểu về thẩm mỹ, địa chất địa mạo, đa dạng sinh học và lịch sử văn hóa của di sản này.
Sau 30 năm kể từ ngày được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai những giải pháp nào để bảo vệ môi trường, cảnh quan, tăng cường quản lý, khai thác phù hợp để phát huy giá trị vịnh Hạ Long?
Với định vị “Di sản thiên nhiên là những tài sản vô giá và không thể thay thế, không chỉ của một dân tộc mà còn là của nhân loại”, từ khi được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1994, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp để quản lý, bảo tồn, bảo vệ môi trường, cảnh quan di sản như: Thành lập Ban Quản lý vịnh Hạ Long là cơ quan tham mưu thực hiện quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, quy hoạch, kế hoạch quản lý tổng thể di sản vịnh Hạ Long phù hợp với từng giai đoạn.
Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ nhằm phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường từ nguồn như: Di dời các hộ dân làng chài trên vịnh lên bờ sinh sống từ năm 2014; cấm đánh bắt thủy sản trong vùng bảo vệ tuyệt đối khu di sản; lập các điểm quy hoạch nuôi trồng thủy sản nằm ngoài khu vực bảo vệ tuyệt đối di sản; di dời các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền ra ngoài vùng đệm; chấm dứt hoạt động bốc xếp, chuyển tải hàng hóa rời clinker, xi măng dăm gỗ, bốc rót than trên vịnh Hạ Long; triển khai hiệu quả chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa”, thay thế hầu hết phao xốp trên các công trình nổi trên vịnh…
Tỉnh xác định không phát sinh cơ sở công nghiệp mới, không cấp phép hoạt động các nhà máy có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường vịnh; từng bước kiểm soát chặt chẽ nước thải của các khu công nghiệp, khu dân cư ven bờ vịnh đảm bảo 100% đô thị, khu dân cư xây dựng mới được đầu tư hệ thống xử lý nước thải trước khi đi vào hoạt động…
Tỉnh chú trọng ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ trong lĩnh vực môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế với UNESCO, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA Nhật Bản), Tập đoàn Dầu khí Santos (Australia), Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ... để thu hút được nhiều dự án về quản lý, bảo tồn, bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long.
Xin ông đánh giá về hiệu quả về mặt bảo tồn giá trị di sản và mặt kinh tế những giải pháp đó đem lại?
Với những nỗ lực triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường, cảnh quan, trải qua chặng đường 30 năm vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới đã đạt được nhiều hiệu quả cả về khía cạnh bảo tồn và kinh tế.
Hiệu quả về bảo tồn, giá trị nổi bật toàn cầu của vịnh Hạ Long về cảnh quan thiên nhiên được bảo tồn nguyên trạng. Điều này được ghi nhận và khẳng định qua các danh hiệu vịnh Hạ Long liên tiếp được trao tặng: Di sản thiên nhiên thế giới lần đầu tiên năm 1994 về giá trị cảnh quan thiên nhiên; mở rộng tiêu chí địa chất - địa mạo vào năm 2000; được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2009; trở thành một trong 7 Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới năm 2011; trở thành Di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam năm 2023; trở thành Di sản địa chất quốc tế năm 2024...
Môi trường, cảnh quan và các hệ sinh thái của vịnh Hạ Long ngày càng được bảo vệ, bảo tồn nghiêm ngặt đi đôi với phát triển bền vững. Hơn 5.000 ha rừng trên núi đá vôi của vịnh Hạ Long từ rừng phòng hộ được chuyển sang rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan và trở thành khu bảo tồn thiên nhiên; chất lượng môi trường nước vịnh Hạ Long có xu hướng cải thiện, môi trường trầm tích vùng di sản vịnh Hạ Long đều nằm trong giới hạn cho phép...
Về hiệu quả kinh tế, danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới của vịnh Hạ Long như là nam châm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, mở ra cơ hội vàng cho Quảng Ninh trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ngành Du lịch của tỉnh. Doanh thu từ du lịch đã đóng góp tích cực vào ngân sách tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác. Chỉ tính riêng thu phí tham quan vịnh Hạ Long từ năm 1996 đến hết tháng 11/2024 đã đạt trên 8.608 tỷ đồng.
Năm 2023, Ủy ban Di sản thế giới phê duyệt điều chỉnh mở rộng ranh giới vịnh Hạ Long bao gồm cả quần đảo Cát Bà (Hải Phòng), trở thành Di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam. Theo ông, việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản liên tỉnh đặt ra những yêu cầu mới nào để đem lại hiệu quả cao nhất?
Việc di sản vịnh Hạ Long được Ủy ban Di sản thế giới phê duyệt điều chỉnh mở rộng ranh giới bao gồm cả quần đảo Cát Bà của thành phố Hải Phòng nhằm bảo vệ tốt hơn nữa các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Do vậy, việc thống nhất chung giữa 2 địa phương Quảng Ninh và Hải Phòng trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là nhiệm vụ cần thiết và cấp thiết, đòi hỏi cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và linh hoạt giữa tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng trong nhiều lĩnh vực.
Đó là, cần thống nhất xây dựng các cơ chế phối hợp rõ ràng, đồng bộ trong triển khai các hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy di sản, đảm bảo rằng các chính sách và hoạt động của cả hai địa phương không mâu thuẫn mà hỗ trợ lẫn nhau; thống nhất các giải pháp để phát triển du lịch đảm bảo tính bền vững, tránh làm suy giảm giá trị tự nhiên và văn hóa của khu vực. Đồng thời, thống nhất quản lý, giám sát chặt chẽ, thường xuyên các tác động tiêu cực từ phát triển du lịch, công nghiệp và đô thị hóa đến các hệ sinh thái đa dạng, phong phú của khu di sản.
Hai địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, vừa góp phần khẳng định và làm rõ hơn các giá trị ngoại hạng toàn cầu đã được UNESCO công nhận, đồng thời làm cơ sở quan trọng để 2 địa phương hoạch định những chiến lược và giải pháp hiệu quả trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy bền vững di sản, từ đó làm sáng tỏ nhiều giá trị khác của khu vực di sản vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà.
Hai địa phương cần đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông, giáo dục về giá trị di sản và tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên và các hệ sinh thái. Người dân địa phương, khách du lịch và các doanh nghiệp có hoạt động kinh tế - xã hội trong và xung quanh khu vực di sản cần hiểu rõ trách nhiệm, vai trò của mình trong việc bảo vệ các giá trị tự nhiên và giữ gìn các giá trị văn hóa bản địa. Đồng thời, nhận thức rõ những lợi ích mà di sản mang lại cho họ như tạo việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng... từ đó sẽ nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ, gìn giữ di sản.
Xin cảm ơn ông!