30 năm Quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Campuchia: Thế giới vẫn nợ Việt Nam lời xin lỗi

Ông Vũ Mão cho rằng thế giới hiểu sai cuộc chiến chính nghĩa Việt Nam giúp Campuchia khỏi nạn diệt chủng Pol Pot và nợ 'đội quân nhà Phật' một lời xin lỗi.

Hôm nay (26/9), tròn 30 năm quân tình nguyện Việt Nam cùng quân và dân Campuchia đánh bại mưu toan phục hồi chế độ diệt chủng của Pol Pot – Ieng Sary, thực hiện công cuộc hồi sinh đất nước Campuchia, toàn bộ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam trở về Tổ quốc trong vinh quang.

Trả lời VTC News về cuộc chiến này, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia cho rằng: “Thế giới nợ Việt Nam một lời xin lỗi” khi xem việc chúng ta đưa quân sang Campuchia là để "xâm lược" nước láng giềng.

Đã đến lúc chúng ta phải tìm cách nói ra, để giãi bày, chứng thực tính chính nghĩa trong cuộc chiến tình nghĩa này.

 Người dân Campuchia tiễn quân tình nguyện Việt Nam về nước.

Người dân Campuchia tiễn quân tình nguyện Việt Nam về nước.

- Bối cảnh lịch sử dẫn đến việc Việt Nam cử quân tình nguyện sang giúp Campuchia giải phòng khỏi thảm họa diệt chủng Pol Pot cách đây 40 năm thế nào, thưa ông?

Lúc đó, lực lượng của tập đoàn Pol Pot - Ieng sary có số lượng đông đảo, gồm mấy chục sư đoàn. Bọn chúng lên kế hoạch đánh sang Việt Nam, quyết tâm chiếm Nam Bộ của Việt Nam. Khmer Đỏ cho rằng, Nam Bộ là đất của họ. Nhưng lịch sử hoàn toàn không phải như vậy.

Cũng giống như người Da đỏ là chủ nhân đầu tiên của nước Mỹ, nhưng chẳng lẽ bây giờ người Da đỏ có thể đòi lại nước Mỹ. Nghiên cứu sâu mới thấy rằng, đất Nam Bộ có lịch sử phát triển rất phức tạp, Khmer Đỏ bị kích động từ Trung Quốc, nên mới có ý định tiến đánh đòi lại Nam Bộ của Việt Nam.

Với sự hỗ trợ quân sự lớn từ Trung Quốc, Pol Pot - Ieng sary phát động chiến tranh ở dọc biên giới phía Tây Nam của nước ta.

Trong bối cảnh dẫn đến Chiến tranh biên giới Tây Nam này, Trung Quốc là lực lượng hậu thuẫn chính cho Khmer Đỏ. Chưa kể, Bắc Kinh còn kích động để tập đoàn Pol Pot - Ieng sary tàn sát hàng triệu người dân Campuchia vô tội. Mục đích là để Trung Quốc dễ dàng đưa người của họ tới Campuchia và cả ở Lào nữa.

- Phản ứng của người dân Campuchia khi chúng ta sang giúp họ giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ lúc đó ra sao, thưa ông?

Thứ nhất, bộ đội của ta gặp rất nhiều khó khăn khi phải chiến đấu ở một nước khác vì không quen khí hậu, môi trường, thổ nhưỡng.

Thứ hai, quân Khmer Đỏ sử dụng lối đánh du kích, lại được trang bị nhiều vũ khí hiện đại của Trung Quốc, cho nên gây rất nhiều tổn thất cho quân ta.

Nguy hiểm hơn, quân Khmer Đỏ thường xuyên sử dụng các loại mìn định hướng. Loại vũ khí này gây sát thương rất nguy hiểm, khiến cho bộ đội ta bị cụt chân tay và tạo tâm lí rất hoang mang, gây hậu quả chiến tranh dai dẳng, lâu dài. Nói chung, kẻ thù sử dụng nhiều vũ khí rất thâm hiểm và ác độc.

Mặt khác, tình hình trong nước của chúng ta lúc bấy giờ cũng rất khó khăn, bởi vì hậu quả chiến tranh cực kì to lớn. Một phần do quản lý nhà nước có nhiều yếu kém, mô hình bao cấp cũ, quan liêu nên khó phát triển được sản xuất.

Hơn nữa, việc Mỹ cấm vận cũng là một nguyên nhân dẫn đến khó khăn quốc nội. Chưa kể Mỹ và Trung Quốc đã đạt được sự đồng thuận, mặc cả với nhau, để làm suy giảm sức mạnh của Việt Nam tại khu vực.

Một khó khăn nữa là sau khi thống nhất đất nước, rất nhiều bộ phận của lực lượng vũ trang ta trở về địa phương, phục viên và xây dựng gia đình, làm ăn sinh sống.

Nhưng vì chiến tranh Tây Nam nổ ra, quân đội buộc phải điều động anh em trở lại chiến đấu. Công tác chính trị tư tưởng, vận động bộ đội ta sẵn sàng chiến đấu giúp nước bạn là rất cấp bách và cũng rất gian nan.

So với cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam thống nhất đất nước thì chiến tranh diễn ra ở Campuchia không ác liệt bằng, nhưng cái khổ cực, gian lao thì hơn rất nhiều.

Vì miền Nam dù sao cũng có dân che chở, có lương thực, còn phía bên Campuchia thì dân bị giết nhiều, họ cũng rất đói khổ. Cho nên, bộ đội ta không có chỗ dựa. Lương thực thì rất khan hiếm, có tí nào chuyển từ Việt Nam sang thì lại chia cho dân nghèo Campuchia.

Mùa khô ở bên đó không có nước, phải múc ít nước từ vũng bùn lên để uống, thậm chí phải tiểu tiện ra để uống. Nhiều cựu chiến binh thừa nhận rằng, chiến đấu ở Campuchia khổ gấp bội so với ở chiến trường miền Nam.

Nhưng điều quan trọng là người dân Campuchia ở vùng giải phòng rất vui mừng và quý mến bộ đội tình nguyện Việt Nam. Bởi vì chúng ta đã cứu giúp họ trước họa diệt chủng.

Bộ đội ta có kỷ luật rất nghiêm, không lấy một cây kim sợi chỉ nào, mà còn cho dân lương thực và giúp đỡ họ ổn định lại cuộc sống. Vì thế, dân Campuchia gọi bộ đội Việt Nam là “đội quân nhà Phật”.

- Tại sao năm 1979, sau khi đánh bại quân Khmer Đỏ ra khỏi lãnh thổ Campuchia, chúng ta lại quyết định quân đồn trú lại?

Thực ra là chúng ta giải phóng Campuchia, nhưng chưa tiêu diệt hết tàn dư của Khmer Đỏ. Bọn chúng vẫn lẩn trốn vào trong rừng sâu. Quân ta mới đuổi quân Khmer Đỏ ra khỏi lãnh thổ Campuchia và chúng lại dùng hậu cứ bên Thái Lan để phản công lại ta.

Trong khi đó, các nước Trung Quốc, Thái Lan hay Singapore cực lực phản đổi hành động quân sự của Việt Nam. Các nước này cáo buộc chúng ta “xâm lược” đất nước Campuchia.

Tàn quân Khmer Đỏ sau đó cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, liền tiến hành đánh phản công chống lại lực lượng đồn trú của chúng ta tại Campuchia.

- Tại sao chúng ta chưa thể rút quân về nước?

Tại vì bối cảnh Campuchia lúc này chưa cho phép. Thứ nhất, lực lượng cách mạng của Campuchia còn rất non trẻ. Chính quyền Cộng hòa nhân dân Campuchia mới thành lập chưa thể đứng vững, trước nguy cơ Khmer Đỏ có thể quay trở lại tái chiếm. Chúng ta cần phải tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo cho họ.

Thứ hai, quân Khmer Đỏ lúc này lại nhận được nhiều sự hỗ trợ quân sự từ Trung Quốc. Chúng có vũ khí hiện đại, và tập trung lực lượng hùng hậu ở vùng biên giới Thái Lan, sẵn sàng quay trở lại cướp chính quyền mới thành lập.

Có lẽ chính nước bạn cũng muốn chúng ta đồn trú ở lại, để giúp họ bảo đảm an ninh và chống lại tàn dư Khmer Đỏ. Vì vậy, bộ đội ta mới được lệnh ở lại.

Video: Tuol Sleng - Bộ máy giết người tàn bạo nhất của Khmer đỏ

- Dư luận quốc tế phản ứng đa chiều về việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia, nhưng phần đông là phản đối. Mỹ, Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á còn cáo buộc Việt Nam “xâm lược” Campuchia.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta nhận được nhiều sự ủng hộ của các nước khối Xã hội chủ nghĩa anh em, cũng như nhân dân tiến bộ thế giới. Tuy vậy, trong cuộc chiến tại Campuchia, chúng ta không nhận được nhiều sự hậu thuẫn như trước đó. Kể cả các nước XHCN lúc đó cũng tỏ ra nghi ngờ về ý định của chúng ta, khi đưa quân vào Campuchia.

Các nước Trung Quốc, Hoa Kỳ thì lên tiếng cáo buộc Việt Nam “xâm lược” Campuchia. Nhiều nước Đông Nam Á cũng ra sức tố cáo chủ nghĩa “bá quyền” khu vực của Việt Nam.

Phải nói rằng, công tác thông tin truyền thông của chúng ta lúc này rất yếu. Chúng ta đã không nói ra rộng rãi, để thế giới biết về cuộc chiến chính nghĩa này.

Ví như, chúng ta báo cáo cụ thể với Liên hợp Quốc rằng Việt Nam tiến hành cuộc chiến tự vệ bảo vệ biên giới Tây Nam. Và sau đó, bộ đội tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia giải phóng đất nước khỏi họa diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ.

Khi đó, dư luận tiến bộ thế giới sẽ nhìn nhận khác về tính chất của cuộc chiến và vai trò “gìn giữ hòa bình” của Việt Nam tại đất nước Chùa Tháp sẽ được ghi nhận.

Nhưng chúng ta đã cho rằng mình có thể tự giải quyết được hết. Tất nhiên lúc này, Việt Nam cũng tranh thủ được sự ủng hộ của Liên Xô, nhưng chính Matxcova cũng đang gặp khó tại chiến trường Afghanistan. Cho nên, sự ủng hộ và tương trợ là rất có hạn.

- Ngày 26/9/1989, Việt Nam chính thức rút quân đội về nước. Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào đối với tình hình trong nước và khu vực?

Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng. Sau 10 năm, chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ tình nguyện quốc tế, củng cố được chính quyền mới của đất nước Campuchia.

Đây được xem là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Vì chúng ta vừa phải hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ cho Campuchia giữ vững chính quyền, vừa giúp đất nước họ bảo đảm an ninh, truy diệt các tàn dư của quân Khmer Đỏ còn sót lại.

Thực tế thì chính quyền mới của Campuchia chưa muốn chúng ta rút quân về nước. Nhưng bối cảnh bao vây cấm vận trong nước, tình hình thay đổi của thế giới, thời cuộc yêu cầu chúng ta phải đưa quân đội về nước.

Mặt khác, việc rút quân về nước giúp cho nhân dân Campuchia độc lập hơn, chủ động hơn trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh và xây dựng đất nước họ.

Một yếu tố ảnh hưởng tới việc rút quân là chính sách đối ngoại đổi mới của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Chúng ta muốn xóa bỏ bao vây cấm vận, muốn hội nhập quốc tế và muốn “làm bạn” với nhiều nước trên thế giới.

Cho nên, chúng ta cần phải xây dựng hình ảnh một nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện với khu vực và thế giới. Các nước Đông Nam Á rất hoan nghênh chính sách mới này và ủng hộ việc rút quân của Việt Nam ra khỏi Campuchia.

Ngoài ra, cuối năm 1989, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điều kiện thuận lợi để bình thường hóa quan hệ song phương. Trung Quốc muốn ổn định biên giới với Việt Nam để tập trung phát triển kinh tế, còn Việt Nam thì muốn sớm hòa nhập khu vực và thế giới.

Cả hai bên đều đạt được sự nhất trí giải quyết các nút thắt mâu thuẫn dai dẳng, trong đó có vấn đề Campuchia. Vậy nên, chúng ta rút quân khỏi Campuchia đã tháo gỡ được nút thắt quan trọng này.

Các chiến sỹ Quân khu 9 tiêu diệt quân Pol Pot đến gây tội ác ở Phú Cường, xã An Nông, huyện Bảy Núi (An Giang), ngày 19/1/1978. (Ảnh: TTXVN)

- Những bài học lịch sử nào được rút ra sau 30 năm vừa qua, thưa ông?

Cần có một tổng kết lịch sử đầy đủ, vì đây là một vấn đề phức tạp, có nhiều luận điểm và đánh giá khác nhau. Nhưng theo cá nhân tôi thì có những bài học lịch sử sau:

Thứ nhất, cần quán triệt tư tưởng của Đảng ta hiện nay là hội nhập sâu rộng, phương châm đối ngoại là “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế” là kim chỉ nam hành động.

Như Bác Hồ đã dạy “giúp bạn là giúp ta”, chúng ta giúp nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ cũng là cách bảo đảm an ninh xã hội của chúng ta. Vì nếu bọn Pol Pot - Ieng sary cứ thọc sâu vào biên giới Tây Nam, làm sao chúng ta có thể ổn định, phát triển được.

Thứ hai, là phải làm sao tạo môi trường hòa bình, môi trường ổn định, làm bạn với tất cả các nước. Cố gắng không bị kích động, bị kéo vào các cuộc chiến tốn kém, tàn khốc. Đó là bài học rất quan trọng mà hiện nay đã chứng minh.

Thứ ba, công tác tuyên truyền, thông tin của chúng ta rất yếu. Chúng ta cần nói rõ cho người dân trong nước và cộng đồng quốc tế biết rõ về vấn đề Campuchia, Chiến tranh Tây Nam và vai trò của việc đưa quân vào đất nước Chùa Tháp. Kể cả các vấn đề hội đàm biên giới hay các hội nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc trước đây.

- Nhưng đến bây giờ nhiều nước vẫn cho rằng Việt Nam “xâm lược” Campuchia vào thời điểm đó, thưa ông?

Đến bây giờ nhiều nước vẫn cho rằng Việt Nam “xâm lược” Campuchia. Họ đâu có biết là Tòa án Quốc tế đã xét xử tội ác diệt chủng của tập đoàn Pol Pot - Ieng sary. Dư luận thế giới đã phẫn nộ như thế nào trước tội ác của chế độ Khmer Đỏ, khi biết đến Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng ở Campuchia.

Hiện nay chỉ khoảng 10% cộng đồng quốc tế hiểu rõ về bản chất cuộc chiến của Việt Nam ở Campuchia, quả đúng là, 'thế giới nợ Việt Nam một lời xin lỗi'.

Ông Vũ Mão

Chúng ta nên nhân cơ hội đó để làm lớn lên, khuếch trương nhiều lên cho thế giới được rõ hơn về tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến ở Campuchia. Hiện nay chỉ khoảng 10% cộng đồng quốc tế hiểu rõ về bản chất cuộc chiến của Việt Nam ở Campuchia.

Quả đúng là, “thế giới nợ Việt Nam một lời xin lỗi”. Nhưng do chúng ta không có cách để nói ra, để giãi bày, chứng thực cho tính chính nghĩa trong cuộc chiến tình nghĩa này.

- Ngay cả Campuchia cũng rất khó khăn khi nói về tính chính nghĩa của việc Việt Nam đưa quân sang giúp đất nước ngày thống nhất, thưa ông?

Campuchia cũng đã làm, nhưng chưa đầy đủ. Vì đặc thù của họ là có nhiều đảng trong Quốc hội, cho nên Thủ tướng Hunsen cũng rất khó lòng nói ra hết được. Điều này lại tạo điều kiện cho các đảng phái khác nói chưa đúng về Việt Nam, kích động người dân chống lại chính sách, chủ trương hữu nghị với Việt Nam. Nhất là, giới trẻ Campuchia hiện nay không hiểu rõ lắm về vấn đề này.

Cho nên, nhân dịp kỉ niệm 30 năm này, chúng ta có nhiều việc cần phải làm, phải rút ra ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm, tìm ra hướng giải quyết ra sao để quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia phát triển. Làm sao để thế giới hiểu Việt Nam hơn, hiểu được tính chính nghĩa của Việt Nam. Đó là những việc cần làm trong dịp này.

- Trong dịp kỉ niệm “40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (07/01/1979 - 07/01/2019)” Nguyển Tổng bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định “Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam là cuộc chiến chính nghĩa”...?

Đúng vậy, điều đó là hoàn toàn chính xác. Vì rõ ràng, một mặt, tập đoàn Pol Pot - Ieng sary đã tấn công vào biên giới Việt Nam, giết hại nhiều thường dân vô tội ở vùng biên giới Việt Nam. Mặt khác, ở trong nước, Khmer Đỏ đối xử tàn bạo với nhân dân Campuchia, ác độc tiêu diệt hàng triệu người dân vô tội.

Do đó, Việt Nam cần phải thực hiện cuộc chiến này để tự vệ, giữ vững chủ quyền biên giới Tây Nam. Sau đó, bộ đội tình nguyện Việt Nam giúp đỡ lực lượng cách mạng Campuchia tấn công, giải phóng đất nước Chùa Tháp thoát khỏi họa diệt chủng Khmer Đỏ.

Bản thân chính quyền Hunsen cũng công nhận tính chính nghĩa này. Và giới lãnh đạo của chính quyền Campuchia hiện nay thường xuyên đề cập vấn đề này. Tuy vậy, giới trẻ hiện nay chưa hiểu hết. Vì không có ai tuyên truyền đầy đủ cho họ.

Ngày 16/11/2018, Tòa án đặc biệt tại Tòa án Campuchia (ECCC) tuyên án chung thân đối với 2 cựu lãnh đạo Khmer Đỏ là Nuon Chea (trái) và Khieu Samphan trong vụ án 002/02, bao gồm tội danh “diệt chủng” người Chăm theo đạo Hồi và người Việt. (Ảnh: Reuters)

Chính quyền Hunsen cũng gặp khó khi tuyên truyền công khai về điều này. Vẫn còn nhiều nước hiện nay vẫn coi Việt Nam “xâm lược” Campuchia. Mới đây nhất, chính Thủ tướng Singapore cũng viết bài đăng trên mạng xã hội nói về vấn đề Việt Nam “xâm lược” Campuchia.

Cho nên, chúng ta nói là chính nghĩa, và một số bên hiểu biết sâu thì công nhận điều này. Nhưng còn nhiều nước vẫn nghi ngờ về quãng thời gian 10 năm đóng quân của Việt Nam ở đất nước Chùa Tháp này.

Loạt bài "Pol Pot thảm sát người dân ở Ba Chúc (An Giang)" tại đây

- Làm sao để chúng ta nói cho thế giới biết tính chính nghĩa của Việt Nam cuộc chiến này?

Chúng ta cần tổng kết lại, rút ra những bài học kinh nghiệm. Những tài lệu nghiên cứu đó cần được đưa ra cho nhân dân và cộng đồng quốc tế biết đến. Đầu tư nghiên cứu và viết rất công phu, nhưng đút vào ngăn kéo thì không giải quyết được gì. Tôi không đồng ý với cách làm đó.

Chúng ta có thể phối hợp với phía Campuchia để viết lịch sử, nghiên cứu về các vấn đề xung quanh cuộc chiến. Nhưng chúng ta vẫn chưa làm được điều này. Trong trường hợp bên Campuchia không phối hợp được, thì chúng ta cần nghiên cứu độc lập và công khai cho thế giới biết đến. Ngoài ra, Ban đối ngoại và các cơ quan hữu quan cũng cần tham gia nhiều hơn trong vấn đề này.

Nói chung, chúng ta cần nói rộng ra, nói công khai một cách khách quan cho cộng đồng thế giới biết. Trong khía cạnh này, vai trò của thông tin, truyền thông là rất quan trọng.

- Vai trò của công tác “ngoại giao nhân dân” để thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Campuchia trong thời điểm hiện nay, thưa ông?

Hiện nay, quan hệ của Việt Nam và Campuchia có nhiều bước thăng trầm. Chúng ta cần thực sự đổi mới, đi vào thực chất. Cái ân nghĩa thì còn giữ mãi, nhưng không thể đưa ân nghĩa ra để nói cho tất cả. Bây giờ quan trọng vẫn là kinh tế.

Chúng ta cần phát triển kinh tế và đầu tư nhiều hơn vào Campuchia. Hiện nay, Trung Quốc đầu tư vào bên đó rất nhiều, chúng ta cũng cần đầu tư nhiều hơn nữa. Viện trợ thì là một khía cạnh, nhưng đầu tư có hiệu quả mới là cách làm hay. Do đó, cần đổi mới tư duy tiếp cận vấn đề, để xây dựng vững mối quan hệ này.

“Ngoại giao nhân dân” là một hoạt động rất quan trọng và cần được đẩy mạnh. Nhưng có lẽ chúng ta chưa nhận thức đầy đủ về công tác này. Các hoạt động của Hội hữu nghị và ban ngành đều rất khó khăn, vì nguồn kinh phí eo hẹp. Chúng ta cũng cần thay đổi tư duy lãnh đạo, làm việc để hoạt động “ngoại giao nhân dân” trong thời gian tới hiệu quả hơn.

- Năm nay, chúng ta kỉ niệm “30 năm quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia (26/9/1989 -26/9/2019). Vậy Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia đang tổ chức những hoạt động gì để tuyên truyền cho người dân Việt Nam cũng như thế giới hiểu thêm về tính chính nghĩa của cuộc chiến này?

Chương trình kỉ niệm này nằm chung trong tổng thể của các hoạt động kỉ niệm dấu mốc lịch sử 40 năm chiến tranh Biên giới Tây Nam và cũng là 30 năm quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, giúp lực lượng cách mạng Campuchia giải phòng đất nước khỏi họa diệt chủng Pol Pot - Ieng sary.

Có thể nói năm nay có nhiều dịp kỉ niệm quan trọng diễn ra. Đầu năm, chúng ta đã tổ chức lễ kỉ niệm 40 năm “Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng” (7/1/1979 – 7/1/2019).

Campuchia tổ chức cũng rất long trọng. Thủ tướng Hunsen cùng với lãnh đạo cấp cao của Campuchia đã trở lại Việt Nam để thăm lại “con đường cứu nước” của 40 năm về trước. Khi đó, nhà lãnh đạo Hunsen, dưới sự hỗ trợ không ngừng của Việt Nam, đã từng bước gây dựng lực lượng ban đầu của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia ở tỉnh Đồng Nai.

Chính lực lượng này, cùng với quân tình nguyện Việt Nam đã giải phóng Campuchia đánh đổ chế độ Khmer Đỏ tàn ác, thành lập nên nước Cộng hòa nhân dân Campuchia.

Ngoài ra, các tỉnh biên giới của hai nước cũng có nhiều hoạt động tổ chức kỉ niệm. Tại TP.HCM, Đồng Nai và các tỉnh thành có Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia đều tổ chức các hoạt động giao lưu, gặp gỡ nhân ngày kỉ niệm quan trọng này.

Hiện nay, chúng ta có hàng vạn chiến sĩ quân tình nguyện tham gia giúp đỡ nhân dân Campuchia. Rất nhiều chiến sĩ đã hy sinh tại chiến trường C, đồng thời lực lượng cựu chiến binh trở về nước cũng rất đông.

Vì vậy, Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia mong muốn kêu gọi mọi người tham gia vào tổ chức hội, để sinh hoạt và gặp gỡ giao lưu, nhất là trong các lực lượng quân đội. Ví dụ như: Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia ở Quân đoàn 4, Quân đoàn 2, Mặt trận 479 và nhiều tổ chức hội khác nữa.

Minh Tuấn - Xuân Trường

Nguồn VTC: https://vtc.vn/30-nam-quan-tinh-nguyen-viet-nam-rut-khoi-campuchia-the-gioi-van-no-viet-nam-loi-xin-loi-d500494.html